Cụ 83 tuổi: Từ con vì bị khuyên ở nhà nghỉ ngơi

Google News

Bố tôi bảo đi buôn chuối thì anh chị lo sức khỏe tôi, giờ chuyển nghề đi nhặt rác cho... nhẹ nhàng.

(Kienthuc.net.vn) - “Năm lần bảy lượt, hết con trai lại con gái khuyên bố có tuổi rồi ở nhà nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe không đi nhặt rác nữa liền bị ông cụ chửi cho té tát, còn ai nói nữa thì cụ không thèm nhìn mặt” - anh Nguyễn Đức Tiến con trai ông Nguyễn Đức Cải (83 tuổi) ở thị trấn Trôi huyện Hoài Đức Hà Nội chia sẻ.

Bị từ mặt vì khuyên bố ở nhà

Trước đây bố tôi hay đi xuống huyện Đan Phượng mua chuối xanh về nhà giấm chín rồi mang lên Hà Nội bán. Năm cụ 70 tuổi con cháu khuyên nên nghỉ ngơi, dưỡng sức tuổi già nhưng ông không nghe, mãi đến năm 75 tuổi ông mới chịu bỏ nghề.

Anh em chúng tôi chưa kịp mừng thì ông cụ lại nghĩ ra nghề đi nhặt rác. Bố tôi bảo đi buôn chuối thì anh chị lo sức khỏe tôi, giờ chuyển nghề đi nhặt rác cho... nhẹ nhàng.

Cụ Cải bảo chuyển đi nhặt rác cho... nhẹ nhàng

Thấy vậy anh em tôi thay nhau khuyên cụ không đi nhặt rác nữa, có lần tôi khuyên nhiều quá bị bố chửi té tát. Tôi đành chịu, hai em gái lấy chồng xa nhưng mỗi tuần cũng tranh thủ về chơi vài lần để khuyên bố nhưng cứ nhìn thấy mặt con là cụ tránh đi chỗ khác không tiếp chuyện.

Nói không được anh em tôi bàn nhau thay ổ khóa mới để cụ ở nhà. Sáng sớm hôm sau như thường lệ ông cụ dậy rất sớm và ra mở cửa để đi nhặt rác, thấy ổ khóa mới cứ thế bố tôi chửi om lên, nói tôi láo muốn nhốt cụ ở nhà. Từ đó ông giận không thèm nhìn mặt tôi luôn - anh Nguyễn Đức Tiến kể.

Nhờ hội cựu chiến binh vào nhà thu rác

Con cái trong nhà khuyên mãi không được, ngày nào cụ Cải cũng đi lang thang xung quanh làng nhặt nhạnh túi nilông, bạt rách… rửa sạch đất và mang về nhà phơi khô rồi đem bán.

Có khi cụ mang về rải khắp sân, kín cả lối đi, trời mưa phơi không khô, mùi hôi bốc lên, hàng xóm phàn nàn. Chúng tôi xin phép cụ cho chở đi đổ nhưng cụ nhất định không đồng ý. Hết cách tôi đành tìm đến nhờ hội Cựu chiến binh thị trấn vào khuyên cũng bị cụ từ chối đành phải lập biên bản thu rác mang đi đổ.

Ngày nào cụ Cải cũng đi lang thang xung quanh làng nhặt nhạnh túi nilông, bạt rách

Ông Nguyễn Đức Thi nguyên chủ tịch hội Cựu chiến binh thị trấn Trôi, người trực tiếp đến khuyên cụ Cải chia sẻ: “Thấy chúng tôi lập biên bản cụ tiếc lắm, ngồi dựa vào tường miệng lẩm bẩm, mặt buồn rười rượi. Một lát sau cụ nhẹ nhàng lại gần tôi nói nhỏ vào tai: Hôm nào trời nắng các anh lại cho tôi phơi tiếp nhé”.

 

 

Nhặt rác cho vui tuổi già

Đã gần 12h trưa, mặt trời đứng bóng nhưng cụ Nguyễn Đức Cải vẫn đang lau, chùi, vò những tấm bạt, nilông mà cụ nhặt được từ sáng cho sạch đất cát rồi cuộn tròn lại cho vào bao. Khi công việc đã xong xuôi, cụ vênh chiếc nón cũ nhàu lên nhìn mặt trời, miệng lẩm bẩm: “Trời nhanh trưa thật”. Nói rồi đưa tay cầm vạt áo lau những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán.

 

Cụ kể: “Làm nghề này bẩn thỉu, lại hôi thối nên đi đâu người ta cũng đuổi, cứ nhìn thấy tôi là người ta không thích, có khi còn chửi vì tôi đào bới bãi rác làm mùi thối bốc lên. Con cái chúng nó cũng cấm nhưng tôi cứ đi vì ở nhà chán lắm chẳng có việc gì làm. Tôi đi nhặt rác cho vui tuổi già”.

Rồi cụ bảo: “Tôi luôn nghĩ có làm mới có ăn, sống ở đời là phải nghĩ đến những gì tốt đẹp nhất, làm việc cho bản thân khỏe mạnh…”.

Hứa Phương

[links()]

Bình luận(2)

Minh Hiền

Lính thủy

Các cụ già quen lao động, ngơi chân ngơi tay thì rất buồn. Có cụ thì ngay từ hồi trẻ đã không ham thích lao động , về già chả muốn làm gì. Ngay tắm táp cho mình cũng ngại.
Làm con, phải hiểu tâm lý các cụ, tạo cho các cụ thích làm việc một công việc vừa sức, làm để giải trí, tránh để các cụ làm những việc dầu sương dãi nắng, tổn thọ.

Minh Hiền

Đại

Không biết mấy cô chân dài tự hào sống bám đọc cái này sẽ nghĩ sao ha... Mà các cô ấy làm gì mà biết suy nghĩ...
Tôi thấy bạn Lính thủy nói hay đó!