Cô gái “dòng sông nước mắt” lê “chân voi” kiếm tiền học

Google News

Em chỉ mong chân không đau quá để em có thể đi làm và kiếm tiền ăn, học chứ còn chữa bệnh bây giờ em chưa dám nghĩ đến.

(Kienthuc.net.vn) - Bệnh “chân voi” làm cho chân phải ngày càng sưng to, đi lại cà nhắc nhưng em Nguyễn Thị Lệ Hà, sinh viên năm thứ hai, khoa kế toán trường cao đẳng công nghệ và kĩ thuật Hà Nội (Sóc Sơn-Hà Nội) vẫn không về quê nghỉ hè như các bạn mà ở lại Hà Nội đi làm thêm kiếm tiền chuẩn bị cho năm học mới.

Làm đơn xin nghỉ học vì hết tiền

Nguyễn Thị Lệ Hà sinh năm 1992 trong hoàn cảnh không có tình thương của cha, được 2 tuổi thì mẹ đi lấy chồng. Hà lớn lên trong sự chăm bẵm của bà ngoại ở thôn Minh Khai xã Kim Ngọc (Bắc Quang - Hà Giang).

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, năm 2010, Hà tự mình tập tễnh cái “chân voi” đi thi, khi đỗ lại một mình thui thủi xuống Hà Nội nhập trường.

 

Em chỉ mong chân phải của mình không đau quá để đi làm kiếm tiền nộp học

 

Hà tâm sự: Lúc xuống nhập học bố có gửi cho em 1 triệu, mẹ gửi cho 1 triệu và 500 nghìn tiền em hái chè bán là 2,5 triệu đồng. Xuống trường nộp học phí hết 1,7 triệu, rồi tiền đi ôtô, mua sách vở, nộp quỹ lớp…

Trong tay em chỉ còn hơn hai trăm ngàn đồng, học được một tháng thì hết tiền không biết làm thế nào nên em đành làm đơn xin nghỉ học. Đưa đơn lên phòng đào tạo thì họ nói phải xin chữ ký của cô giáo chủ nhiệm.

Khi đưa đơn xin cô chữ ký, cô hỏi rõ ngọn ngành rồi bảo: “Em cố gắng học lấy cái nghề, chân em như vậy về quê làm nông thế nào được, để cô xem có việc gì phù hợp xin cho em đi làm thêm”. Em bắt đầu vừa đi học vừa đi làm từ đó đến giờ.

Hà kể lại: “Em nhớ mãi lúc xuống thi cao đẳng, khi làm bài xong ra đến cổng trường bạn nào cũng được bố mẹ hỏi: Có làm được bài không con? Đề có khó không con?... Còn em thì lạc lõng, chẳng có ai đón, cũng chẳng có ai hỏi.

Khi đi qua quán cơm, thấy mâm cơm đầy bố mẹ các bạn đã đặt sẵn, tự nhiên em tủi thân quá nước mắt cứ chảy ra. Người ta có bố, có mẹ lo lắng khi thi cử, đau ốm, bệnh tật, còn em thì tự lo cho bản thân mình. Gia đình em bây giờ mỗi người một nơi. Bố em lấy vợ ở Ninh Bình, mẹ lấy chồng ở Tuyên Quang, bà ngoại 82 tuổi ở Hà Giang còn em thì vừa đi học vừa đi làm ở Hà Nội”.

“Mọi thiệt thòi, đau đớn, bệnh tật đều dồn hết lên em. 21 năm trôi qua mà em có cảm giác số phận mình như định mệnh ở cái tên hay sao ấy? Lệ là nước mắt, còn Hà là dòng sông, hai chữ này ghép lại với nhau thì thành dòng sông nước mắt” - Hà buồn rầu.

Một ngày lê chân đi lại 16 tiếng

Quán cà phê Lầu 333 ở thị trấn Sóc Sơn-Hà Nội, bên cạnh tiếng cười nói của thực khách ngồi nhâm nhi ly cà phê, là một cô bé phục vụ, bưng bê đồ uống đi lại với đôi chân tập tễnh.

 

Hà cho biết: Lúc nhỏ bệnh chỉ phát ở bàn chân nhưng hai năm nay đã lên đến đầu gối

 

Người biết thì nhìn Hà với ánh mắt đồng cảm, chia sẻ, người không biết khẽ lắc đầu ẩn ý chê bai điều gì đó. Bỏ qua tất cả, Hà vẫn cố gắng làm sao cho khách khỏi phàn nàn.

Công việc của Hà bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc vào 23h đêm, chủ yếu là pha chế, bưng bê đồ uống phục vụ khách, dọn dẹp, lau bàn…

 

Hà bắt đầu công việc lúc 7h sáng đến 23h đêm.

 

Hà tâm sự: “Buổi sáng còn đỡ chứ đến buổi chiều hay tối là chân em phù lên căng mọng và đau nhức, mỗi bước đi lại cà nhắc. Dù đau nhưng mỗi ngày em cũng phải làm 16 tiếng, đêm về xoa bóp dầu nhưng vẫn nhức không ngủ được. Có lúc em muốn bỏ về nhà với bà ngoại nhưng nghĩ không làm vào năm học mới không có tiền nộp học nên em lại cố gắng”.

Chị nhân viên làm cùng Hà chia sẻ: “Có lúc đau quá nó vào ngồi ở quầy, mặt nhăn nhó, lấy tay xoa xoa chân rồi vén quần lên cho đỡ căng. Thấy vậy mấy chị em lại động viên nó cố gắng làm để lấy tiền đi học. Khi nào đông khách quá thì cắt người lên phụ giúp, đỡ việc cho em”.

 

 

 

Nhắc đến tiền chữa bệnh giọng Hà trùng xuống: “Em đã đi khám ở bệnh viện Nhi Trung Ương, viện 108 và bệnh viện Ung bướu, các bác sĩ đều kết luận em bị u mỡ máu lan tỏa rất khó chữa, họ khuyên nếu gia đình có điều kiện ra nước ngoài thì có khả năng hơn. Em chỉ mong chân không đau quá để em có thể đi làm và kiếm tiền ăn, học chứ còn chữa bệnh bây giờ em chưa dám nghĩ đến”.

Mọi sự hỗ trợ xin liên hệ tòa soạn báo điện tử Kiến Thức: Ngõ 850 - Số 60 - Tòa nhà Láng Trung - Tầng 5; đường Láng - phường Láng Thượng - Đống Đa - HN. Điện thoại: 04.6276-5886. Hotline: 098.884. 4039.

Số tài khoản Báo điện tử Kiến Thức: 126.10.000.119.106

Tại ngân hàng BIDV chi nhánh Ba Đình (Hà Nội).

Xin vui lòng ghi rõ tên nhân vật nhận hỗ trợ hoặc tiêu đề bài viết. Kienthuc.net.vn cam kết chuyển tận tay nhân vật

Trân trọng!

[links()]

 Hứa Phương

Bình luận(3)

Minh Hiền

Hoàng Phi

Cái báo này hay đặt tít kiểu lắt léo nhiều khi khó hiểu quá.

Minh Hiền

nguyễn thị lệ hà

em cảm ơn anh phương nhiều nha.không biết số phận có mỉm cười với em không.em rất cảm ơn anh.mong anh thành công hơn nữa

Minh Hiền

nguyễn thị lệ hà

các anh ,các chị ơi...e có được ai giúp đỡ không ak/