“Bà phải sống để trò chuyện cùng tôi!“

Google News

Đó là những lời động viên, chia sẻ của ông Nguyễn Đức Khám với người vợ bị liệt ngót một năm nay.

- "Có lúc tôi muốn chết quách cho rồi, vì sống mà chỉ nằm một chỗ thì chỉ làm khổ chồng, khổ con. Ở tuổi này về với ông bà tổ tiên cũng được rồi".
 
Bà Mai Thị Thúy (77 tuổi ở thôn Nội, xã Hiên Vân, Tiên Du, Bắc Ninh) lặp đi lặp lại câu nói ấy khi kể về người chồng kém mình hai tuổi ngày ngày vẫn bón cơm, tắm rửa cho mình.

Chưa một lần cãi vã nặng lời

Trong căn nhà cấp 4 vẫn còn thơm mùi vôi vữa, đồ đạc đơn sơ, bà Thúy nằm co quắp trên giường, một bên chân teo lại. Cú ngã cách đây ngót một năm trời khiến bà bị gãy trật chân, cộng thêm chứng máu loãng khiến ca phẫu thuật đã không thể thực hiện được. Điều đó đồng nghĩa với việc bà sẽ phải nằm liệt hết phần đời còn lại.

Ông Nguyễn Đức Khám, chồng bà, ngồi cạnh xoa bóp chân cho vợ một cách cần mẫn. Công việc này ông làm cũng ngót một năm nay.

Ông kể, hai vợ chồng ông lấy nhau từ năm 1956, lần lượt 5 đứa con (2 trai, 3 gái) ra đời. Ngày còn trẻ, ông Khám tích cực tham gia công tác ở địa phương, rồi dân quân hỏa tuyến. Những năm tháng ấy, dù làm gần nhà song ông vẫn cứ biền biệt, đến nỗi "năm lần tôi sinh nở thì chỉ có lần đẻ đứa thứ ba ông ấy mới có mặt ở nhà", bà Thúy nhớ lại. Vậy là, một mình bà tần tảo nuôi con.

Năm 1992, ông Khám về nghỉ hẳn. Ông bảo, "Bát đũa còn có lúc xô huống hồ là vợ chồng. Thế nhưng, phần lớn thời gian tôi vắng nhà, đã chẳng giúp đỡ được vợ con thì sao lại quát nạt, mắng mỏ được? Cũng có tranh luận nhưng thường thì hoặc tôi hoặc bà ấy nhường nhau, các cụ đã chẳng bảo "cơm sôi bớt lửa" mà".

Nghĩ thế nên ông luôn cố gắng dành những phần việc về mình, coi như làm bù lại những tháng ngày xa nhà để vợ con vất vả. Vậy nên, "hơn 50 năm lấy nhau vợ chồng tôi chưa một lần cãi vã nặng lời", ông không giấu được niềm hãnh diện.
Ông Khám bên người vợ bị liệt gần một năm nay.
Ông Khám bên người vợ bị liệt gần một năm nay.

"Tôi đã quen những cơn đau của bà ấy"

Các con lần lượt được dựng vợ gả chồng và ra ở riêng. Chỉ còn hai ông bà sống cùng nhau. Bà Thúy lại mắc chứng thoát vị đĩa đệm chừng chục năm nay. "Vì không có tiền đi viện nên chứng bệnh càng ngày càng nặng, bà ấy chỉ làm được những việc nhẹ như cơm nước, quét dọn nhà cửa", ông Khám nén tiếng thở dài.

Hơn ba sào ruộng ngoài đồng, một mình ông cáng đáng tát nước, bón phân. Đến mùa cấy hái thì các con tranh thủ phụ giúp một phần nên cũng đỡ vất vả cho ông.

Thế nhưng, cách đây gần một năm, bà Thúy bị trượt chân ngã rồi nằm liệt từ đó. Mọi sinh hoạt cá nhân của bà từ tắm gội, ăn uống... đều phải nhờ đến chồng. Các con dù ở gần, thi thoảng vẫn chạy qua chạy lại song "con chăm cha không bằng ông chăm bà, vả lại chúng nó cũng phải lo cho gia đình riêng nữa", ông Khám bảo.

Nằm trên giường, bà Thúy nén tiếng thở dài: "Có lúc tôi muốn chết quách cho rồi, vì sống mà chỉ nằm một chỗ thì chỉ làm khổ chồng, khổ con. Ở tuổi này về với ông bà tổ tiên cũng được rồi".
 
Ông Khám cắt ngang: "Bà lại nghĩ quẩn rồi. Bà phải sống để có người trò chuyện cùng tôi nữa chứ!". Như biết mình bị "hớ", bà Thúy vội chữa: "Vâng, thì tôi sợ ông ở lại một mình sẽ buồn, tôi phải cố sống cùng ông chứ". Hai ông bà cùng cười. Còn tôi, nghe đoạn đối thoại ấy bỗng thấy sống mũi mình cay cay.

Rồi ông Khám tiếp lời: "Bây giờ, tôi chỉ sợ nhất là bị ốm. Vì nếu tôi ốm thì các con lại phải lo lắng. Mà để các con chăm bà ấy tôi cũng không yên tâm. Tôi đã quen với nếp ăn, nếp ngủ, cả những cơn đau của bà ấy rồi". Nghe chồng nói thế, đôi mắt bà Thúy hấp háy. Một giọt nước mắt lăn dài trên má. Tôi tin, đó là giọt nước mắt của hạnh phúc!

An Nhiên

Bình luận(0)