Tỷ phú bản Mỏ và "kho" nhung hươu tiền tấn

Google News

(Kiến Thức) - Ở bản Mỏ, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, ông Vũ Xuân Quý nổi lên là một đại gia. 

Nhờ đầu tư vào phát triển trang trại, kết hợp với việc trồng và bảo vệ rừng, mỗi năm ông Vũ Xuân Quý thu nhập hàng tỷ đồng. Nhiều năm qua, ông đã hỗ trợ vốn, đầu tư cho dân bản phát triển kinh tế. 
Bốn năm trước, tôi được ông Ninh Quảng Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Xuân Lương giới thiệu gặp ông Quý để viết về tấm gương bảo vệ rừng và làm trang trại giỏi. Nhưng ông bảo ông rất bận. Ông thảnh thơi sao được, khi nhiều diện tích rừng vẫn còn hoang hóa. Chúng tôi, đành hẹn ông dịp khác. Dù sắp xếp công việc từ trước, nhưng khi chuẩn bị gặp nhau ông lại có việc đột xuất.  Lần thứ 3 tôi đi công tác ở Yên Thế mới gặp lại được ông.
Bị kiện vì... bảo vệ rừng
Ông Quý cho hay, từ nhỏ ông đã được bố dẫn đi chơi trên những cánh rừng của bản. Cả khu vực này 4 phía là những cánh rừng cổ thụ. Sau này, chính sự “màu mỡ” đó lại lôi cuốn nhiều thành phần bất hảo của Bắc Giang và Thái Nguyên về đây chặt phá rừng. Đêm đến bọn chúng tổ chức từng đoàn vào rừng sâu chặt phá, cho xe bò đưa gỗ tẩu thoát. Ngày đó, lực lượng kiểm lâm còn mỏng nên nhiều cánh rừng bị bọn chúng tàn phá. Các cánh rừng nguyên sinh  thưa dần, chỉ còn lại đồi núi trọc. Nhìn cảnh đó mà ông xót xa.
Trong hơn 25 năm ở cương vị là Trưởng Công an xã Xuân Lương, ông Quý từng đối mặt với nhiều nhóm lâm tặc hung dữ. Để đạt được mục đích ăn trộm gỗ quý, bọn chúng dùng đủ thủ đoạn. Đêm đến lâm tặc xuyên sâu vào các cánh rừng để chặt phá. Nhưng những hành động của bọn chúng không qua được mắt được một người có nhiều năm sống ở rừng như ông. Không ít lần, ông Quý phải đổ máu khi đấu tranh với bọn lâm tặc. Không lấy được gỗ, bọn chúng thù ghét, vin cớ kiện tụng ông.
“Vào một đêm tháng 5/1995, phát hiện có một nhóm lâm tặc đốn hạ gỗ trong rừng, tôi đến thu giữ toàn bộ số gỗ, cưa máy, xe bò. Cay cú, bọn chúng cãi cùn là tôi thu giữ trái phép gỗ, khi thu giữ không lập biên bản. Bọn chúng tuyên bố, rừng là của chung, ai có sức thì lên lấy gỗ về dùng. Sau đó, bọn chúng gửi đơn kiện lên cả Bộ Công an. Sau này, các cơ quan chức năng về thẩm định thông tin, khẳng định việc tôi bắt giữ và thu giữ tang vật bọn lâm tặc là hoàn toàn đúng với trách nhiệm của công an xã. Năm 2008, tôi được tỉnh Bắc Giang và Trung ương tuyên dương vì có thành tích bảo vệ rừng”, ông Quý kể.
Ông Quý (đứng thứ 5, từ trái qua phải) vinh dự được gặp Chủ tịch nước Trần Đức Lương (ảnh tư liệu). 
Tỷ phú rừng
Ông Quý cho hay, chục năm về trước, cuộc chiến bảo vệ rừng là vấn đề nóng nơi đây. Rừng trên địa bàn của xã quản lý không chỉ có gỗ quý mà nhiều địa điểm người ta đã khai thác được cả vàng. Thế rồi, giang hồ tứ chiếng khắp nơi đổ dồn mang theo máy móc, thiết bị về khai thác. Vàng thì chưa thấy đâu, nhưng các cánh rừng bị tàn phá thì ai cũng thấy.
Đầu những năm 2000, Nhà nước thực hiện chính sách phân chia diện tích rừng cho người dân trực tiếp quản lý. Nhưng do rừng xa dân, dân chúng chưa thấy lợi ích của rừng nên việc quản lý còn lỏng lẻo. Lợi dụng điều đó, bọn lâm tặc ra tay tàn phá rừng nhiều hơn. Trước thực trạng đó và thấy nhiều diện tích rừng bỏ hoang, ông Quý đã xin phép chính quyền được quản lý rừng. “Gia đình tôi khi đó được Nhà nước cấp cho 40ha đất rừng để bảo vệ và chăm sóc, tôi xin mua lại diện tích rừng người dân bỏ hoang để trồng cây. Vì thế, diện tích rừng do tôi quản lý lên tới hàng trăm ha. Nhiều năm qua, tôi thuê người bảo vệ khu vực rừng của gia đình và địa phương. Nhờ đó mà bọn lâm tặc không còn dám lăm le chặt phá rừng”, ông Quý kể.
Ông Quý bảo, hơn 10 năm qua, ông đã đầu tư rất nhiều tiền của vào việc trồng và bảo vệ rừng. Mục tiêu ban đầu của ông không phải để phát triển kinh tế trên diện tích đất rừng, mà chú trọng hơn vào việc bảo vệ rừng. Ông thuê người trồng phủ kín cây trên diện tích đồi trọc. Đến nay cây cối xanh tươi. Việc làm đó, nhiều người cho là dại, bởi bỗng dưng lại mang của nả của gia đình đổ lên rừng. Nhưng ông bảo, tính ông là vậy, dù ông có phải đi vay mượn tiền của trồng cây, chứ không để rừng hoang hóa.
Ông Quý cho hay, hiện nay ông đã có tiền tỷ trên diện tích đất rừng mình quản lý. Chưa kể các loại cây cối như bạch đàn, keo, chỉ tính riêng về loại cây rùng phấn (họ nhà tre trúc) với hàng trăm bụi cây đã đến độ thu hoạch. Các thương lái hằng ngày vẫn đến hỏi thu mua, nhưng ông chưa muốn bán. Nhẩm tính sơ sơ, nếu thu hoạch một đợt loại cây này, chắc chắn ông sẽ thu về tiền tỷ.
Với những nỗ lực trong bảo vệ rừng, ông nhận được nhiều bằng khen. 
Chuyên cung cấp nhung hươu cho đại gia
Song song với việc trồng, bảo vệ rừng, ông Quý còn phát triển nghề nuôi hươu sao. Qua gần 30 năm nuôi hươu, ông Quý khẳng định con vật này đem lại giá trị kinh tế và đạt hiệu quả cao nhất. Bởi hươu sao phù hợp với khí hậu nhiệt đới, thức ăn  chủ yếu là chất xơ. Đặc biệt, loài vật này dễ nuôi và không gây ô nhiễm môi trường. 
Ông Quý kể: “Hiện trang trại tôi nuôi 29 con hươu sao. Trong đó 15 con cái để sinh sản, 15 con đực lấy nhung. Một con hươu sao cái sau 1 năm có thể sinh sản, một con hươu sao đực sau 2 năm có thể thu nhung. Khi hươu  sao đực trưởng thành, tôi sẽ lấy nhung từ phần sừng của nó để bán cho thương lái. Còn hươu sao cái sinh sản, tôi bán giống cho người dân. Tính chung trên số lượng, một năm mỗi con “đẻ” ra cho tôi ít nhất là 10 triệu đồng. Trừ chi phí mỗi năm tôi có vài trăm triệu đồng từ việc nuôi hươu sao”.
Ông Quý bảo, các gia đình khác thì ông không biết, riêng hươu nhà ông sừng mọc không kịp cung ứng cho khách hàng. Nhung hươu mọc đến đâu khách hàng đến mua đến đó. Nhiều người phải đặt trước mới có hàng. Thấy chúng tôi tỏ ra hoài nghi về giá trị của nhung hươu, ông Quý giải thích: Nhung hươu là sừng con hươu. Hằng năm, vào cuối mùa hạ sừng hươu rụng đi, mùa xuân mọc lại sừng mới. Tuy nhiên, hiện nay hươu có thể mọc sừng quanh năm. Sừng mới mọc rất mềm, mặt ngoài phủ đầy nhung nên gọi là nhung hươu. Bên trong nhung hươu chứa nhiều chất bổ dưỡng. Theo nhiều người nó có tác dụng tăng cường sinh lý cho nam giới rất tốt, mà với giá hiện nay 18 triệu đồng/kg thì quá rẻ. Có vị đại gia đặt trước ông Quý một lúc cả trăm triệu đồng, để lấy nhung hươu sử dụng dần.
Những năm qua, ông Quý còn dành nhiều thời gian hỗ trợ các gia đình trong và ngoài bản kinh nghiệm nuôi hươu sao. Nhiều gia đình nghèo khó nhờ ông đã vươn lên khá giả. Trường hợp điển hình nhất là gia đình ông Lê Văn Châu, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên từng được ông Quý hỗ trợ trong việc chăn nuôi. Mấy năm trước, nghe tiếng ông Quý có nhiều kinh nghiệm nuôi hươu sao ông Châu đã về nhờ ông tư vấn cách chăm sóc hươu. Biết ông Châu chưa có tiền mua giống, ông Quý đầu tư cho ông hẳn mấy con hươu sao giống về nuôi. Thời gian sau, gia đình ông Châu đã có thể trả nợ cho ông Quý. Ông Châu từ gia đình nghèo, giờ đã khấm khá.
Ông Vũ Xuân Quý có nhiều thành tích trong việc giữ gìn và bảo vệ rừng. Ông từng được tuyên dương toàn quốc trong công tác bảo vệ rừng. Ông là tấm gương sáng cho dân bản noi theo. Không chỉ bảo vệ rừng, ông còn có mô hình phát triển kinh tế trên rừng rất hiệu quả.
Ông Ninh Quảng Nghiệp (Chủ tịch UBND xã Xuân Lương)
Đức Lợi

Bình luận(0)