1. Tỷ phú Chính Chu
Trong giới đầu tư tài chính Mỹ, cái tên Chính E.Chu là một cái tên vô cùng quen thuộc mà mỗi khi nhắc đến mọi người phải kiêng nể.
Hiện tại, Chính E.Chu đang là giám đốc cấp cao của
tập đoàn đầu tư tài chính Blackstone (Mỹ). Chính E.Chu sở hữu trong tay số tài sản lên tới 1,1 tỷ USD. Biệt tài mà mọi người nhớ tới ông chính là khà năng "đạo diễn" hàng loạt vụ thương thuyết cho Blackstone. Nhiều người nói đùa rằng "không có thương vụ nào tuột khỏi tay Chính E.Chu".
Chính E. Chu (Chính Chu) sinh năm 1966 tại Việt Nam. Năm 1975, ông cùng gia đình di cư sang Mỹ với vốn liếng chỉ vài trăm USD. Vừa đi học, ông Chu vừa đi bán sách lẻ và giao đến tận nhà. Chu có bằng cử nhân Tài chính tại Đại học Buffalo, một trường công tại New York (Mỹ).
Bằng khả năng của mình, Chính E.Chu đã lần lượt "thu mua" rất nhiều tập đoàn, công ty... thu lại khoản lợi nhuận vô cùng béo bở và trở thành một cái tên khiến phố Wall phải kiêng dè.
Bài học thành công của Chính E.Chu chính là sự kiên trì theo đuổi mục tiêu. Theo ông, chỉ cần bạn có mục tiêu và kiên trì theo đuổi nó thì thành công sẽ không quay lưng lại với bạn. Chính E.Chu được đánh giá cao ở khả năng phân tích và nhạy bén về tài chính.
Ông còn khiến phố Wall phải kiêng nể khi trở thành "đạo diễn" cho kế hoạch thu mua lại Tập đoàn máy tính Dell với giá khoảng 25 tỷ USD. Chính E.Chu chồng của ca sĩ Hà Phương (thứ hai trong số 3 chị em Cẩm Ly, Minh Tuyết, Hà Phương). Ngoài công việc kinh doanh, hai vợ chồng Chính Chu còn tổ chức và điều hành một số hoạt động từ thiện và có 2 quỹ riêng: Vietnam Relief Effort và Ha Phuong Foundation. Cả hai vợ chồng thường xuyên về Việt Nam tham gia các hoạt động từ thiện ở nhiều vùng quê nghèo.
2. Đại gia Trầm Bê
Theo thông tin mới nhất, đại gia Trầm Bê - một doanh nhân có tiếng trong ngành ngân hàng Việt Nam vừa hoàn tất bán khu trung tâm thương mại Vallco Shopping Mall ở Mỹ (tên gọi khác là Cupertino Square), thu về khoảng 116 triệu USD.
Đây là một trong những hạng mục đầu tư của ông tại nước ngoài, mua lại với giá 60 triệu USD. Với thương vụ này, sau khi trừ các khoản thuế và chi phí phải nộp tại Mỹ, ông dự kiến chuyển về Việt Nam khoảng 80 triệu USD.
Ông và gia đình đang nắm giữ khối tài sản khổng lồ tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank), CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI)…
Ông Trầm Bê bắt đầu sự nghiệp tại Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh. Sau 10 năm gắn bó với ngành kinh doanh gỗ, ông bắt tay đầu tư vào địa ốc bằng việc góp vốn vào Công ty Xây dựng Bình Chánh với chức vụ thành viên HĐQT (1999).
Doanh nhân năm nay 55 tuổi còn sở hữu một trong những bệnh viên đa khoa quy mô lớn nhất (Bệnh viện Triều An) và CTCP Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn; đồng thời sở hữu lượng lớn cổ phần tại nhiều ngân hàng, doanh nghiệp lớn ở Việt Nam.
Hiện nay, ông Trầm Bê giữ chức Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank. Con trai cả của ông, doanh nhân Trầm Trọng Ngân là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng Phương Nam. Con gái Trầm Thuyết Kiều là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Nam. Con trai út của ông là Trầm Khải Hòa cũng tham gia HĐQT Sacombank.
3. Tỷ phú Trung Dung
Năm 1984, Trung Dung mới 17 tuổi và đến Mỹ với 2 USD trong tay. Tuy nhiên, ông đã khiến cho cả nước Mỹ phải e dè và nể phục vì khả năng vươn lên của mình. Với khả năng kinh doanh, sự nhạy bén trong lĩnh vực công nghệ, ý chí không sợ khổ, sợ khó đã giúp Trung Dung trở thành một điển hình trong cuốn sách Giấc mơ Mỹ của tác giả Dan Rather.
Để sống và hoàn thành việc học Trung Dung đã phải lao động một cách cật lực và làm bất kỳ việc nào có thể. Mặc dù vậy, chàng thanh niên nghèo năm nào vẫn hoàn thành chương trình tiến sĩ và bắt đầu làm việc khởi điểm tại công ty Công ty phần mềm thương mại điện tử OpenMarket.
Một thời gian sau Trung Dung rời OpenMarket để thành lập công ty OnDisplay vào năm 1996. Với thành công của mình, Trung Dung đã khiến phố Wall kiêng dè về khả năng phát triển trong ngàng Internet Mỹ, vốn là thế mạnh của đất nước này.
Tính đến năm 2000, Trung Dung được cả nước Mỹ biến đến với món "hời" lợi nhuận gần 1,8 tỉ USD từ thương vụ bán cổ phần của OnDisplay.
4. Tỷ phú David Duong
David Dương sinh năm 1958 tại Sài Gòn trong một gia đình có truyền thống kinh doanh. Năm 1979, ông theo gia đình sang định cư tại San Francisco (Mỹ).
Năm 1980, David Dương cùng gia đình đã khởi đầu công việc kinh doanh bằng cách góp vốn của các thành viên lại và mua một chiếc xe tải đã qua sử dụng để mua gom giấy, phế liệu. Và trong những năm đó, David Dương ban ngày đi học tiếng Anh, tối về lại lái xe đi thu lượm phế liệu. Năm 1983, David Dương và gia đình đã thành lập ra công ty tái chế phế liệu East West Recycling. Năm 1984, công ty East West được đổi tên thành Cogido Paper Corp và ông Dương khi ấy đã trở thành Giám Đốc điều hành với dây chuyền phân loại và đóng kiện phế liệu trước khi mang đi bán. Từ đó, công ty bắt đầu tìm kiếm khách hàng để xuất khẩu trực tiếp phế liệu đến các nước và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Philippines, Indonesia...
Năm 1987, Cogido Paper Copr mở thêm một chi nhánh thu gom phế liệu tại thành phố San Jose, bang California. Cuối năm 1989, với hai cơ sở thu mua phế liệu, Giám Đốc David Dương đã có số khách hàng người Việt đông với gần 100 xe tải đi thu gom và bán phế liệu cho Cogido. Cùng năm, Giám Đốc Dương đã quyết định nhượng lại Cogido cho một Công ty thu gom và xử lý rác lớn thứ 4 của nước Mỹ.
Năm 1992, ông David Dương thành lập một công ty thu gom phân loại xử lý chất thải rắn mang tên California Waste Solutions (CWS). Là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc điều hành công ty, ông David Dương đã xây dựng và phát triển CWS từ một cơ sở nhỏ trở thành một công ty lớn mạnh. Dưới bàn tay của tỷ phú Việt này, công ty CWS đã hoạt động rất thành công và được Tạp chí uy tín Waste Age bình chọn xếp thứ 37 trong số 100 công ty hàng đầu trong ngành thu gom vận chuyển và xử lý rác tại Mỹ. CWS hiện có 4 nhà máy thu gom và xử lý chất thải rắn.
Năm 2004, ông Dương trở về Việt Nam đầu tư dự án Công Ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions, Inc - VWS). Ngày 30/4/2004, ông David Dương chính thức bắt đầu thực hiện dự án xây dựng Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn tại TP HCM, bao gồm một nhà máy hiện đại chuyên phân loại, thu gom nguyên liệu tái chế và tái sử dụng rác thải; một nhà máy chế biến phân compost từ rác hữu cơ; một bãi chôn lấp rác an toàn, hợp vệ sinh…
Tháng 2/2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bổ nhiệm ông David Dương làm ủy viên Quỹ Tài trợ giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation - VEF), một tổ chức độc lập do Quốc hội Mỹ lập và được tài trợ bởi Chính phủ Mỹ, có sứ mệnh thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt Nam thông qua giao lưu giáo dục trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
5. Đại gia Nguyễn Văn Hiền
Nhắc đến ông Nguyễn Văn Hiền thì người Việt ở Đức hầu như không xa lạ gì. Ông nổi danh là một doanh nhân thành công, là chủ tịch hội đồng quản trị của trung tâm thương mại Đồng Xuân, là trung tâm thương mại lớn nhất của người Việt tại Đức.
Toàn bộ trung tâm thương mại Đồng Xuân nằm trên phố Herzberg, quận Lichtenberg, rộng 185.000 m2 gồm 4 khu nhà (được gọi là Halle) với 450 hộ gia đình kinh doanh và 1.000 người làm việc thường xuyên ở đây, phần lớn là người Việt.
Để xây dựng được “Chợ Đồng Xuân” tại Đức như ngày hôm nay là cả một quá trình vất vả của ông Hiền, với “14 giờ làm việc mỗi ngày và 10 năm làm việc không nghỉ”. Năm 2003, ông Hiền có đã có một cơ sở thương mại dệt may ở gần khu vực. Sau đó ông vay vốn các ngân hàng để xây trung tâm thương mại, nhưng các ngân hàng không tin tưởng rằng ông sẽ tìm được người thuê cửa hàng cho một trung tâm thương mại châu Á. Sau đó nhờ các công ty xây dựng tư nhân mà ông có quan hệ từ trước tin tưởng cho vay tiền, ông đã có thể mua thêm đất và xây dựng Trung tâm Đồng Xuân của mình. Sau khi xây dựng hoàn tất, ông đã cho thuê được kín chỗ và lúc này các ngân hàng lại tìm đến ông để đề nghị được cho vay tiền. Từ năm 2004 đến nay, ông Hiền đã đầu tư tổng cọng 35 triệu Euro vào khu “chợ” này. Ông dự định cuối năm nay sẽ tiếp tục đầu tư thêm 10 triệu Euro nữa.
Ngoài khu trung tâm thương mại Đồng Xuân , ông còn có nhà máy chế biến thịt và đậu phụ ở Hoppegarten. Ông cũng là thành viên tổ chức Đức - Việt.
Bên cạnh việc đầu tư kinh doanh, ông Hiền còn đầu tư 30 triệu Euro vào dự án xây dựng trung tâm văn hóa, kinh tế tại quận Lichtenberg, Berlin với mong muốn quảng bá văn hóa, ẩm thực và truyền thống của người Việt Nam tới bạn bè Đức.
Ông Hiền nói: “Tôi muốn người nước ngoài, đặc biệt là người Đức hiểu rằng người Việt cũng có chỗ kinh doanh hiện đại riêng của mình. Từ trước đến giờ, người Việt mình kinh doanh chủ yếu ở những khu nhà cũ, nhếch nhác, phần nào đưa ra hình ảnh không đẹp về người Việt Nam. Đồng Xuân không đơn thuần là nơi kinh doanh mà còn là địa chỉ văn hóa Việt Nam, niềm tự hào của tất cả cộng đồng.”
6. Đại gia Darunee
Cha mẹ là người gốc Hà Nội, lưu lạc sang Lào rồi Bangkok, Darunee cùng các anh chị em của mình phải vất vả mưu sinh từ bé. Cuộc sống mưu sinh khó khăn nhưng Darunee vẫn chăm chỉ học hành và bà là một trong số ít người Thái gốc Việt đỗ vào trường đại học danh tiếng bậc nhất ở Thái, trường Chulalongkorn. Sau khi cưới chồng là người Hoa – Thái, bà Darunee và chồng bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình bằng cách làm đại lý cho các công ty điều hòa và máy sưởi York của Mỹ và bảy năm sau, vợ chồng bà thành lập công ty sản xuất điều hòa của riêng mình, mang tên công ty Senato. Bà chịu trách nhiệm điều hành công ty với sự hỗ trợ của chồng.
Senato giờ là thương hiệu nổi tiếng ở Thái, với doanh thu hàng năm đạt 500 triệu bạt Thái (tương đương hơn 15 triệu USD), tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người địa phương. Darunee và chồng cũng có cổ phần trong nhiều công ty sản xuất điều hòa khác ở Thái, và hiện nay, ở độ tuổi gần 60, Darunee được coi là nữ doanh nhân người Việt thành công nhất tại quốc gia này.
Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra từng nhận xét: “Bà Darunee là niềm tự hào của nước Thái. Không chỉ là một người thành đạt, một doanh nhân thành công, bà còn biết tạo dựng một gia đình hạnh phúc, con cái ăn học nên người và là một tấm gương biết vươn lên trong cuộc sống, đáng để mọi người học tập...
7. Ông hoàng nghề nail Charlie Tôn Quý
Người ta nói rằng việc làm dễ kiếm ra tiền nhất của người Việt tại Mỹ chính là làm nail (nghề chăm sóc móng tay, móng chân). Tuy nhiên, Charlie Tôn Quý lại không muốn nghề nghiệp này chỉ là một trong những nghề tạm bợ, ông đã khiến nó trở thành một "thiên đường hái ra tiền".
Với khởi điểm chỉ là một bài tiệm nail đầu tiên, Charlie Tôn Quý đã bắt đầu kế hoạch vươn xa hơn nữa của mình bằng cách đưa tiệm nail vào các siêu thị, cửa hàng...
Một thời gian sau, gần 1,200 cửa hàng nail của Charlie Tôn Quý đã có mặt trên toàn nước Mỹ. Charlie Tôn Quý đã thành công khi đưa thương hiệu Regal Nails trở nên nổi tiếng khắp toàn nước Mỹ. Không những thế, ông cũng giúp rất nhiều lao động Việt Nam có việc làm trong các cửa hàng nail của mình.
Hiện tại, với gần 1.200 cửa hàng nail, thu nhập bình quân của Regal Nails là khoảng 500 triệu USD mỗi năm. Không dừng lại tại đó, Regal Nails đang tham vọng đưa thương hiệu ra toàn thế giới.
8. Tỷ phú Trần Đình Trường
Với khối tài sản ước tính lên tới hơn 1,2 tỷ USD Mỹ, doanh nhân Trần Đình Trường được coi là người Việt Nam giàu có nhất tại Mỹ. Ông là chủ của nhiều khách sạn xa hoa tại New York, đáng kể nhất phải nhắc đến là khách sạn Carter Hotel ở quảng trường Times Square.
Ông Trường quê ở Hà Tĩnh, sang Mỹ từ năm 1975 và bắt đầu kinh doanh khách sạn tại Mahattan, New York. Không chỉ là người giàu có về của cải, ông Trường còn là người hào phóng với cộng đồng. Ông đã từng chi 3,2 triệu USD để mua hai máy bay trực thăng tài trợ cho các tổ chức cứu trợ tại Ethiopia và chi 2 triệu USD tài trợ khi Mỹ gặp sự kiện khủng bố ngày 11/09. Với những nghĩa cử dành cho cộng đồng, ông Trường được Liên hiệp người Mỹ gốc Á vinh danh, và nhận Giải Đuốc Vàng trao tặng tại Washington D.C. Ông Trường đã từ trần và hiện khối tài sản của ông được để lại cho các con cháu tiếp tục gây dựng và phát triển.