“Vua thủy sản” tụt hạng
Trong tuần này, thị trường chứng khoán liên tiếp đón nhận nhiều thông tin quan trọng. Một trong các thông tin đó chính là Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo về quyết định sơ bộ của đợt rà soát hành chính lần thứ 9 (POR 9) đối với mặt hàng cá tra, cá ba sa xuất khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, mức thuế áp dụng cho các lô hàng xuất khẩu từ ngày 1/8/2011 đến 31/7/2012 đều tăng rất cao so với phán quyết gần đây.
Thông tin này khiến cho những nhà đầu tư chứng khoán quan tâm tới ngành thủy sản không khỏi giật mình. Và 2 công ty thủy sản bị “soi” nhiều nhất chính là công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) và công ty cổ phần Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh. Ông Dương Ngọc Minh là “người tình tin đồn” của ca sỹ Mỹ Tâm. Trước đây, có nhiều thông tin khẳng định ca sỹ Mỹ Tâm sẽ kết hôn với vị đại gia thủy sản này. Tuy nhiên, thông tin này nhanh chóng bị phủ nhận.
Cả công ty Vĩnh Hoàn và Hùng Vương đều phải chịu mức thuế suất tăng gần gấp đôi so với kết luận của đợt rà soát lần thứ 8 (POR 8). HVG bị áp mức thuế cao nhất với 2,15 USD/kg, Vĩnh Hoàn áp mức thuế 0,42 USD/kg.
Thông tin này khiến HVG tiếp tục có chuỗi ngày giao dịch ảm đạm. Sau 1 tuần, HVG mất 400 đồng/CP. Điều đó khiến tài sản của ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Hùng Vương giảm 17,1 tỷ đồng xuống chỉ còn 922 tỷ đồng.
Ông Minh ngày càng rời xa Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Hiện ông đang đứng ở vị trí thứ 15. Người thay ông đứng ở vị trí số 10 là bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát. Bà Hiền là cổ đông lớn của Tập đoàn này khi nắm giữ tới gần 31 triệu cổ phiếu HPG.
Trong khi đó, ông Đặng Thành Tâm đã leo lên vị trí thứ 11 dù các công ty mà ông nắm giữ lượng cổ phiếu rất lớn như Tân Tạo, Kinh Bắc liên tục “lộ” thêm nhiều khoản lỗ khủng trong báo cáo tài chính sau soát xét.
Bầu Đức ôm trọn gần 250 tỷ đồng
Đầu tuần này, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai gây thất vọng khi có 2 phiên giảm liên tiếp, thậm chí ngày 4/9, HAG còn rơi xuống dưới mức 20.000 đồng/CP. Điều đó thúc đẩy hoạt động săn hàng giá rẻ, giúp HAG phục hồi.
Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn giúp HAG đi lên chính là thông tin Hoàng Anh Gia Lai lên phương án chi trả cổ tức 2012 bằng tiền mặt. Đây là chủ trương khá bất ngờ vì trước đó, Tập đoàn của bầu Đức đã khẳng định sẽ không chia cổ tức 2012 vì giữ lại lợi nhuận để đầu tư.
Mặc dù chưa công bố tỷ lệ cổ tức 2012 bằng tiền mặt nhưng HAG vẫn khiến nhà đầu tư có lý do để vui mừng. Điều đáng vui mừng đầu tiên chính là HAG đảo chiều đi lên sau 2 phiên đi xuống. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, HAG tăng 500 đồng/CP lên 20.500 đồng/CP. Tính chung cả tuần, HAG chỉ tăng 200 đồng/CP vì HAG đã giảm đáng kể trong 2 phiên ngày 3/9 và 4/9.
Hoàng Anh Gia Lai trả cổ tức, người được hưởng lợi đầu tiên là bầu Đức. Trong 2 ngày thông tin trả cổ tức rò rỉ, HAG đã tăng 800 đồng/CP. Như vậy, tổng giá trị tài sản trên thị trường chứng khoán của bầu Đức tăng 249,3 tỷ đồng lên 6.388 tỷ đồng.
Vì tài sản của bầu Đức đã “bốc hơi” trong 2 phiên sau kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh nên tính chung cả tuần, bầu Đức chỉ có thêm 62,32 tỷ đồng.
Trong tuần, cổ phiếu FPT cũng gây được sự chú ý khi Tập đoàn này kỷ niệm 25 năm thành lập và đối mặt với nghi án bị quỹ đầu tư nước ngoài mạnh tay thoái vốn. Dù có nhiều thông tin trái chiều nhưng sau 1 tuần giao dịch, FPT vẫn đi lên đáng kể.
Đóng cửa tuần, FPT dừng ở mức 44.300 đồng/CP, tăng 1.200 đồng/CP. Với đà tăng này, vốn hóa thị trường của FPT tăng hơn 330 tỷ đồng lên 12.188 tỷ đồng.
Hai sếp lớn của FPT cũng được hưởng lợi lớn khi cổ phiếu này tăng giá. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT có thêm 23,5 tỷ đồng vào tài khoản trong khi ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT có thêm 12,21 tỷ đồng.