Đại gia Trầm Bê được biết đến là thành viên Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bệnh viện Triều An. Ngoài ra, ông còn cùng với gia đình tham gia Hội đồng Quản trị của một số công ty như Ngân hàng Phương Nam, Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam, Công ty Chứng khoán Phương Nam và gần đây nhất là Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Tỷ phú Trầm Bê là một nhân vật vô cùng kỹ tính, hiếm khi phát biểu trước báo chí, ông Trầm Bê gây nhiều sự tò mò vì chỉ nghe tiếng mà không biết ông xuất phát từ đâu.
Tin đồn về tài sản của ông Trầm Bê
Trước thời điểm 2005, rất ít người biết đến tên tuổi của vị đại gia Nam bộ Trầm Bê. Độ giàu có của gia đình họ Trầm chỉ được biết đến khi con trai cả của ông này là Trầm Trọng Ngân bị bắt cóc đòi tiền chuộc. Số tiền chuộc được công bố lên tới 10 triệu USD, tương đương 160 tỷ đồng. Từ đó, những tin đồn về sự giàu có của gia đình ông mới được nhiều người tìm hiểu thực hư.
|
Ông Trầm Bê là một đại gia kín tiếng, việc ông mất trộm sừng tê giác bạc tỷ đã khiến xã nghèo chấn động |
Cuối năm 2012, vụ mất trộm sừng tê giác tại tư dinh của đại gia này ở Trà Vinh dấy lên một loạt tin đồn khác về khối tài sản của Trầm Bê. Chiếc sừng tê giác bị mất cắp có giá trị được truyền tai nhau lên tới 4 tỷ đồng. Gia chủ vẫn khẳng định không biết chính xác cân nặng của chiếc sừng cũng như giá trị của nó, và cho biết đây chỉ là tặng phẩm của một người bạn. Nhưng những lời khẳng định vẫn không làm tan đi nghi vấn đề tính hợp pháp của chiếc sừng cũng như giá trị thật của khối tài sản ông chủ họ Trầm đang sở hữu.
Những vụ làm ăn sinh lời
Muốn biết khối tài sản thực sự của ông Trầm Bê lớn cỡ nào, cần phải có một cái nhìn về con đường lập nghiệp của ông đến nay. Có ảnh hưởng lớn trong giới ngân hàng và làm giàu với bất động sản, nhưng khi khởi nghiệp, ông Trầm Bê lại chọn ngành lâm sản. Ông gặt hái thành công đầu tiên từ công ty Chế biến lâm sản Đông Anh. Sau 10 năm gắn bó với ngành kinh doanh gỗ, ông bắt tay vào đầu tư ngành địa ốc bằng việc góp 13% vốn vào công ty cổ phần đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI) với chức vụ thành viên HĐQT (1999).
Năm 2014, được đồn đoán là một trong những tỷ phú đôla ở Việt Nam, dấu ấn lớn nhất của ông Trầm Bê là những ảnh hưởng trong hệ thống ngân hàng Việt. Những ảnh hưởng này đến từ lượng cổ phiếu lớn tại ngân hàng Sacombank và ngân hàng Phương Nam do ông và gia đình đang nắm giữ. Tuy không phải là người giữ chiếc ghế cao nhất của cả 2 ngân hàng, nhưng ông Trầm Bê đã không ít lần thể hiện vị thế của mình trong các tổ chức tài chính vào những giai đoạn khó khăn nhất. Người ta luôn đồn đoán về vị trí quyền lực của ông tại ngân hàng.
Đến năm 2014, con số sở hữu đã được công bố, là gần 21%, vượt cả quy định trong Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010. Với số liệu như vậy, gia đình vị này sở hữu 6,8% vốn của Sacombank, với giá trị thị trường hiện lên tới 1.800 tỷ đồng.
Vào năm 2009, Trần Bê đã bỏ ra khoảng 64 triệu USD để sở hữu một phần khu mua sắm Vallo Ahopping Mall tại Mỹ. Sau 5 năm nắm giữ khoản đầu tư tại vùng đất màu mỡ này, đại gia Việt Nam bất ngờ công bố bán lại khu mua sắm cho công ty bất động sản Sand Hill với mức giá 116 triệu USD. Như vậy, ông lớn bất động sản Trầm Bê đã thu về khoản chênh lệch rất hời lên tới 50 triệu USD.
Xây dựng nhiều ngôi chùa
Với lượng tài sản khổng lồ khó ước tính như vậy, ông Trầm Bê còn chi ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nhiều ngôi chùa dát vàng. Đại gia Trầm Bê cũng đã cho khởi công xây dựng ngôi chùa thứ 9 mang tên chùa Prắc-Huy-Hia, tọa lạc tại tỉnh Prắc-Huy-Hia, Campuchia. Số tiền ông Trầm Bê bỏ ra xây dựng ngôi chùa có khuôn viên rộng gần 2.000 m2 này trị giá 600.000 USD (hơn 12 tỷ đồng).
|
Tài sản thực sự của ông Trầm Bê lớn cỡ nào chưa ai rõ nhưng ông đã xây dựng 9 ngôi chùa với số tiền lên đến hơn trăm tỷ đồng |
Kỹ sư xây dựng Thạch Cao Minh, người thiết kế xây dựng 9 ngôi chùa cho đại gia Trầm Bê tiết lộ, số tiền đại gia Trầm Bê bỏ ra để xây dựng 9 ngôi chùa khoảng hơn trăm tỷ đồng. Trong đó, chùa Vàm Ray là ngôi chùa rộng lớn nhất với số tiền 50 tỷ đồng.