"Sao chương trình hẹn hò thời nay nhiều CEO, doanh nhân thế? Thành đạt như vậy cần gì phải lên truyền hình tìm người yêu", một khán giả nhận xét trong bài đăng về kết quả một show ghép đôi. Ý kiến nhận được nhiều sự đồng tình của dân mạng, đồng thời gây ra không ít bình luận trái chiều.
Quả thật, hiếm có nơi nào khán giả chứng kiến nhiều CEO, chủ doanh nghiệp phải lên truyền hình ra sức theo đuổi, tán tỉnh người lạ như ở Việt Nam.
Muôn người muôn nghề, từ lính cứu hỏa, nhà văn, luật sư tới quản lý dịch vụ tang lễ
Show hẹn hò đã ra đời từ năm 1965 với The Dating Game - chương trình do Chuck Barris sản xuất và được phát sóng trên đài ABC (Mỹ). Thời điểm đó, The Dating Game đã thu hút được lượng lớn thí sinh, trong đó có những người sau đó trở thành ngôi sao lớn của Hollywood như Carpenters, Arnold Schwarzenegger, Maureen McCormick, Barry Williams, Sally Field, Richard Dawson...
Thậm chí, Michael Jackson cũng từng xuất hiện trong The Dating Game vào năm 1972. Lúc này, "ông hoàng nhạc pop" đã khá nổi tiếng trong vai trò thành viên nhóm nhạc The Jackson 5.
|
Michael Jackson (ảnh trái) tham gia The Dating Game khi mới 14 tuổi. Ảnh: Pinterest. |
Ở thời điểm manh nha xuất hiện, show hẹn hò của truyền hình Mỹ có dàn thí sinh nam gồm người mẫu, diễn viên nghiệp dư hoặc các nghề nghiệp liên quan đến ngành giải trí - các đối tượng khá dễ tìm kiếm và tập hợp. Sau này, khi show hẹn hò trở nên phổ biến, khán giả dần cởi mở hơn và tự tin đăng ký tham gia tìm kiếm tình yêu trên truyền hình.
Từ thập niên 1990, truyền hình thực tế bùng nổ kéo theo sự phát triển nhanh chóng của các show hẹn hò có format mới lạ. Chẳng hạn, The Bachelor hay The Bachelorette nơi hàng chục cô gái xinh đẹp hay chàng trai hấp dẫn tranh đua để giành được trái tim "chàng trai độc thân", "quý cô đáng giá"; Take Me Out - nơi 30 cô gái dùng những lời nói "bá đạo" để thuyết phục người chơi nam chọn mình; Naked Attraction - chương trình yêu cầu người chơi nam và nữ khỏa thân nhưng che kín mặt...
Đối tượng người chơi được mở rộng, ngành nghề của mỗi cá nhân cũng trở nên đa dạng hơn. Khán giả có thể thấy luật sư, nhà văn, cầu thủ bóng chày hay thậm chí chàng trai thất nghiệp lên sóng để tìm "nửa kia".
Có một điều dễ thấy khi tìm kiếm mô tả về những người chơi tham dự show hẹn hò trong giai đoạn 1990-2010: hiếm khi có sự xuất hiện của doanh nhân, giám đốc, CEO... Thực tế, thi thoảng khán giả vẫn thấy sự xuất hiện của một vài nhân vật tự xưng "giám đốc doanh nghiệp" hay "người thừa kế", "tỷ phú" như trong Joe Millionaire, Millionaire Matchmaker, Who Wants to Marry a Multi-Millionaire?. Nhưng số lượng này chỉ chiếm phần rất nhỏ.
Từ năm 2019 tới nửa đầu năm 2020, show hẹn hò một lần nữa trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội với Temptation Island, Love Island USA, Too Hot To Handle, Love Is Blind, Labor Of Love...
|
Labor Of Love là chương trình hiếm hoi có sự xuất hiện của CEO, giám đốc doanh nghiệp. Ảnh: Pinterest. |
Trong đó, Labor Of Love là chương trình hiếm hoi có sự xuất hiện của các chàng trai được gắn mác "doanh nhân" hay "CEO". Đó là Jason Christopher Smith (38 tuổi) - chủ doanh ngiệp sản xuất vật liệu xây dựng, Stewart Gill (40 tuổi) - CEO doanh nghiệp tư vấn quản lý tài sản cho tầng lớp giàu có và Kyle Klinger (38 tuổi) - giám đốc bộ phận marketing của một công ty tầm trung.
Ngoài 3 người chơi trên, Labor Of Love vẫn có sự tham gia của bác sĩ gây mê, cựu đô vật chuyên nghiệp, lính cứu hỏa, quản lý dịch vụ tang lễ, kỹ thuật viên ngành y tế, chủ phòng tập gym...
Showbiz Hàn, Trung chuộng mô-típ show người nổi tiếng hẹn hò
Qua vài thập kỷ phát triển, show hẹn hò trên truyền hình không có dấu hiệu lụi tàn, trái lại còn nở rộ và phát triển mạnh mẽ. Không chỉ ở Mỹ hay châu Âu, show hẹn hò thực tế đã xuất hiện ở châu Á với loạt show từ Ma nữ và Quái thú, We Got Married, Love Letter, Romantic & Idol... của Hàn Quốc đến Take Me Out, Phi thường hoàn mỹ, Mình yêu nhau đi... của Trung Quốc.
Nhiều show trên sóng Hàn Quốc, Trung Quốc được mua format từ nước ngoài, đơn cử như Ma nữ và Quái thú (Sexy Beasts của Anh), Take Me Out (Taken Out của Australia). Nhưng phần lớn những show mua bản quyền nước ngoài không tạo được sức hút với khán giả hai thị trường trên, dẫn đến show phải ngừng sóng sau một hoặc vài mùa.
Những chương trình hẹn hò ăn khách tại xứ sở kim chi thường là show có sự tham gia của người nổi tiếng, điển hình như We Got Married, My Ear's Candy, Romantic & Idol. Trong đó, We Got Married là chương trình có thời gian phát sóng lâu nhất, từ 2008-2017.
|
Những cảnh tình cảm giữa Lee Jun Ki và Park Min Young trong My Ear's Candy thu hút sự quan tâm lớn của khán giả Hàn. Ảnh: Chụp màn hình. |
Có ý kiến cho rằng gu xem truyền hình của khán giả Việt và Hàn khá giống nhau, đều chuộng xem ngôi sao nổi tiếng, đời sống và tình cảm riêng của họ.
Đài MBC - đơn vị sản xuất We Got Married - đã đưa ra ý tưởng ghép đôi hai ngôi sao nổi tiếng ở các lĩnh vực bất kỳ, để họ trải nghiệm cuộc sống của cặp vợ chồng đã kết hôn với đầy đủ các giai đoạn như chụp ảnh cưới, tổ chức hôn lễ, du lịch, dọn vào nhà mới và cuộc sống sau khi "về chung một nhà".
Mnet Scandal lại là chương trình hiện thực hóa cho ước mơ hẹn hò với thần tượng của người hâm mộ. Tổ sản xuất sẽ cho người hâm mộ cơ hội tiếp xúc, hẹn hò với thần tượng nổi tiếng trong vòng một tuần. Hết thời hạn, hai người sẽ đưa ra quyết định có duy trì mối quan hệ hay không.
After love là show ghép đôi hiếm hoi tại Hàn Quốc không mời người nổi tiếng tham gia. Trong show, những đôi đã chia tay sẽ tìm kiếm, tư vấn cho người yêu cũ, giúp họ tìm được tình yêu mới. Ma nữ và Quái thú tuân thủ format gốc, tuyển chọn người chơi là người bình thường, không làm việc trong showbiz. Tuy nhiên, hai chương trình được xếp vào hàng hiếm này cũng sớm biến mất trên sóng truyền hình vì không thu hút được khán giả.
Showbiz Hoa ngữ không quá chuộng xem người nổi tiếng trên show hẹn hò như xứ kim chi. Nhiều show hẹn hò không có sự xuất hiện của nghệ sĩ vẫn "sống" tốt ở đất nước tỷ dân, chẳng hạn Take Me Out, Gặp được em thật tốt, Tôi muốn hẹn hò, Phi thường hoàn mỹ.
Phi thường hoàn mỹ được lên sóng lần đầu vào năm 2011, là một trong những show hẹn hò ăn khách nhất tại Trung Quốc. Việt Nam đã mua lại bản quyền và sản xuất chương trình dựa theo format này với tên Vì yêu mà đến.
|
Phi thường hoàn mỹ được xem là show hẹn hò ăn khách nhất trên sóng truyền hình Trung Quốc. Ảnh: Phi thường hoàn mỹ. |
Nếu phiên bản Việt mời nghệ sĩ tham gia như Karik, Cường Seven, diễn viên Thúc Lĩnh... thì phiên bản gốc có dàn khách mời, người chơi đa dạng, thuộc nhiều ngành nghề. Nhiều người trong đó là người mẫu, MC, diễn viên nghiệp dư, nhưng không được nhiều người biết tới. Khán giả đất nước tỷ dân cũng bày tỏ sự yêu thích đặc biệt những tập có người chơi là "dân thường" tham gia.
"Khác với nước bạn, khán giả Việt Nam có sở thích xem các ngôi sao" - trích lời một biên kịch game show có tiếng ở showbiz Việt. Nếu không phải các ngôi sao, khán giả có xu hướng quan tâm tới các anh chàng trẻ trung, điển trai và có công việc thu nhập cao.
Nhiều chàng trai tham gia và được chương trình giới thiệu là CEO trẻ trung, thành đạt gây chú ý với dân mạng như Matt Liu (Người ấy là ai), Tống Đông Khuê (Người ấy là ai), Vũ Ngọc Anh (Người ấy là ai), Pine Kyaw (Người ấy là ai), Nguyễn Thiện Thông (Bạn muốn hẹn hò), Ngô Văn Thiên (Bạn muốn hẹn hò), Phạm Hồng Hải Quân (Vì yêu mà đến), Nguyễn Quốc Trung (The Bachelor)...
Thậm chí, không ít nữ CEO cũng lên truyền hình để tìm bạn trai, ví dụ: Phạm Trà My (Bạn muốn hẹn hò), Thái Kim Ngọc (Hành lý tình yêu)...
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin tưởng vào những profile (hồ sơ cá nhân) đẹp mắt được đưa ra trong chương trình. Khán giả nghi ngờ, một số nghệ sĩ showbiz Việt cũng phải đặt câu hỏi.
Ca sĩ Pha Lê bày tỏ quan điểm: "Đàn ông thành đạt, giàu có, đẹp trai, gia đình danh giá... liệu có thời gian để lên các show truyền hình tìm bạn gái? Nghe là thấy vô lý".
"Tóm lại, không có CEO tài năng, giàu có nào mà lên truyền hình chỉ để kiếm người yêu đâu mấy bạn ơi", nam diễn viên Khôi Trần chia sẻ ý kiến trên trang cá nhân. Khi được hỏi, Khôi Trần cho biết câu nói trên nhắm đến The Bachelor - chương trình anh từng làm host.