Việt Nam: Linh kiện điện tử ẩn chứa nhiều chất độc

Google News

(Kiến Thức) - Một công bố được thực hiện ở một vài khu công nghiệp tại Việt Nam cho thấy, ảnh hưởng của các linh kiện điện tử đến sức khoẻ con người là không nhỏ.

Nhức đầu, mỏi mắt, giảm thị giác
Nghiên cứu "Tác động ban đầu về an toàn môi trường và sức khoẻ nghề nghiệp trong một số nhà máy sản xuất, lắp ráp điện tử ở Việt Nam" do Trung tâm Phát triển & Hội nhập (CDI) tiến hành tại TP Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Hải Dương lần đầu tiên đã đưa ra những kết luận khiến nhiều người phải giật mình. 
Bà Ngô Vân Hoài, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, qua khảo sát cho thấy, nhiều công nhân làm việc ở các nhà máy linh kiện điện tử sau một vài năm đều ở trong tình trạng sức khoẻ không tốt, phải điều trị bệnh hoặc nghỉ việc. Hiện ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu nào toàn diện về an toàn vệ sinh lao động trong ngành điện tử. 
Theo nghiên cứu, hiện nay 50% các sản phẩm điện tử được sản xuất tại châu Á và nhiều công ty điện tử ở đây vẫn sử dụng các hóa chất độc hại đã bị cấm ở châu Âu. Vì vậy, số trường hợp phát hiện bệnh liên quan đến sản xuất và lắp ráp điện tử chủ yếu nằm ở châu Á. TS.BS Thomas H. Gassert, Khoa Y tế Công cộng, Đại học Harvard (Hoa Kỳ) cho biết, có khoảng 68.000 loại hóa chất bao gồm nhiều loại axit, kiềm, khí đông lạnh, xyanua, chất phụ gia, chất độn, kim loại, chất oxy hóa, chất bán dẫn, dung môi... đang được sử dụng trong ngành công nghiệp điện tử nhưng chưa hề được kiểm chứng tác động đến con người và ngay cả kiểm chứng trên động vật cũng rất ít. 
Các loại hóa chất độc hại này về lâu dài có thể gây nên các bệnh ung thư, bệnh liên quan đến sinh sản và trước mắt là gây nên các bệnh căng thẳng thần kinh, đau mỏi cơ thể, giảm khả năng thị giác, thính giác.
 Chưa có một nghiên cứu nào toàn diện về an toàn vệ sinh lao động trong ngành điện tử. 
Ẩn chứa nhiều chất độc
Theo bà Hoài, mặc dù chưa có thể tách bạch các nguyên nhân như sóng điện thoại di động, bức xạ điện từ trường, hóa chất, cường độ làm việc căng thẳng, làm đêm và các yếu tố khác song các nghiên cứu của các chuyên gia y tế đã chỉ rõ tác hại của điện từ trường đến hệ thần kinh trung ương như ảnh hưởng tới tuần hoàn não gây nhức đầu, ăn ngủ kém, giảm trương lực cơ, tăng tiết mồ hôi, đầu ngón tay xanh tím dẫn đến cơ thể bị suy nhược; đục thủy nhân mắt, tổn thương giác mạc; biến đổi sinh lý hồng cầu, bạch cầu, ảnh hưởng đến buồng trứng, tinh hoàn nếu tiếp xúc liều cao.
KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, thực tế có một số linh kiện thuộc danh sách rất độc nếu tiếp xúc lâu dài, nhưng cũng có những linh kiện điện tử không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ. Những linh kiện điện tử có hóa chất, sơn phủ, mạ, chì, thiếc... là những linh kiện ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khoẻ của người tiếp xúc với nó. 
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng nhiều hay ít còn phụ thuộc vào môi trường, vào công nghệ xử lý không khí, thông gió, độ ồn, bụi thậm chí là cơ địa từng người... Một điều cũng độc hại không kém hóa chất là tiếng ồn. Với tần số âm thanh lớn hơn 50 đề xi ben, người làm việc liên tục trong môi trường đó sẽ có thể bị sảy thai, mắc các chứng bệnh căng thẳng thần kinh, thậm chí là đột quỵ.
Cũng theo KS Nguyễn Huy Bạo, từ trường trong các linh kiện điện tử thực ra không nhiều. Ở khâu thử nghiệm trong các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, sóng siêu âm phát ra là lớn nhất nên khâu này được coi là độc hại nhất. Nhiều công nhân làm việc dây chuyền, lặp đi lặp lại duy nhất một thao tác cũng dễ gây ra sự mỏi mệt, sức khoẻ giảm sút, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Trong khi đó, gần như không có cách nào để tự mỗi người tránh được những độc hại này khi tiếp xúc với các thiết bị điện tử. 
"Một số công nhân làm trong các nhà máy linh kiện điện tử thường cảm thấy mệt mỏi, khó chịu... một phần cũng do những tác động cơ học của tính chất công việc. Đứng nhiều, mắt tập trung vào một điểm duy nhất, tiếng ầm ù của máy móc cũng làm cho cơ thể suy nhược".
KS Nguyễn Huy Bạo
Bảo Khánh

Bình luận(0)