Vào 00h18 phút ngày 1/3/2014 (giờ UTC+7), theo nguồn tin quốc tế từ satview.org và trạm vô tuyến nghiệp dư của Nhật Bản, PicoDragon đã quay trở lại bầu khí quyển và bốc cháy.
Như vậy, theo đúng như thời gian sống thiết kế, vệ tinh siêu nhỏ đầu tiên do Việt Nam chế tạo đã hoàn thành nhiệm vụ, đánh dấu sự thành công bước đầu trong lộ trình phát triển vệ tinh của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam.
PicoDragon có kích thước 10x10x11,35cm, khối lượng 1kg, là sản phẩm được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư, nghiên cứu viên trẻ của Trung tâm Vệ tinh quốc gia.
Toàn bộ các bước trong quá trình phát triển vệ tinh từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp đến thử nghiệm đều được thực hiện tại Việt Nam.
Việc thử nghiệm rung động, nhiệt tại phòng thí nghiệm của Giáo sư S.Nakasuka, Đại học Tokyo và một số thử nghiệm khác tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản-JAXA, Công ty Hàng không vũ trụ IHI (Nhật Bản).
Vệ tinh siêu nhỏ này được phóng ra từ trạm Vũ trụ Quốc Tế ISS từ ngày 19/12/2013.
Nhiệm vụ của PicoDragon là chụp ảnh Trái đất, đo đạc một số thông số vệ tinh và môi trường vũ trụ từ cảm biến gắn trên vệ tinh và thử nghiệm thông tin liên lạc với mặt đất.
Trong hơn 3 tháng hoạt động trên quỹ đạo, vệ tinh PicoDragon đã hoạt động tương đối ổn định và liên tục phát tín hiệu quảng bá là bản tin “PicoDragon VietNam” đến các trạm mặt đất trên toàn thế giới.
Thông qua việc liên lạc với PicoDragon, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đã bước đầu xây dựng được mối quan hệ với mạng lưới trạm vô tuyến nghiệp dư trên thế giới. Điều này rất có ích đối với các dự án phát triển vệ tinh từ lớp Micro trở xuống của Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.
Do thời gian hoạt động của PicoDragon là rất ngắn, nên Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đã chủ động phối hợp với các trạm ưu tiên thu nhận các dữ liệu thông số vệ tinh và môi trường.
Các thông số này chủ yếu là các dữ liệu đo nhiệt độ môi trường và điện áp của các hệ thống trên vệ tinh cũng như các dữ liệu đo về tốc độ tự quay của vệ tinh.