Đắt tiền mà không đủ sáng
Để tìm hiểu thực tế việc sử dụng đèn compact tiết kiệm tại các hộ gia đình, phóng viên KH&ĐS đã có một cuộc khảo sát nhỏ với 20 hộ dùng đèn compact tại khu vực Bưởi, Nghĩa Đô (Hà Nội). Kết quả cho thấy, trong số 20 hộ dân được khảo sát, có đến 18 gia đình dùng đèn compact thay cho đèn ống huỳnh quang, nhưng lại treo đèn khá tùy tiện. Đèn được treo trên tường, trước giá sách, trong góc nhà, chân cầu thang... và hầu hết không có chao, chụp.
Đa phần ở các hộ gia đình, kiến thức về sử dụng để phát huy tối đa hiệu quả của đèn compact cũng không được người dân chú ý. Ông Nguyễn Huy Lợi (29/191, Lạc Long Quân, Hà Nội) cho biết, ông nghe nói đèn compact tiết kiệm điện hơn đèn tuýp nên khi đèn tuýp cháy bóng thì chuyển luôn sang dùng đèn compact, mặc dù giá thành của đèn compact cao gấp 3 - 4 lần so với đèn ống truyền thống. Tuy nhiên, khi dùng bóng compact ông cảm thấy phòng không đủ sáng, nên đã lắp đến hai bóng compact 2U15W ở hai phía tường, nhưng cũng chỉ thấy đủ sáng ở vị trí xung quanh đèn mà thôi, còn lại ở các góc xa thì cảm thấy rất tối.
Ông Vũ Khắc Linh (ngõ 562, Thụy Khuê, Hà Nội) cho biết, nhà ông bụi bám rất nhiều vào các đồ vật trong nhà trong đó có cả bóng đèn compact, nhưng ông không bao giờ lau bóng đèn vì sợ khi lau có thể làm vỡ bóng. Thời gian gần đây ông thấy đèn tối liền đi thay bóng mới chứ không có ý định lau bóng.
|
Ảnh minh họa. |
Phù hợp cho chiếu sáng cục bộ
TS Nguyễn Phan Kiên, Bộ môn Công nghệ Điện tử & Kỹ thuật Y sinh, Viện Điện tử Viễn thông, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, bóng đèn compact không thích hợp cho việc chiếu sáng chung với diện tích lớn, mà chỉ phù hợp cho việc chiếu sáng cục bộ trong các căn phòng có diện tích nhỏ (nhà tắm, nhà kho, chân cầu thang). Nếu dùng làm nguồn sáng chung thì nên kết hợp thêm với chóa đèn để mở rộng trường chiếu sáng. Còn khi dùng cho góc học tập, bàn làm việc thì phổ ánh sáng trắng, không giống ánh sáng tự nhiên nên sẽ khiến mắt phải điều tiết để thích nghi.
Hơn nữa, dù là bóng tiết kiệm điện năng, nếu không bố trí, sử dụng đúng cách thì vô hình trung những chiếc bóng đèn tiết kiệm này lại kém tiết kiệm hơn nhiều. Ví dụ, một bóng đèn tuýp 1,2m có công suất 40W, cộng thêm công suất của tăng phô vào khoảng 12W, như vậy tổng công suất của bộ bóng đèn này là 52W. Còn bóng đèn compact, thực tế là loại bóng đèn huỳnh quang công suất thấp, thường chỉ khoảng 8 - 15W, được uốn cong cho gọn, sử dụng tăng phô điện tử tiết kiệm điện nên hao tốn rất ít điện năng. Vì độ phủ rộng và cường độ ánh sáng của bóng đèn tiết kiệm điện khá thấp, nên khi sử dụng ở không gian rộng là không phù hợp.
Nhiều người lại cho rằng, đã là bóng tiết kiệm điện thì dùng nhiều bóng hơn thông thường cũng vẫn tiết kiệm. Trong trường hợp như nhà ông Lợi nói trên, nếu muốn đủ sáng khắp phòng mà lại dùng đến 4 cái bóng thì sẽ chẳng tiết kiệm được chút năng lượng điện nào.
Theo TS Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Dung dịch Hoạt hóa Điện hóa & Đèn tiết kiệm Điện năng, bóng đèn compact thực chất là một biến thể của đèn ống huỳnh quang nhưng khác ở chỗ, bóng đèn compact có đường kính ống nhỏ được uốn thành chữ U, hoặc ghép thành nhiều chữ U, hoặc có hình ruột gà. Chính vì thế nên chiều dài ống phóng điện ngắn nên hiệu suất biến đổi điện năng thành quang năng nhỏ. Vì thế, bóng đèn compact huỳnh quanh không thích hợp cho việc chiếu sáng chung với diện tích lớn, và vật chiếu sáng ở xa.
TS Nguyễn Văn Khải lưu ý thêm, việc bóng đèn bị bám bụi lâu ngày cũng làm giảm hiệu suất phát quang từ đó làm giảm độ sáng, đồng thời làm ống phóng điện và chấn lưu bị nóng, dẫn tới làm giảm tuổi thọ của đèn. Khi lau chú ý nên để bóng nguội hẳn mới lau, dùng vải mềm, ẩm và lau nhẹ tay, không cầm vào ống phóng điện gắn với đế ở mặt đui đèn vì không cẩn thận có thể làm gãy, vỡ hoặc bị lọt khí.
Đèn compact thường được khuyên dùng để làm đèn chiếu sáng trong không gian nhỏ như đèn bàn học, đèn đọc sách. Tuy nhiên, các loại đèn chức năng này nên chọn bóng compact cho ánh sáng vàng gần với ánh sáng tự nhiên, tránh cho mắt nhanh bị nhức mỏi.