Sai lầm trong cách dùng đèn điện của các gia đình

Google News

(Kienthuc.nnet.vn) - Kết quả khảo sát thực tế cùng TS Nguyễn Văn Khải cho thấy, các gia đình mắc những lỗi sai khá giống nhau trong cách sử dụng đèn chiếu sáng.

Và cuộc khảo sát nhỏ sau đó với 50 hộ dân khác ở khu vực Cầu Giấy, Từ Liêm, Hà Nội một lần nữa khẳng định những sai lầm này. 

"Đèn nào chả sáng..."


Trong số 50 hộ gia đình tham gia khảo sát, có đến 47 hộ sử dụng bóng tuýp gầy T8 với lý do "cửa hàng chủ yếu bán loại bóng này" hoặc "vẫn quen dùng thế". Chỉ có 12 người được hỏi biết rằng bóng đèn ống huỳnh quang T8 tiết kiệm điện hơn bóng T10 nhưng công suất tiêu thụ điện vẫn lớn hơn bóng đèn compact hoặc đèn led. 

Bà Lê Thị Nga (260 Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, bản thân bà và gia đình chưa bao giờ tìm hiểu xem công suất tiêu thụ điện của các loại bóng đèn sử dụng trong nhà là bao nhiêu. "Cả nhà đều hiểu là phải tiết kiệm điện trong cách sinh hoạt, khi không dùng đến thì tắt đèn, tắt quạt. Còn về khả năng tiết kiệm điện thì chúng tôi cũng chả chú ý vì đèn nào chả sáng như đèn nào. Mà cái bóng đèn thì có tốn điện là bao so với ti vi, tủ lạnh, điều hòa...", bà Nga cho biết. 

82% những người được hỏi cho biết, việc lắp đèn chiếu sáng trong gia đình chủ yếu là do lúc xây nhà, người làm điện nước mắc thế nào thì dùng thế ấy, hoặc khi mua nhà về ở thì cứ có sao dùng vậy. 22 người trong số đó cũng cho biết có mắc thêm một số đèn ở các vị trí cần thiết, chẳng hạn như đèn trang trí, đèn bàn học, hoặc đèn rọi treo tranh... Anh Nguyễn Duy Tiến (267 Hồ Tùng Mậu, Hà Nội) thừa nhận: "Chưa bao giờ biết đến khái niệm độ rọi sáng, chứ nói gì đến mức chuẩn là bao nhiêu". 

Ông Lê Văn Hoàng (sống cùng ngõ nhà anh Tiến) cho hay, ông chưa bao giờ chú ý đến công suất của cái chấn lưu vì "thấy loại chấn lưu điện tử bật lên một cái là đèn sáng ngay thì dùng. Hóa ra nó lại cũng tiết kiệm điện hơn thì tốt quá". Hoặc như gia đình ông Đỗ Duy Khang (K3 Tập thể Cầu Diễn, Hà Nội) dùng ánh sáng đèn huỳnh quang "nhiều khi thấy sáng trắng cũng nhức mắt, lắp thêm một bóng đèn dây tóc cho ánh sáng vàng, nhưng bật lên lại nóng, nên rồi cũng chỉ lắp để đấy". 

"Tại hầu hết các gia đình được khảo sát, việc chiếu sáng đều không đúng chuẩn do chủ quan của người dùng. Công suất tiêu thụ điện lớn nhưng vẫn thiếu ánh sáng, hoặc ô nhiễm ánh sáng do bị chói quá, gây hại mắt, ảnh hưởng thần kinh. Nhiều loại đèn cho ánh sáng lạnh, ánh sáng cứ trắng lóa lên thì tưởng là sáng lắm rồi nhưng thực ra độ rọi sáng rất kém. Hơn nữa, màu ánh sáng không trung thực, không giống màu ánh sáng tự nhiên cũng làm người ngồi học hoặc làm việc, sinh hoạt trong môi trường ánh sáng đó sẽ rất nhanh mỏi mắt", TS Nguyễn Văn Khải cho biết.

Tại hầu hết các gia đình được khảo sát, việc chiếu sáng đều
không đúng chuẩn.

Tăng hiệu quả chiếu sáng

Theo KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Viện Kỹ thuật Quân sự, ngoài việc dùng các loại bóng đèn tiết kiệm điện, lắp đặt và sử dụng hợp lý, các hộ gia đình nên chú ý thiết kế chiếu sáng đáp ứng hai yêu cầu. Thứ nhất là nguồn sáng chung trên cao, chiếu sáng tổng thể toàn bộ căn phòng. Để cung cấp nguồn sáng này nên sử dụng đèn ốp trần, có thể kết hợp máng, chóa hoặc đèn rọi chiếu thẳng từ trần xuống làm tăng hiệu quả chiếu sáng. Thứ hai là nguồn sáng cụ thể đối với từng khu vực riêng biệt, như bàn tiếp khách, bếp nấu, bàn ăn, bàn học, góc đọc sách, góc cầu thang... 

Ngoài ra, các gia đình có thể sử dụng các loại đèn thả trần, đèn hắt, đèn rọi, đèn bàn... vừa có tác dụng chiếu sáng, vừa giúp trang trí cho căn phòng thêm hiện đại, sinh động, phù hợp với từng mục đích sử dụng. Đối với các nguồn chiếu sáng chi tiết từng khu vực, khi không dùng đến có thể tắt điện để tiết kiệm năng lượng.

KTS Phạm Minh Hiếu, Công ty Sông Đà Thăng Long cho rằng, trong thiết kế chiếu sáng hộ gia đình nên tận dụng tối đa ánh sáng trời, vừa giúp ngôi nhà hấp thụ các nguồn năng lượng thiên nhiên như nắng, gió, ánh sáng... vừa tiết kiệm năng lượng điện phục vụ mục đích chiếu sáng. Cách chọn và phối màu sơn tường, trần và sàn, màu đồ gỗ nội thất hay rèm, thảm, tranh tường... cũng tác động không nhỏ đến hiệu quả chiếu sáng trong không gian phòng. Ngoài ra, việc thường xuyên vệ sinh, lau sạch bụi bẩn bám ngoài chóa đèn, máng chiếu hoặc ngay trên bóng đèn cũng giúp đèn sáng tốt hơn. 

Mắc đèn ngang tường là cách mắc đèn lỗi thời, vừa không đảm bảo hiệu quả chiếu sáng, vừa lãng phí vì nó chỉ chủ yếu tập trung chiếu sáng cho tường và trần nhà, chứ mức độ rọi sáng xuống không gian sinh hoạt không được bao nhiêu. Muốn tận dụng tối đa độ rọi sáng của đèn thì tốt nhất nên lắp đèn trần, có máng, có chóa với hiệu suất truyền quang. 

Lê Lan

Bình luận(0)