Thực hư chuyện BKAV đặt làm Bphone từ Trung Quốc?

Google News

Nghi vấn BKAV đặt làm Bphone từ Trung Quốc với giá bèo nổi lên sau khi một đoạn email của BKAV bị rò rỉ, vậy thực hư chuyện này ra sao?

BKAV cho rằng nội dung email vừa rò rỉ trên mạng liên quan đến việc đặt mua linh kiện cho Bphone chỉ chứng tỏ quy trình sản xuất của họ tương tự các hãng lớn như Apple, Samsung.
Một tài khoản cá nhân trên Facebook vừa đăng tải nội dung email được cho là của BKAV gửi đến BYD - công ty chuyên cung ứng linh kiện tại Trung Quốc. Theo nội dung email, BKAV đã hỏi mua khung kim loại từ BYD và yêu cầu công ty này báo giá. "Nếu chất lượng đáp ứng yêu cầu và giá hợp lý, BKAV sẽ thiết lập quan hệ đối tác lâu dài với BYD không chỉ về phần cứng, mà các sản phẩm và dịch vụ khác có tiềm năng".
Thuc hu chuyen BKAV dat lam Bphone tu Trung Quoc?
Một tài khoản cá nhân trên Facebook đưa ra nội dung cho rằng BKAV đặt sản xuất Bphone từ một mẫu có sẵn của BYD. Trong khi đó, đoạn email (được cho là của BKAV gửi BYD) mà người này công bố cho thấy BKAV chỉ yêu cầu đối tác BYD báo giá khung viền kim loại. 
Bên cạnh việc đưa ra nội dung email BKAV gửi BYD, tài khoản trên còn cho rằng Bphone có thiết kế giống với một sản phẩm mẫu của BYD, dù chất liệu của model này bằng nhựa và cấu hình thấp, không dùng khung kim loại và chip Snapdragon cao cấp như Bphone.
Trao đổi với phóng viên, BKAV không trực tiếp thừa nhận nguồn gốc email trên, nhưng cho rằng nội dung email phản ánh công ty đã làm đúng quy trình sản xuất. "Email này chỉ chứng tỏ BKAV làm smartphone đúng phương thức ODM, giống như Apple và Samsung. Bản thân BYD cũng là đối tác phần cứng của Samsung và nhiều hãng khác", đại diện BKAV cho biết.
Theo anh Trần Mạnh Hùng, người đứng đầu một dự án khởi nghiệp trong ngành công nghệ Việt Nam, việc BKAV gửi yêu cầu mua phần khung kim loại đến một đối tác cung ứng linh kiện từ Trung Quốc, xét về mặt sản xuất, là điều bình thường. "Việc BKAV mua linh kiện về lắp ráp theo thiết kế của chính BKAV khác với việc đặt mua 'nguyên con' rồi mang về Việt Nam bán như nhiều hãng khác đang làm", anh Hùng khẳng định.
Bên cạnh đó, việc cho rằng Bphone dùng mẫu thiết kế có sẵn giống chiếc điện thoại giá 59 USD của BYD cũng không có cơ sở, vì giá này chưa đủ để mua chip Snapdragon 801 của Qualcomm, chưa nói đến những phần cứng khác như bo mạch, màn hình, khung kim loại. Nếu muốn có mức giá này, một hãng điện thoại phải đặt sản xuất với số lượng lớn, lên đến hàng triệu chiếc. Do đó, khả năng BKAV đặt làm Bphone từ Trung Quốc với giá "bèo" là chuyện không thể xảy ra. Anh Hùng cho rằng, bài viết từ tài khoản Facebook nêu trên có nhiều đoạn quy chụp và thiếu chính xác, cũng như cố tình đánh đồng "lòng yêu nước" và việc ủng hộ sản phẩm của một công ty trong nước.
BYD là công ty hoạt động chuyên về lĩnh vực công nghệ thông tin, ô tô và năng lượng mới, được thành lập từ năm 1995. Công ty này từng là đối tác cung ứng phần cứng cho Nokia, Motorola, Samsung, Philips, Sony, Panasonic... theo phương thức OEM (nhà sản xuất gốc) hoặc ODM (sản xuất theo yêu cầu, thiết kế có sẵn).
BKAV tiếp tục dời ngày giao hàng Bphone?
Ngoài việc liên tiếp đón nhận những thông tin bất lợi thời gian qua, BKAV có vẻ cũng đang gặp khó khăn trong việc hoàn thiện sản phẩm để giao hàng đúng hẹn. Tuần qua, nhà sản xuất này phát đi thông báo dời ngày giao hàng lại một tuần, tuy nhiên theo nguồn tin riêng của Zing.vn, dù nỗ lực hết sức, rất có thể BKAV sẽ chỉ giao trước một số lượng hạn chế Bphone cho những người đã thanh toán online khi đặt hàng. Những khách hàng chọn hình thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận máy sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa.
Lý do được BKAV đưa ra cho việc lùi ngày giao hàng là hãng cần hoàn thiện lại phần mềm cho Bphone để phù hợp với thỏa thuận MADA đã ký kết với Google. Mặc dù vậy, hãng này không công bố thời gian cụ thể sẽ giao máy đến tay khách hàng.
Theo một tài liệu rò rỉ trong năm 2014, tùy từng hãng điện thoại, MADA có thể bao gồm những điều khoản khác nhau. Những văn bản bí mật này được ký kết nhằm đảm bảo các ứng dụng của Google như Gmail, YouTube, Google Play Store... được cài đặt sẵn trên smartphone, tablet chạy Android. Ngoài ra, MADA cũng yêu cầu biểu tượng ứng dụng của Google phải theo đúng quy chuẩn và được đặt ở những vị trí thuận tiện cho người dùng. Thậm chí, các ứng dụng đó phải được đặt làm mặc định, hay thanh tìm kiếm của Google bắt buộc nằm ở màn hình chính...

Theo Lê Duy/Zing News

Bình luận(0)