Thử nghiệm tốt, vì sao vệ tinh NanoDragon phải về Việt Nam chờ phóng?

Google News

Theo tin từ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, vệ tinh NanoDragon của Việt Nam đã vượt qua các thử nghiệm cuối cùng. Chiều 13/4/2021, vệ tinh về đến Việt Nam để chờ ngày phóng lên quỹ đạo.

Trao đổi với Báo Tri thức và Cuộc sống, TS. Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, vệ tinh NanoDragon đã hoàn thành quá trình thử nghiệm vào ngày 7/4/2021.
Thu nghiem tot, vi sao ve tinh NanoDragon phai ve Viet Nam cho phong?
Vệ tinh NanoDragon trong buồng thử nghiệm Nhiệt chân không 
Kết thúc thử nghiệm, NanoDragon đạt mọi chỉ tiêu theo yêu cầu của nhà phóng và yêu cầu thiết kế, vệ tinh hoạt động hoàn toàn bình thường sau thử nghiệm.
Dự kiến chiều 13/4 vệ tinh sẽ về tới sân bay Nội Bài (Hà Nội). Sau khi trở lại Việt Nam, vệ tinh NanoDragon sẽ được bảo quản để chờ phóng.
Giải thích lý do không để vệ tinh lại Nhật để chờ phóng mà đưa vệ tinh quay trở lại Việt Nam, TS. Lê Xuân Huy cho biết, chi phí thuê địa điểm để bảo quản vệ tinh là rất lớn. Việc đưa vệ tinh trở lại Việt Nam sẽ giúp tiết kiệm chi phí hơn.
Thu nghiem tot, vi sao ve tinh NanoDragon phai ve Viet Nam cho phong?-Hinh-2
 Lộ trình phát triển vệ tinh của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam
Dự kiến khoảng tháng 8-9/2021, vệ tinh sẽ được đưa trở lại Nhật để đợi ngày phóng. Hiện chưa có lịch phóng cụ thể. Phía đối tác Nhật cho biết, vệ tinh sẽ được phóng trong năm tài khoá 2021 của Nhật Bản (đến tháng 3 năm 2022). Dự kiến vệ tinh sẽ được phóng bởi tên lửa Epsilon của Nhật Bản theo chương trình “Innovative satellite technology demonstration”.
Vệ tinh NanoDragon (NDG) là vệ tinh dạng cubesat lớp nano nặng khoảng 4 kg với kích thước 3U, được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát triển.
Sau khi hoàn thành quá trình chế tạo, tích hợp và thử nghiệm chức năng, từ 9/3/2021- 9/4/2021 vệ tinh đã được gửi sang Trung tâm thử nghiệm Vệ tinh nhỏ, Học viện Công nghệ Kyushu (KIT), Nhật Bản để tiến hành thử nghiệm môi trường trước phóng.
Các thử nghiệm bao gồm: thử nghiệm vệ tinh làm việc trong môi trường nhiệt, chân không trong vũ trụ; kiểm tra độ chính xác kích thước chế tạo vệ tinh với hệ thống phóng; kiểm tra độ cứng, vững chắc của vệ tinh; kiểm thử vệ tinh trong môi trường rung động và sốc.
Sau khi được phóng lên vũ trụ, vệ tinh NanoDragon dự kiến hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO) ở độ cao khoảng 520 km. Vệ tinh có hai nhiệm vụ chính.
Thứ nhất là tích hợp một bộ thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System – AIS) sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển. Nhiệm vụ thứ hai là sử dụng một thiết bị chụp ảnh quang học để xác thực chất lượng bộ điều khiển tư thế vệ tinh khi hoạt động trên quỹ đạo.
Trước vệ tinh NanoDragon, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng đã chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1kg), phóng lên quỹ đạo và thu được tín hiệu vào năm 2013.
Tiếp sau đó, tháng 1/2019, vệ tinh MicroDragon (50kg) được chế tạo bởi nhóm 36 cán bộ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản, được phóng thành công lên quỹ đạo và gửi được ảnh về trạm mặt đất tại Nhật Bản.

Mời bạn đọc xem thêm video: Hành trình 100 năm của những tấm biển hiệu quảng cáo | VTV24


Sơn Hà

>> xem thêm

Bình luận(0)