Nhận diện còn kém
Tại hội thảo "Tăng cường công tác quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam" tổ chức ngày 17/9, đại diện Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học cho biết, số lượng thực vật ngoại lai nhập nội ở Việt Nam có khoảng 94 loài, trong đó có 42 loài xâm hại thuộc các họ thực vật gồm: Thầu dầu (4 loài), họ đậu (6 loài), họ cúc (7 loài), họ cói (8 loài), họ hòa thảo (13 loài), họ thông (8 loài).
Các con số này cho thấy, mức độ, xu hướng xâm lấn của sinh vật ngoại lai xâm hại ngày càng gia tăng ở nước ta. Tuy nhiên, sự hiểu biết của chính cán bộ bảo vệ môi trường về sinh vật ngoại lai xâm hại còn hạn chế. Điều này thể hiện rất rõ trong kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng nhu cầu đào tạo, tăng cường năng lực quản lý sinh vật ngoại lai.
Ông Mai Hồng Quân, Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học cho biết, cuộc điều tra này tiến hành ở 2 cấp quản lý trung ương và địa phương (gồm Sở Tài nguyên & Môi trường, vườn quốc gia, khu bảo tồn, chi cục hải quan...). Cấp quản lý trung ương nhận diện khá tốt về các loài sinh vật ngoại lai và có hiểu biết về con đường du nhập, mục đích nhập khẩu của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại. Tuy nhiên, có khoảng 40% số cán bộ quản lý cấp trung ương trả lời sai hoặc chưa nắm được nội dung quản lý sinh vật ngoại lai theo quy định của Luật Đa dạng Sinh học. Ngoài ra, khoảng 85 - 100% số cán bộ nhận định cơ quan nơi họ đang công tác chưa đủ năng lực quản lý sinh vật ngoại lai do chưa có cán bộ hiểu biết sâu về sinh vật ngoại lai, chưa đủ vật chất kỹ thuật/nguồn lực tài chính.
Ở cấp địa phương, kết quả cho thấy, nhiều cán bộ chưa nhận diện được các loài sinh vật ngoại lai xâm hại thậm chí là với những loài rất phổ biến là cây ngũ sắc, cây trinh nữ thân gỗ. Nhiều người còn thiếu hiểu biết một cách đầy đủ về con đường du nhập, mục đích nhập khẩu các loại sinh vật ngoại lai xâm hại và những tác hại của chúng. Đặc biệt, có khoảng hơn 90% số cán bộ nhận định cơ quan nơi họ đang công tác chưa đủ năng lực quản lý sinh vật ngoại lai.
|
Rùa tai đỏ - mối đại họa với hệ sinh thái. |
Đừng bắt người dân đọc tài liệu khô khan
Các chuyên gia cho biết, bên cạnh cấp quản lý thì cũng cần trang bị cho cả người dân kiến thức về sinh vật ngoại lai. GS. TS Vũ Triệu Mân, Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ Sức khoẻ Cây trồng & Vật nuôi kể có lần đi giảng dạy và tập huấn cho bà con, khi phát tài liệu ông có hỏi tài liệu này có chưa, đã được học chưa, bà con trả lời chưa. Nhưng khi vào nhà người dân thì thấy trên nóc tủ có đến vài tập tài liệu y hệt tài liệu vừa được phát. Hóa ra, nội dung vừa được dạy và tài liệu vừa được phát đã được giảng từ trước nhưng bà con đã quên.
Theo GS.TS Vũ Triệu Mân, với người dân, việc phát tài liệu với những thuật ngữ khô khan hoặc với các nội dung như con đường du nhập của sinh vật ngoại lai xâm hại, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật... không tạo được chú ý. Cái mà người dân quan tâm là hình dạng sinh vật ngoại lai thế nào, kích thước kiểu gì, tác hại ra sao...
Ông kể, ở các nước tiên tiến, ngay trước cửa rừng người ta có ngay tấm bảng dán ảnh những loài nấm độc không được hái, người dân chỉ cần nhìn vào đó là có thể nhận diện được. Cách này Việt Nam nên học tập. Ví dụ, ngay cổng làng dán ảnh rùa tai đỏ, ốc bươu vàng ai đi qua cũng phải nhìn, phải thấy. Trong việc nâng cao nhận thức, cần phải phân loại đối tượng như cấp trung ương cần gì, cấp quản lý cơ sở cần gì, người dân cần gì.
Ví dụ, đối với cảnh sát môi trường, các đơn vị kiểm dịch và người dân thì đầu tiên phải giúp họ nhận diện được đâu là sinh vật ngoại lai, hình thù, kích thước thế nào...
Theo GS.TS Phạm Văn Lầm, nguyên cán bộ Viện Bảo vệ Thực vật, gần đây các nhà khoa học có nghiên cứu về thành phần loài thực vật ngoại lai xâm hại tại 10 vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Kết quả cho thấy đã ghi nhận được 134 loài cỏ dại ngoại lai, trong đó xác định 25 loài là sinh vật ngoại lai xâm hại.