Dù mẫu xe điện Tesla Model 3 có nhiều điểm tương đồng với Model S và Model X xét về hướng thiết kế nói chung, nhưng nội thất của xe lại phản ánh rõ rệt chủ nghĩa tối giản mà chúng ta chỉ thường thấy trên các mẫu xe concept. Có lẽ đây là tầm nhìn của Tesla về xe hơi trong tương lai chăng?
Đã có nhiều bài báo nói về Tesla Model 3, về mức giá khá tốt của nó, về chế độ tự lái Autopilot, về tốc độ đáng nể... Bạn có thể cũng từng thấy màn hình trung tâm trên bảng điều khiển của xe, nhưng trong bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu hơn một chút vào các thành phần nội thất của Model 3.
Không có chìa khóa, nhưng có một ứng dụng di động tuyệt vời.
Trong khi nhiều xe hơi khác dần triển khai hệ thống mở cửa và khởi động, lái xe không cần chìa khóa, thì Tesla tiến một bước xe hơn trên Model 3: chiếc xe này không hề có chìa khóa cứng như bình thường.
Tesla Model 3 mới được thiết kế để hoạt động với điện thoại của bạn, và dù rằng khi mua xe, bạn sẽ có một chiếc thẻ dùng để mở cửa (xe không có khóa cửa có thể thấy được như xe hơi truyền thống), nhưng hãng lại muốn bạn "nhường" việc đó lại cho điện thoại. Bạn thậm chí chẳng cần bấm nút nào trong ứng dụng để mở cửa, bởi nó sẽ tự làm điều đó khi bạn đứng gần xe - tất nhiên là nếu bạn muốn điều đó diễn ra.
Có nghĩa là bạn cứ thế đi đến chiếc xe mình, và khi bạn lại gần, cửa sẽ được mở; khi bạn rời đi, bạn sẽ nghe một âm thanh xác nhận cửa xe đã khóa. Nếu bạn mở khóa xe và không bước vào, nó sẽ tự khóa lại sau một thời gian ngắn.
Với hệ thống này, bạn sẽ bớt đi một thứ phải nhớ mang theo khi rời khỏi nhà - chỉ cần nhớ nếu bạn dùng thẻ để khóa cửa bằng cách chạm vào cột B của xe trước khi rời đi.
Khám phá ứng dụng Tesla
Chiếc xe và ứng dụng giống nhau bàn tay và găng tay - chúng liên kết chặt chẽ với nhau hơn nhiều ứng dụng xe hơi khác. Ứng dụng Tesla trên Android thực sự ổn định và hữu ích, với nhiều chức năng thú vị phục vụ đắc lực cho quá trình sử dụng xe.
Bên cạnh việc mở khóa cửa (cửa xe lẫn các cửa khoang chứa hành lý), ứng dụng còn cho bạn biết xe đang ở đâu và trong trạng thái gì. Bạn có thể nhấn còi hoặc bật đèn từ xa, cũng như kiểm tra nhiệt độ trong xe và bật điều hòa để làm mát xe trước khi bước vào.
Bạn còn có thể kiểm tra tình trạng biết để biết còn đi được bao xa.
Ứng dụng còn mang đến cho bạn một trải nghiệm chia sẻ nhanh gọn, khi mà trên Android, ứng dụng Tesla trở thành một địa điểm chia sẻ từ các ứng dụng bản đồ. Ví dụ, bạn mở Google Maps lên, tìm nơi bạn muốn, sau đó chia sẻ nó đến Tesla, và địa điểm đó sẽ được gửi lên xe, đặt điều hướng để đưa bạn đến nơi muốn đến.
Những ứng dụng bổ trợ như thế này ngày càng phổ biến trên các xe hơi hiện đại, nhưng chúng thường chỉ là một thứ bổ sung, không có cũng chẳng sao. Tesla Model 3 thì khác, như thể nó được thiết kế cho người dùng smartphone vậy, và điều đó mang lại cho nó một vẻ gì đó đậm chất công nghệ.
Tính năng Summon
Summon là thứ tạo nên sự khác biệt giữa Tesla và bất kỳ chiếc xe nào khác trên thị trường hiện nay, mang lại cho người dùng một thứ gần như chỉ thấy trên các phim khoa học viễn tưởng. Summon, về cơ bản, là điều khiển từ xa trên điện thoại của bạn, cho phép bạn lấy xe ra khỏi một chỗ đậu chật chội, hoặc đậu nó vào một chỗ chật chội khác.
Summon hơi khác biệt so với tính năng tự động đậu xe trên một số xe hơi khác, bạn không cần phải ngồi trong xe để sử dụng nó. Tất nhiên có một vài điều kiện: bạn không được phép sử dụng Summon trên đường phố công cộng (dù rằng luật mỗi nơi mỗi khác), và xe bạn cần đứng tại một vị trí phù hợp trước khi tính năng này hoạt động.
Nhưng Summon đang dần tiến hóa. Trên phiên bản phần mềm v10, Summon đã được nâng cấp để có thể thực sự tự đưa xe ra khỏi nơi đậu và chạy đến vị trí người dùng. Bạn sẽ cần bỏ thêm tiền để có tùy chọn tự lái hoàn toàn (Enhanced Autopilot) - nhưng rõ ràng đây là một tính năng đến từ tương lai.
Nút bấm đâu cả rồi?
Model 3 có nội thất phá cách. Không còn hàng tá nút bấm, tối giản, gọn gàng, về cơ bản là...không có gì trừ màn hình.
Vô-lăng xe có một vài nút bấm (không có chữ chú thích); trên cần gạt sau vô-lăng, bạn sẽ có cụm chuyển số/chọn chế độ lái - có thể dùng để truy cập hệ thống Autopilot. Cần chỉnh đèn có thể dùng để nháy đèn pha và kích hoạt thủ công cần gạt nước mưa (khi nhấn giữ sẽ chuyển sang chế độ phun nước lau kính trước).
Ngoài ra, chẳng khó gì khác ngoài màn hình lớn ở giữa.
Cửa thông gió được thiết kế cực kỳ thông minh, bởi chúng được tích hợp trực tiếp vào thân xe, và thay vì dùng tay di chuyển vài miếng nhựa rẻ tiền (như bạn vẫn làm trên mọi chiếc xe hiện nay), bạn có thể thay đổi luồng gió bằng cách vuốt trên màn hình. Sẽ mất vài thao tác để làm điều này thay vì cứ đưa tay lên chỉnh trực tiếp cửa gió, nhưng đây thực sự là một giải pháp thú vị (phía sau khoang lái có một vài cửa gió truyền thống).
Bên trong Tesla Model 3 có một vài khe cắm USB ẩn và một đầu cắm 12V ẩn dành cho các phụ kiện khác, nhưng nếu bỏ qua mọi vấn đề về thiết kế và những thứ lặt vặt khác, nội thất không nút bấm có một ưu điểm lớn: bởi mọi thứ đều được điều khiển thông qua màn hình, Tesla có thể thêm hoặc thay đổi các chức năng của một nút bấm tương ứng đang gây vấn đề. Ví dụ, họ có thể giới thiệu một chế độ lái mới thông qua phần mềm, một điều bất khả thi nếu xe có sẵn một cụm nút chọn thủ công dành cho các chế độ lái đó.
Giống một chiếc iPad khổng lồ
Vì không có màn hình nào khác, mọi thông tin về xe sẽ được hiển thị trên màn hình trung tâm này, kể cả tốc độ xe. Màn hình trung tâm được chia thành hai vùng - vùng gần phía tài xế hiển thị các thông tin cần thiết cho người lái, như tốc độ, chế độ lái, mọi cảnh báo hay chỉ báo liên quan đến đèn, cũng như bản đồ dữ liệu trực tiếp được lấy từ các camera và các cảm biến của xe, cho bạn biết các vật xung quanh, người đi bộ, vạch kẻ đường...cách xe bạn bao nhiêu.
Vùng bên kia của màn hình lớn hơn. Hầu như mọi lúc, vùng này sẽ hiển thị bản đồ và điều hướng, với các nút bấm để mở các chức năng khác ngay trong vùng này, không can thiệp vào vùng hiển thị thông tin cho tài xế. Có nghĩa là người đi cùng có thể chọn nhạc trên Spotify và bạn vẫn có thể liếc nhìn màn hình để kiểm tra tốc độ xe chạy.
Ở dưới đáy màn hình là một thanh chứa các nút bấm để điều khiển những thứ như nhiệt độ, sưởi ghế... - những thứ mà thường được điều khiển thông qua một nút bấm vật lý. Ngoài ra còn có biểu tượng nhạc và thiết lập xe hơi, cùng với một menu popup hiển thị những thứ bạn ít dùng đến.
Nhìn chung giao diện màn hình rất dễ sử dụng. Nếu chuyển từ xe hơi với hệ thống nút bấm truyền thống, bạn sẽ mất một lúc để làm quen với việc điều khiển mọi thứ bằng cách chạm màn hình, nhưng bởi màn hình này quá lớn, nên nó trực quan và dễ sử dụng. Ví dụ, khi điều chỉnh thiết lập xe, bạn chỉ cần chạm vài cái chứ không phải mò mẫm một hệ thống menu phức tạp nữa.
Dựa vào phần mềm là con dao hai lưỡi
Như đã nói ở trên, thực hiện mọi thứ thông qua phần mềm đồng nghĩa Tesla có thể thêm hoặc thay đổi nhiều thứ một cách dễ dàng. Ví dụ hoàn hảo của điều này là Joe Mode trên bản phần mềm v10 (để giảm tiếng ồn âm thanh hệ thống) hay Netflix. Trong khi nhiều nhà sản xuất hiện cam kết cập nhật qua mạng Internet, Tesla còn chơi lớn hơn nhiều.
Điều đó còn đồng nghĩa trong một vài trường hợp, bạn có thể mua một chiếc Tesla với cấu hình nhất định, sau đó mở khóa các tính năng khác qua phần mềm. Việc này từng diễn ra trước đây - và miễn là xe không phụ thuộc vào phần cứng, thì bạn có thể linh hoạt thay đổi các tính năng bằng cách đăng ký chúng qua phần mềm. Nếu bạn mua lại một chiếc Tesla cũ, chỉ cần cập nhật phần mềm, nó nhiều khả năng còn tốt hơn chiếc xe gốc được bán ban đầu.
Tuy nhiên, trên Model 3, mọi thứ đều là phần mềm, bao gồm cả tiếng ồn giả. Nếu vì lý do gì đó khiến phần mềm trục trặc, xe bạn sẽ chẳng phát ra tiếng ồn nào khi chạy, và đó có thể là vấn đề về mặt luật pháp.
Dù phần mềm của Tesla rất ổn định, nhưng vẫn có lúc nó gặp lỗi. Thông thường, chỉ cần khởi động lại màn hình là xong, nhưng trong quá trình này, bạn sẽ không thể truy cập đến bất kỳ điều gì, không điều khiển được gì, từ nhạc cho đến mọi chức năng của xe. Tất nhiên, xe vẫn chạy chính xác như bạn đã thiết lập trước đây, dù cho hệ thống hiển thị trong xe đang khởi động lại.
Kết nối với điện thoại
Ứng dụng Tesla cho điện thoại rất tuyệt vời và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống. Bạn còn có thể đồng bộ danh bạ và lịch với xe. Khi đồng bộ lịch, xe sẽ hiển thị lời nhắc cho các cuộc hẹn khi bạn bước lên xe vào sáng hôm đó.
Thứ bạn không có là Android Auto và Apple CarPlay. Những hệ thống này không thể thay thế màn hình của Tesla được, nhưng điều đó không quan trọng - Tesla cung cấp cho bạn những dịch vụ mà có lẽ bạn sẽ dùng đến, như TuneIn và Spotify, cho phép bạn đăng nhập ngay trên xe mà chẳng cần thông qua điện thoại.
Tesla Model 3 có kết nối dữ liệu của riêng nó, không chỉ cung cấp dữ liệu cho xe và liên kết với ứng dụng trên điện thoại, mà còn cho phép stream phim và nhạc nữa. Tesla từng tuyên bố một số xe bán ra sẽ không được sử dụng dữ liệu vô tận vĩnh viễn, nhưng ở thời điểm hiện tại, chúng ta chưa rõ sẽ có gì thay đổi. Xe cũng có tùy chọn kết nối Wi-Fi để trong tương lai, khi cần, nó có thể kết nối đến hotspot trên điện thoại của bạn.
Thứ mà Model 3 và phần mềm của Tesla không mang lại trải nghiệm hoàn chỉnh như trên điện thoại chính là phần danh bạ: bạn không thể xem địa chỉ của một số đã lưu, nên nếu muốn lái xe đến nhà bạn bè, bạn sẽ phải chia sẻ vị trí đó từ điện thoại. Xe cũng không hỗ trợ nhắn tin và hiển thị thông báo. Android Auto và Apple CarPlay có thể hiển thị thông báo và cho phép bạn trả lời tin nhắn bằng giọng nói, còn Tesla thì không.
Tuy vậy, xe vẫn có một hệ thống ra lệnh giọng nói để bạn có thể tìm các trạm radio, nhạc, và điều hướng, nhưng không thể bằng Google Assistant. Bạn có thể dùng Siri hoặc Google Assistant để đọc tin nhắn từ điện thoại.
Liệu thiếu thông báo và tin nhắn có phải là một nhược điểm lớn không? Không hẳn. Xét từ quan điểm an toàn, tốt nhất những thứ dễ gây mất tập trung như vậy không nên được hiển thị.
Một vài trò vui
Giải trí là một trong những điểm thú vị trong phần mềm của Tesla. Chưa có chiếc xe nào trang bị game cho người dùng cả - nhưng cũng hợp lý thôi, làm gì có chiếc xe nào buộc bạn phải ngồi đợi sạc đầy pin ở trạm sạc Supercharge để chạy đâu?
Bên cạnh Netflix, những ứng dụng vui nhộn trên Tesla khá lôi cuốn trẻ em. Lũ nhóc yêu xe hơi, nhưng không có nhiều xe khiến chúng yêu nhiều như Tesla, bởi chiếc xe này có thể làm nhiều trò vui nhộn. Một mũi tên bắn trúng hai đích: vừa giúp tài xế giải trí khi đang chờ xe sạc, vừa đảm bảo thế hệ tương lai biết Tesla có gì hấp dẫn!
Phần mềm xe có nhiều Easter Eggs bạn không thể tìm thấy khi đang lái, nhưng có một vài ngoại lệ, chủ yếu theo mùa. Chúng khá vui, nhắc nhở chúng ta rằng dù Tesla rất nghiêm túc về những thứ như tốc độ, họ còn có khiếu hài hước.
Cũng cần phải nói rằng hệ thống âm thanh của Model 3 thực sự tốt, và bạn có thể nghe nhạc thoải mái mà không bị tiếng ồn động cơ làm ảnh hưởng.
Tổng kết
Nội thất của Model 3 có thể trông hơi khác lạ nếu bạn chuyển từ xe hơi thông thường sang. Sau vài ngày, bạn sẽ thấy mình chẳng còn nhớ bất kỳ nút bấm hay các cụm điều khiển thường gặp trên các thiết kế nội thất xe trước đây nữa. Sẽ chỉ còn nội thất nhẹ nhàng, thông thoáng, không rối rắm của Model 3 mà thôi.
Có những trường hợp mà những nút điều khiển truyền thống sẽ tốt hơn, nhưng với việc hầu hết mọi thứ diễn ra một cách tự động - cả gạt mưa lẫn đèn pha - nhu cầu về những nút bấm đó là rất nhỏ.
Sẽ tốt hơn nếu có một thiết bị phát tiếng ồn động cơ, cho phép bạn luôn nghe dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, nhưng xét về tổng thể, có thể nói cách bố trí nội thất và hệ thống thông tin giải trí của Model 3 tươi mới như chính động cơ trang bị cho chiếc xe này vậy.