Không khó bắt gặp những người bán rong mang theo hàng đống điện thoại. Chúng có ngoại hình đẹp, sạch sẽ và mới toanh, cùng mức giá siêu rẻ so với hàng chính hãng.
Dù người bán không công khai, dễ dàng nhận ra chúng là hàng nhái. Nhiều người vẫn chọn mua vì chúng hoạt động tốt và mức giá hời, thế nhưng, theo PCMag, các sản phẩm này tiềm ẩn hàng loạt rủi ro.
Microsoft đã thuê hàng loạt đơn vị đối tác chỉ nhằm mục đích loại bỏ toàn bộ mã độc và lỗi bảo mật khỏi các sản phẩm của họ. Thương vụ sát nhập Nokia năm ngoái đã gia tăng đột ngột nhu cầu này. Tuy vậy, đối với các sản phẩm điện thoại nhái hoặc làm giả, hai nhà nghiên cứu John O’Brien và Kimmo Lehtonen đã chỉ ra hàng loạt vấn đề. Dưới đây là những nguy cơ được họ công bố tại hội nghị MalCon 2015.
|
Ảnh minh họa. |
Ngoại hình khó phân biệt
Nhiều thiết bị nhái sử dụng Android, dù chúng mang bề ngoài của Microsoft. Giao diện và màu sắc giống hệt hàng chính hãng, ngoại trừ vài điểm nhỏ. O’Brien phát hiện nhiều thiết bị Windows Phone chạy Android JellyBean. Chúng chỉ bị phát hiện khi người dùng vào sâu trong Cài đặt.
Thiết bị nhái cũng mang bề ngoài y hệt hàng thật. Màn hình, các viền kim loại, nút bấm… đều giống thật. Trong một vài trường hợp, phải nhìn kĩ để nhận biết. Ví dụ, trong khi thiết bị thật có camera “41 megapixel” thì hàng nhái chỉ có “4,1 megapixel”. Dù vậy, khi mang điện thoại giả đến cho nhân viên cao cấp của một công ty giấu tên, thậm chí người này không phân biệt được.
Mã độc
Microsoft có hẳn một đội chuyên kiểm tra mã độc tên là PRSS. Khi đội này tháo rời sản phẩm nhái và đi sâu vào phần mềm, họ tìm được hàng đống mã độc bên dưới.
Trong số 11/20 thiết bị thử nghiệm, họ tìm thấy những mã độc được cài sẵn, và đây không phải những mã độc hay những ứng dụng độc hại dễ nhận biết. Các tập tin độc hại được cài thẳng vào hệ thống, nên bạn phải root máy mới xóa chúng được.
Kim loại nặng
Nhiều thiết bị nhái đến từ Trung Quốc chứa nhiều kim loại nặng độc hại như chì, cadimi... May mắn thay, đội An toàn Sản phẩm của Microsoft tại Phần Lan không tìm thấy các chất độc này trên các mẫu thử. Tuy vậy, họ tìm thấy nhiều vết nickel trên điện thoại, đặc biệt là các vị trí mà người dùng hay chạm đến như cổng USB, khe SIM và các ốc vít. Chất này có thể gây dị ứng nặng khi chạm phải.
Pin phát nổ
Nhiều video cho thấy điện thoại Nokia và các smartphone khác bốc cháy hoặc nổ. O’Brien cho rằng các thiết bị đó là hàng nhái, dù ít khi các video nói rõ điều này.
Thực tế, thử nghiệm cho thấy ngay cả các sản phẩm nhái ít khi gặp vấn đề về nhiệt quá tiêu chuẩn. O’Brien cho rằng các linh kiện được lắp ráp lỏng lẻo khiến chúng không nhận đủ năng lượng để nóng lên.
Bài thử nghiệm thả rơi lại không tốt như thế. Trong thử nghiệm đơn giản, thiết bị được thả nhiều lần từ độ cao ngang túi quần. 60% thiết bị nhái thất bại trong thử nghiệm này, các nút bị liệt, linh kiện bung tróc, màn hình vỡ thành các mảnh nhỏ và sắc, khác hẳn với màn hình Gorilla Glass thường gặp.
Nhiều vấn đề khác
Hàng nhái chắc chắn là đồ giả, và đầy những mã độc. Hơn thế nữa, chúng không chỉ gây tác hại đến người dùng. Những nhà bán lẻ chính thức sẽ mất một phần thị trường và còn chịu tiếng xấu. Thiết bị nhái thường kết nối kém, và gây mất cuộc gọi. Các vấn đề về sóng từ chúng sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín cũng như thiết bị của các nhà mạng. Tóm lại, thiết bị nhái gây ảnh hưởng đến tất cả mọi người.
Toàn bộ báo cáo của O’Brien và Lehtonen còn cảnh báo các điện thoại nhái đang được sản xuất tinh vi hơn. Họ đề xuất người dùng kiểm tra IMEI và chỉ mua sản phẩm khi mã Type Allocation Code trùng với số khắc trên thân máy.