Nguy cơ khó lường khi “độ” vỏ vàng cho iPhone

Google News

(Kiến Thức) - Theo các chuyên gia, việc độ vàng vỏ iPhone khó lường trước được những rủi ro trong quá trình sử dụng, có thể gây cháy nổ, giật điện khi sạc pin...

Hàng "độc" 
Hơn 1 giờ chiều, cửa hàng H.D có tiếng là chuyên độ vỏ vàng cho iPhone nằm trên đường Trần Văn Đang, quận 3, TPHCM đông khách tới độ vỏ vàng cho điện thoại. Ông T.C.N. (khách hàng ngụ tại quận Tân Bình) tay cầm hai điện thoại iPhone 5 vàng chóe cho biết: "Làm mới điện thoại nhìn lạ mắt, lại được theo ý mình nên tôi độ hai cái giá hơn 5 triệu đồng. Cửa hàng cũng bảo hành không bay màu nhưng không biết thế nào?...".
Theo ông Huy, chủ cửa hàng thì: "Người sử dụng dòng điện thoại iPhone mang máy tới mạ vàng khá đông. Lượng vàng mạ nhẹ hơn nên giá chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/cái. Còn dòng iPhone 4 mạ vàng đắt tiền hơn, tính riêng mạ trái táo trên vỏ máy đã 800.000đ loại vàng 24K, nguyên vỏ viền khung của máy giá 4,5 triệu đồng. Chỉ là mạ mỏng một lớp vàng trên khung, còn chỗ khác phun tĩnh điện, nhưng đều phải tháo máy. Nếu khách đặt hàng tính theo trọng lượng vàng thì rất nhiều tiền. Hiện cửa hàng chủ yếu làm iPhone 5, bảo hành không bay màu, mạ vàng thật, chỗ nào bóng, chữ nổi là vàng. Nếu khách có vỏ vàng sẵn thay thì chỉ tính công thay 300.000đ". 
Ông Huy cũng cho rằng, khi độ khung, vỏ cho iPhone tương đối phức tạp, phải thực hiện từng thao tác kỹ lưỡng, nếu không dễ bị chạm gây chập bo mạch, ảnh hưởng tới hoạt động của máy. 
Điểm bắt sóng trên nắp của iPhone có thể bị ảnh hưởng khi độ vỏ. 
Không an toàn khi sử dụng   
Ông Đoàn Tấn Phục, chuyên viên kỹ thuật, Trung tâm Bảo hành khu vực phía Nam của Viettel cho biết, khi dòng Apple ra đời thì trào lưu độ vàng vào điện thoại smart phone rộ lên. Tại TPHCM có nơi mạ vàng lên khung điện thoại chứ không thể đúc khung. Bởi khi đúc khuôn máy đã có sự tính toán cân đối hài hòa toàn hệ thống máy, do đó chỉ là xi mạ lên bề ngoài. Tuy nhiên, thế hệ điện thoại smart phone kết cấu ốc chìm, nên tất cả được kết thành dạng khối nằm gọn trong máy, ví dụ như iPhone 4, 5 có khoảng hơn 20 con ốc nhưng nằm ẩn trong máy, bo mạch được cố định khá nhiều ốc. 
Việc độ vàng vào máy là phải thay khung sườn iPhone nên bắt buộc phải tháo tung máy, đơn giản là chỉ bắt nhầm ốc, lệch vị trí hoặc có bất cứ sai sót nào dù nhỏ cũng ảnh hưởng đến hoạt động của máy. Đặc biệt, ngay trên nắp lưng của iPhone có điểm ăngten tiếp xúc qua, vì thế nhiều khi sóng yếu cũng một phần do vị trí này. Dù nạm vàng hay bạc vào máy thì đều ảnh hưởng đến sóng nghe, gọi của máy. 
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Khiêm, Phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH Khải Thiên (Trung tâm dịch vụ được ủy quyền của Apple tại TPHCM) cho rằng, nếu thay đổi nguyên khung, khối điện thoại thì về cơ bản hãng sản xuất đã có tính toán cụ thể từng vị trí hệ thống như nút bấm, tai nghe, tới các phụ kiện bên trong máy... và có những điểm bắt ốc chính xác, nên khi độ vỏ mới hoàn toàn đòi hỏi độ chính xác tương tự. Với các loại smart phone hiện nay thường là dính nguyên khối, nếu tự đổ khung cho máy thì rất khó khăn, phải có khuôn chuẩn đúng kích cỡ, việc này không dễ dàng. Mặt khác, khi thay đổi kết cấu máy thì không còn điều kiện bảo hành. Đồng thời, máy sau khi độ không đảm bảo chạy ổn định lâu dài, việc chập cháy sẽ không lường trước được.  
Dù người dùng chấp nhận không cần chế độ bảo hành để làm mới sản phẩm, nhưng tuyệt đối không nên độ vỏ, khung hay bất cứ thành phần nào của máy. Bởi sử dụng máy sẽ không an toàn, rủi ro cao như chập cháy bo mạch, gây nổ, rất nguy hiểm cho người dùng. 
Vàng có tính chất dẫn điện cao nên người sử dụng hết sức cẩn thận khi độ vào điện thoại. Ngoài ra, nếu chất liệu thay thế không đảm bảo như của hãng sản xuất sẽ khiến việc độ linh kiện thiết bị cho loại sản phẩm đắt tiền này phải chấp nhận nhiều rủi ro không đáng có, "tiền mất, tật mang". Đặc biêt, iPhone 4, iPhone 5 được thiết kế vỏ bằng kim loại, khi cắm sạc không đúng cách cũng có thể bị điện giật nhẹ như hơi tê tay.   
Ông Đoàn Tấn Phục (Trung tâm Bảo hành khu vực phía Nam của Viettel)
Hương Nguyên

Bình luận(0)