Theo một nghiên cứu mới được công bố trên Nhật báo Physics World, câu hỏi đặt ra hiện nay không phải là có khả năng một siêu bão Mặt Trời sẽ quét qua Trái Đất hay không, và là khi nào. Sự việc càng trở nên đáng lo ngại hơn khi nghiên cứu này cho rằng chúng ta không có khả năng chống lại những thiệt hại mà bão Mặt Trời sẽ gây ra.
Hai năm trước, ngày 23/7/2012, Trái Đất đã thoát khỏi hai trận bão khổng lồ chứa các hạt mang điện mà Mặt Trời thổi về phía chúng ta chỉ trong gang tấc. Ước tính nếu những trận bão này đổ bộ xuống Trái Đất, đó sẽ là cơn bão Mặt Trời khủng khiếp nhất trong vòng 150 năm qua. Rất may là trận bão đã đi qua quỹ đạo Trái Đất chậm hơn một tuần và chúng ta đã thoát nạn.
|
(Nguồn: NASA).
|
Nếu những đám mây plasma và từ trường đó đủ lớn, chúng hoàn toàn có thể xé toạc từ trường bảo vệ Trái Đất, khiến những đợt sóng điện tử tấn công vào các đường dây truyền tải, đốt cháy chúng và gây mất điện trên diện rộng.
Cơn bão Mặt Trời lớn nhất được ghi nhận là sự kiện Carrington năm 1859. Đó là khi Mặt Trời phát ra một trận bão khủng khiếp bao trọn lấy Trái Đất với năng lượng tương đương 10 tỉ quả bom nguyên tử trút xuống Hiroshima. Tuy nhiên khi đó thiệt hại lại tương đối ít vì khi đó chúng ta mới chỉ có đường dây điện thoại. Nhưng những nghiên cứu về các ngôi sao lận cận trong Dải Ngân hà bằng kính viễn vọng Kepler của NASA cho thấy những ngôi sao giống như Mặt Trời có khả năng tạo ra những siêu bão mạnh gấp cả nghìn lần sự kiện Carrington.
Những trận bão Mặt Trời mạnh không còn là một khái niệm quá mới mẻ. Chúng đã tấn công bề mặt Trái Đất suốt trong lịch sử loài người, nhưng chưa hề có khả năng gây tổn hại đến nền văn minh nhiều như tới nay. Chỉ trong vòng một thế kỷ qua, nhân loại đã nhanh chóng trở nên lệ thuộc, thậm chí không thể dứt ra khỏi các thiết bị điện tử hay vệ tinh trong công việc và cuộc sống hàng ngày.
"Nếu những nền tảng cơ sở hạ tầng đó không còn nữa, chuyện gì sẽ xảy ra? Đó là một ý nghĩ đáng sợ, nhưng mối đe dọa này là có thật," Ashey Dale, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu Mặt Trời thuộc Đại học Bristol, tác giả nghiên cứu được đề cập chia sẻ.
Cuộc sống của chúng ta hiện nay đều xoay quanh smartphone, các thiết bị dùng điện và Internet. Tuy nhiên mạng lưới kết nối chúng lại rất dễ bị tổn thương. Khi xảy ra khả năng mất điện toàn cầu trong vòng một tháng hoặc hơn, các thiết bị của chúng ta sẽ nhanh chóng cạn pin do không thể tái nạp. Kể cả khi có thể giải quyết được vấn đề đó thì cũng sẽ chẳng có Internet để kết nối.
"Không chỉ dịch vụ 4G mà cả các trạm viễn thông cũng sẽ bị thiệt hại, có nghĩa là sẽ có rất ít cơ hội để gọi điện. Tín hiệu vệ tinh cũng sẽ bị phá hỏng và phải mất tới hàng năm để tái thiết lại," Dale cho biết thêm.
Một thảm họa công nghệ là điều không ai nghi ngờ nếu bão Mặt Trời tràn qua, nhưng thiệt hại lớn nhất sẽ xảy ra ngoài vũ trụ.
"Với khoảng 1.000 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo, mỗi vệ tinh có giá khoảng 100 triệu USD, có thể sẽ phải mất cả thập kỷ để xây dựng lại cơ sở hạ tầng ngoài vũ trụ cũng như vô số các thiết bị trên mặt đất. Tôi không chỉ nói về tín hiệu truyền hình vệ tinh hay GPS, mà là hàng trăm thiết bị khác liên quan tới giao thông, vận chuyển, tài chính, nông nghiệp, an ninh, dự báo thời tiết, dịch vụ, chăm sóc sức khỏe và hoạt động của chính phủ."
Ở thời điểm này, không quốc gia hay nền công nghiệp nào sẵn sàng cho tình trạng khẩn cấp có tính vũ trụ đó. Cả Hoa Kỳ và châu Âu sẽ đăc biệt dễ bị ảnh hưởng nhất, trong khi những nước như Trung Quốc hay Ấn Độ với cơ sở hạ tầng năng lượng lớn ở phía nam xích đạo có thể tránh khỏi những điều tồi tệ nhất từ siêu bão Mặt Trời.
"Một siêu bão Mặt Trời hoàn toàn có khả năng nhanh chóng thay đổi bản đồ địa chính trị," Dale cho biết.
Vậy trận bão Mặt Trời tiếp theo sẽ xảy ra vào lúc nào? Pete Riley, một nhà khoa học vật lý Mặt Trời cấp cao của NASA và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho rằng có 12% khả năng bão Mặt Trời sẽ xảy ra trong thập kỷ tới. Những người hiện đang ở độ tuổi 20 sẽ có 50% cơ hội trải nghiệm một siêu bão Mặt Trời nếu họ sống tới 90 tuổi.