Từ trường mặt trời được dự kiến sẽ xoay ngược 180 độ trong vòng từ 3 đến 4 tháng nữa. Sự kiện đặc biệt này chỉ xảy ra một lần trong mỗi 11 năm, và là tín hiệu báo động rằng đã đến giai đoạn đỉnh điểm của hoạt động mặt trời, gọi là “cực điểm mặt trời”.
Trong giai đoạn này, các luồng năng lượng từ ngôi sao trung tâm của chúng ta sẽ liên tục được tống ra khỏi bề mặt, quất thẳng những cơn bão chứa đầy điện tích và các tia cực tím vào không gian xung quanh. Khi ập đến trái đất, bão mặt trời có thể làm gián đoạn tín hiệu vô tuyến, còn các vết lóa có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ trên hành tinh xanh.
|
Từ trường mặt trời sẽ sớm đảo cực trong vài tháng tới - Ảnh: NASA |
“Có vẻ như chúng ta chỉ còn không đầy 3 đến 4 tháng trước sự đảo cực hoàn toàn của từ trường mặt trời”, trang tin NASA Science dẫn lời tiến sĩ Todd Hoeksema của Đại học Stanford. “Sự thay đổi này sẽ tạo ra ảnh hưởng xuyên suốt hệ mặt trời”, chuyên gia này nhận xét. Khác với trường địa từ, từ trường mặt trời cứ đảo cực mỗi 11 năm một lần, xảy ra vào lúc hoạt động lên đến đỉnh điểm. “Cực điểm mặt trời” trước đó là vào năm 2000 và NASA ban đầu dự đoán rằng kỳ kế tiếp có thể lọt vào giai đoạn giữa năm 2011 và 2012. Các nhà vật lý còn cảnh báo rằng “cực điểm mặt trời” lần này có thể là sự kiện mạnh nhất từng được quan sát từ trước đến nay.
Các nhà khoa học thuộc Đài quan sát mặt trời Wilcox tại Đại học Stanford đã nghiên cứu từ trường mặt trời từ năm 1976, trong thời gian đó họ đã 3 lần chứng kiến tình trạng đảo cực. Trước đó hơn 100 năm, một cơn bão mặt trời vào năm 1859, được gọi là "siêu bão mặt trời 1859", hay "sự kiện Carrington", đã tung vô số vết lóa mặt trời xuống khắp bề mặt trái đất. Nó mạnh đến nỗi người ở Roma (Ý) cũng có thể thấy được cực quang phương bắc. Các vết lóa mặt trời được tạo ra bởi những sự thay đổi trong hoạt động mặt trời cũng có thể phóng ra các tia X và bức xạ cực tím. Những tia này có thể ảnh hưởng đến tầng điện ly của trái đất, và làm gián đoạn các liên lạc vô tuyến đường dài.
Theo giải thích của tiến sĩ Phil Scherrer của Đại học Stanford, trong quá trình đảo cực, các cực của mặt trời mất dần sức mạnh và đột nhiên mọi thứ dừng lại trước khi các cực đổi chiều. Ảnh hưởng của hoạt động gia tăng trên bề mặt mặt trời trải dài qua hàng tỉ km, vượt qua ranh giới của sao Diêm Vương. Tuy nhiên, tiến sĩ Scherrer cam đoan rằng thế giới sẽ không chấm dứt vào ngày mai chỉ vì mặt trời nổi cơn thịnh nộ. Trong khi đó, các quan chức thuộc Bộ Tư lệnh không gian thuộc Không quân Mỹ tuyên bố mọi thứ đã sẵn sàng để đối phó “cực điểm mặt trời”.
Hiện thế giới đang lo ngại rằng các đợt bão mặt trời ập đến liên tiếp có thể “nướng chín” các mạch điện, dập tắt tín hiệu vô tuyến và biến các vệ tinh trị giá nhiều triệu USD trên quỹ đạo thành mớ sắt vụn.
Tuy nhiên, tướng David Buck, Giám đốc điều hành của Bộ Tư lệnh không gian tại căn cứ không quân Peterson, tuyên bố rằng các vệ tinh quân sự của nước này đủ sức chống chọi trước các cơn bão điện tích dữ dội từ mặt trời. Tướng Buck cho hay các nhóm điều khiển trên mặt đất đã được lên kế hoạch xử lý những tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, dù chuẩn bị đến đâu, đôi khi các vệ tinh cũng có thể bị hạ đo ván trong thời gian ngắn nếu năng lượng đột ngột tăng vọt khiến hệ thống phải khởi động lại.