Mẹo hay tránh nóng máy cho smartphone trong mùa hè

Google News

Nếu phải đi trên đường vào trời nóng gần 40 độ C như hiện nay, nên bỏ smartphone vào ba lô hay túi xách để tránh nóng cho smartphone.

Không hiếm khi chúng ta sờ vào chiếc smartphone và cảm thấy nóng giãy, đó có thể là lúc smartphone đã quá nhiệt, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, dẫn tới giảm tuổi thọ máy, thậm chí có nguy cơ cháy nổ.
 

Vì đâu smartphone quá nhiệt?
Việc sử dụng smartphone ở cường độ cao có thể khiến chiếc điện thoại nóng lên và rơi vào tình trạng quá nhiệt. Nếu chỉ lướt Facebook, lướt web hay nghe gọi nhắn tin, hiện tượng này sẽ không bao giờ xảy ra với smartphone, bởi đó là những hoạt động nhẹ nhàng đối với phần cứng của máy. Tuy nhiên, khi xem phim, và đặc biệt là chơi game cấu hình cao, máy sẽ sớm xảy ra hiện tượng nóng, do phải hoạt động ở cường độ cao, tiêu tốn nhiều năng lượng và sản sinh nhiệt, các hệ thống làm mát bị quá tải trong trường hợp này.
Ngoài ra, chạy quá nhiều ứng dụng cùng lúc cũng khiến smartphone phải hoạt động hết công suất và dẫn tới nóng máy.
Sạc pin cũng là lúc chiếc điện thoại trở nên nóng hơn nhiều. Kết hợp vừa sạc pin vừa chơi game là cách khiến smartphone dễ dàng rơi vào tình trạng quá nhiệt. Nhiều người sạc điện thoại và đặt máy ở trên giường, chăn gối, hay cạnh các nguồn sinh nhiệt cũng khiến smartphone quá nhiệt vì hệ thống làm mát bị "ủ ấm".
Sử dụng smartphone ngoài nắng, hay để smartphone vào túi quần và di chuyển dưới trời nắng nóng, cũng có thể khiến smartphone bị nóng lên do tác động của nhiệt độ bên ngoài.
Tác hại của smartphone quá nhiệt
Hệ thống pin chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nhiệt độ. Quá nhiệt sẽ khiến hệ thống pin giảm tuổi thọ. Với công nghệ pin lithium-ion hiện nay, nhiệt độ trên 30 độ C đã ảnh hưởng đến tuổi thọ của pin. Khi quá nhiệt, nhiệt độ của máy lớn hơn nhiều con số 30 độ C, khiến pin xuống tuổi thọ nhanh chóng, bị phồng rộp.
Hệ thống phần cứng cũng chịu tác động của nhiệt độ khi quá nhiệt và phần nào làm giảm tuổi thọ, khiến smartphone của bạn có thể mau hỏng hơn.
Hiện tượng nổ smartphone là có thể xảy ra, thực tế là nổ pin lithium-ion nếu pin ở trong tình trạng quá nhiệt liên tục. Với các pin "xịn", khả năng nổ là rất ít khi xảy ra, tuy nhiên trên thị trường không phải smartphone nào cũng được trang bị pin đạt tiêu chuẩn an toàn, vì vậy nếu gặp tình trạng quá nhiệt, có thể chiếc smartphone sẽ nổ, gây thương tích cho người dùng.
Sự khó chịu khi sử dụng là điều nhiều người thường gặp, cảm giác nóng ran bàn tay khi đang cầm máy chơi game cấu hình cao là không dễ chịu chút nào.
Tránh smartphone quá nhiệt
Mua smartphone đắt tiền là cách tương đối hữu ích nhưng tốn kém. Smartphone cao cấp có cấu hình mạnh mẽ hơn, khó có khả năng hoạt động quá tải hơn, qua đó chạy đa nhiệm tốt hơn và xử lý các ứng dụng đòi hỏi cấu hình cao nhẹ nhàng hơn. Ngoài ra, các smartphone cao cấp cũng được thiết kế phần cứng hiệu quả hơn, giúp máy tản nhiệt tốt hơn. Các phần cứng được lựa chọn đều là loại mới nhất, tiết kiệm năng lượng hơn, ít sinh nhiệt hơn.
Nếu dùng smartphone tầm trung hay smartphone phổ thông, đừng ép máy phải chạy những trò chơi cấu hình cao, khiến máy hoạt động quá sức. Nếu không, tránh chạy game cấu hình cao trong thời gian dài. Bớt sử dụng các ứng dụng cùng lúc, nên chăm chỉ tắt các ứng dụng để máy được giảm tải.
Không nên sạc 100% pin và không nên để pin cạn sạch, đó là cách bảo vệ pin. Sử dụng pin ở khoảng dung lượng từ 30-80% sẽ ít nóng máy nhất.
Ngoài ra, nếu phải đi trên đường vào trời nóng gần 40 độ C như hiện nay, nên bỏ smartphone vào ba lô hay túi xách để tránh bị nóng máy.
Theo Tô Tùng/Tiền Phong

Bình luận(0)