|
Chân dung kỹ sư Vinh Trần. |
Bén duyên khi 10 tuổi
Niềm đam mê hội họa của Vinh xuất phát từ ba mẹ mình. Anh cho biết lần đầu tiên nhìn thấy ba mẹ vẽ anh đã rất thích. Vào năm 10 tuổi, một lần anh phát hiệu phần mềm vẽ đơn giản của Windows, Paint, trên máy PC của cha, và bắt đầu mày mò vẽ trên máy vi tính.
Sau khi thành thạo Paint, Vinh bắt đầu chuyển sang các phần mềm đồ họa phức tạp hơn như Illustrator và Photoshop. Anh đã tự mình mày mò, những gì không thể tự mình giải quyết, Vinh lên mạng tìm kiếm, xem các hướng dẫn trên Youtube, hoặc vào các trang diễn đàn đồ họa để nhờ người giúp đỡ.
Khi tốt nghiệp THPT ở TPHCM, Vinh gần như đã thành thạo mọi thứ trên các phần mềm đồ họa chuyên nghiệp. Tuy vậy, Vinh tiếp tục tự nghiên cứu, tự vẽ. Cứ vậy, Vinh không nhớ mình đã vẽ được bao nhiêu bức tranh bằng đồ họa. Có một lần, anh vẽ cây đàn để tặng ba mình. Không ngờ đó lại là điều làm thay đổi cuộc đời anh.
Khi vẽ cây đàn xong, Vinh in ra và mang đến quán cà phê cho ba. Một người bạn của ba thấy bức tranh liền khuyên anh đi phỏng vấn ở một công ty đồ họa. Vinh đi thử và trúng tuyển, vào làm cho công ty với mức lương khởi điểm 3 triệu đồng. Sự nghiệp thiết kế của Vinh bắt đầu từ đó, khi anh vừa tròn 20 tuổi.
Kiếm được bao nhiêu tiền từ công việc, Vinh lại dùng hết để mua sách về tự học. Sau giờ làm, anh lại ngồi học cho đến khi mệt mới nghỉ. Nhờ siêng năng nâng cấp bản thân, công việc của Vinh thăng tiến rất nhanh. Đến năm 24 tuổi, anh đã được trả 1.400USD/tháng.
Tỏa sáng
Theo lời khuyên của mẹ, Vinh đi học ở RMIT. Sau giờ học ở lớp, Vinh về nhà mày mò thiết kế sản phẩm trên iPhone và đăng lên các cộng đồng thiết kế trên mạng như Behance, được nhiều công ty mời hợp tác, có ứng dụng được Apple chào đón trên trang chủ của App Store với số lượng tải về lên đến trăm ngàn.
Một thời gian sau, Vinh tự sáng lập công ty riêng để tạo ra những ứng dụng đơn giản liên quan đến tăng năng suất và hiệu quả công việc, sản phẩm được tải về vài trăm ngàn lần trên toàn thế giới ngay từ khi ra mắt.
Năm 27 tuổi, một công ty ở Mỹ về Việt Nam tuyển nhân sự, Vinh tham gia ứng tuyển và trúng vào vị trí Giám đốc Thiết kế, được công ty hứa hẹn đưa sang Mỹ làm 5-6 lần/năm. Tuy nhiên, sau đó công ty có những sự thay đổi về quản lý và cấu trúc. Chỉ còn 1 tháng sang Mỹ, Vinh được báo vai trò của anh sẽ không còn, nhưng công ty vẫn gửi vé máy bay và visa cho anh.
Với khát khao được làm việc ở môi trường thách thức hơn, Vinh quyết định sang Mỹ. May mắn, trong số 5 người bạn ở Mỹ Vinh gửi tin nhắn nhờ giúp đỡ, một người đã phản hồi và giới thiệu anh đến công ty mình đang làm việc. Sau buổi phỏng vấn kéo dài 7 giờ, công ty nhận anh vào làm với mức lương 6 con số bằng USD.
1 năm sau, công ty này được bình chọn trên tạp chí Forbes là trang web có thiết kế đẹp nhất của năm. Thành tựu này có sự đóng góp lớn của Vinh, anh được CEO cảm ơn và cho thêm cổ phần công ty. Lúc này, tên tuổi của Vinh đã được giới công nghệ ở Thung lũng Silicon biết đến. Các Big Tech như Google, Linkedin, Uber, Airbnb, Microsoft… đua nhau mời Vinh về làm việc, trong đó có Playstation mời anh về lãnh đạo team ở Nhật Bản và Mỹ để thiết kế cho máy PS5.
Tuy nhiên, Vinh vẫn ở lại công ty cũ vì biết ơn họ đã tạo cơ hội cho anh khi mới chân ướt chân ráo sang đất Mỹ. Phải 2 năm sau, khi được Google mời lần thứ 2, Vinh mới chọn làm việc cho gã khổng lồ này.
Khủng hoảng và tâm nguyện giúp người
Hiện nay Vinh Trần gần như đang ở trên đỉnh vinh quang, nhưng ít ai biết rằng anh đã phải vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng. Đầu tiên, đó là việc ba mẹ anh chia tay nhau khi anh vẫn còn bé, đã để lại hậu quả tâm lý không tốt đến anh. Vinh chia sẻ, lúc đó anh đã rất buồn chán và cảm thấy cuộc sống quá khó khăn. Cũng may, nhờ có đam mê hội họa nên anh đã lao đầu vào việc tập vẽ trên máy tính để giảm căng thẳng.
Khi đến Mỹ, khó khăn nhất Vinh đối mặt chính là thời gian bị cô lập vì đại dịch Covid 19. Cách ly quá lâu đã khiến Vinh bị trầm cảm nặng. Là người đam mê công việc và gần như “trốn” vào công việc để lãng quên những đau khổ trong cuộc sống, việc đột ngột không được làm việc trong thời gian dài đã khiến Vinh mất phương hướng.
Anh phải dùng thuốc để ổn định tâm lý, nhưng khi uống thuốc lại bị phản tác dụng, khiến anh mất cảm xúc, mất khả năng ứng xử và tác động xấu đến khả năng làm việc. Anh chợt nhận ra mình không thể làm việc được nữa nên đã xin nghỉ vì lý do sức khỏe. Thế nhưng, nghỉ việc càng khiến anh bị trầm cảm nặng hơn, đến mức có lúc đã nghĩ tới chuyện tự sát.
Chính trong thời gian này, Vinh quyết định sang làm việc cho Meta, công ty mẹ của Facebook, sau khi đã 7 lần từ chối lời mời của gã khổng lồ mạng xã hội. Vinh chia sẻ, chính khi bị cách ly, bị trầm cảm vì đại dịch đã khiến anh tin rằng hàn gắn và kết nối là điều mình cần. Trong khi đó, Meta là công ty lớn nhất thế giới về mạng xã hội, nơi hàn gắn hàng tỷ người trên thế giới.
Sau khi vượt qua được khủng hoảng bản thân, Vinh nung nấu ý tưởng cần làm điều gì đó để giúp những người bị trầm cảm giống anh. Từ đó, anh thành lập Murror, công ty phần mềm giải pháp hỗ trợ người trầm cảm, giúp người dùng khám phá không chỉ phần tối mà cả phần sáng của bản thân.
Vinh Trần không chỉ là tấm gương sáng trong lĩnh vực công nghệ, còn là người đã vượt qua những khó khăn và thành công. Hành trình sáng tạo và đầy đam mê của anh, là minh chứng sống cho việc mạnh dạn theo đuổi niềm đam mê và không ngừng học hỏi để vươn tới thành công.
Anh đã trở thành nguồn cảm hứng lớn cho thế hệ trẻ Việt Nam, là minh chứng rõ ràng cho việc không có giới hạn nào đối với những ai có ý chí và quyết tâm vươn lên. Vinh Trần đã viết nên câu chuyện thành công đầy cảm hứng, và sẽ tiếp tục viết tiếp những chương mới trong tương lai.
Thế giới thay đổi quá nhanh không sách vở nào có thể in cho kịp? Không có cách học nào nhớ lâu bằng chính thất bại và vượt qua khó khăn của chính bản thân mình.