Khám phá robot hình người Pepper đang gây sốt ở Nhật Bản

Google News

Chỉ sau 1 phút mở bán vào hôm 20/6, người Nhật đã đặt mua sạch 1.000 robot hình người Pepper có khả năng phản hồi cảm xúc của người đối diện.

Pepper 'Hạt tiêu' về cơ bản là một robot hình người, có khả năng nhận diện và đáp ứng với cảm xúc của chủ thể là con người mà robot tiếp xúc vừa chính thức được nhà mạng Softbank mở bán tại Nhật Bản ở mức giá 198.000 yên (tương đương 1.600 USD) và các doanh nghiệp thậm chí có thể thuê Pepper với chi phí 1.500 yên/giờ.
Đại diện SoftBank cho biết hãng này đặt mục tiêu bán 1.000 robot hình người Pepper mỗi tháng.
Được biết, đối tác của Softbank trong dự án sản xuất robot này là đại gia công nghệ Đài Loan Foxconn (Đài Loan) và nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu Trung Quốc Alibaba.
Kham pha robot hinh nguoi Pepper dang gay sot o Nhat Ban
Robot hình người Pepper đang gây sốt ở Nhật Bản.
Số vốn mà Foxconn và Alibaba rót vào dự án sản xuất robot Pepper được một số trang tin công nghệ có uy tín, trong đó có tờ PC World Mỹ, xác nhận ở mức 118 triệu USD, tương ứng 20% cổ phần tại bộ phận liên doanh.
Foxconn cũng là đơn vị chịu trách nhiệm gia công Pepper.
Được Softbank mô tả là robot đầu tiên trên thế giới có cảm xúc riêng, Pepper tuy không làm được việc nhà nhưng những chú robot này có thể nói chuyện, nhận biết cảm xúc con người, tự phát triển “cảm xúc” của chúng và truy xuất thông tin từ Internet như tin nhắn hoặc dự báo thời tiết.
Đại diện Softbank cũng cho biết Pepper sử dụng công nghệ cảm biến và trí thông minh nhân tạo dựa trên nền tảng đám mây để giao tiếp với con người.
Lấy dài nuôn ngắn
Chuyên gia về robot, giáo sư Noel Sharkey tại Đại học Sheffield nói với tờ BBC rằng chiến lược kinh doanh của SoftBank là "nguy hiểm".
Mặc dù giá bán Pepper là tương đối rẻ cho một sản phẩm robot tinh vi – công ty SoftBank thực sự bán sản phẩm này với giá dưới chi phí sản xuất - nhưng điều quan trọng ở đây chính là việc khách hàng cũng sẽ phải trả tiền phí dịch vụ hằng tháng lên đến 24.000 yên theo một bản hợp đồng có hiệu lực trong vòng 3 năm.
"SoftBank hy vọng có thể thu được tiền từ mảng ứng dụng dành cho Pepper, nhưng kế hoạch này có phần nguy hiểm vì khả năng có ai đó sẽ phát triển được ứng dụng cho con robot này là hoàn toàn không rõ ràng," giáo sư Sharkey nhận định.
Được biết, ngay khi Pepper được bán ra, sẽ có 100 ứng dụng sẵn sàng để người dùng có thể tải về và cài lên Pepper.
Quảng cáo quá mức
Mặc dù phía Softbank chưa công bố thời điểm sẽ bán Pepper ra các thị trường ngoài Nhật bản, nhưng giám đốc điều hành Softbank Masayoshi Son cho biết thời điểm thích hợp có lẽ là trong năm 2016.
Ông Masayoshi Son cũng cho biết các đối tác sẵn sàng chịu lỗ trong vòng 4 năm để kinh doanh Pepper, nhưng ông hy vọng rằng sản phẩm này sẽ đóng góp quan trọng vào doanh thu của SoftBank trong vòng 20-30 năm sắp tới.
Theo như mô tả của Softbank, "Hạt tiêu" Pepper có thể ghi nhớ lại khuôn mặt của những ai từng tiếp xúc qua và nhận diện các cảm xúc của người dùng.
"Pepper trông tuyệt vời, và tôi nghĩ rằng con robot này thể hiện tốt việc chuyển tải những hành động giống như con người, tuy nhiên cách thức mà Pepper phát hiện ra cảm xúc của con người có lẽ là lời quảng cáo quá mức," giáo sư Sharkey bày tỏ, "Tôi nghĩ rằng họ cũng phóng đại khả năng ngôn ngữ của Pepper. Các cuộc đàm thoại mà Pepper thực hiện hầu như chỉ là một chiều và Pepper đã đặt rất nhiều câu hỏi".
Cấu thành từ hơn 20 động cơ và các cánh tay sở hữu khớp nối linh hoạt cao, Pepper đang được chào bán như là một robot làm việc nhà, hỗ trợ người cao tuổi hoặc để sử dụng trong gia đình.
Dẫu thế, giáo sư Sharkey không tin rằng Pepper sẽ thực sự hữu ích cho người tiêu dùng.
"Có những lời quảng cáo rằng robot Pepper có thể đóng vai như một người trợ lý, tuy nhiên rõ ràng là con robot này không thể nhấc lên bất cứ vật gì, do đó Pepper thực sự là một trợ lý không đa dụng," giáo sư Sharkey nhận định.
Nhật Bản là quốc gia có số dân số già gia tăng, và chính phủ nước này đang quan tâm đến việc sử dụng công nghệ để giảm tải hệ thống chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, vẫn theo nhận định của giáo sư Sharkey thì việc sử dụng các robot trợ lý không phải lúc nào cũng tốt.
Theo PCWorld

Bình luận(0)