Thượng vàng hạ cám đều có
Trong các tiệm sửa chữa điện thoại, trung tâm kinh doanh điện tử và ở vỉa hè bày bán tràn lan các loại pin sạc dự phòng dùng cho điện thoại cùng những cái tên Reloader, Matrix, Amo, Pisen... với đầy đủ mẫu mã, chủng loại, giá cả cũng trên trời.
Tại cửa hàng bán linh kiện điện tử trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TPHCM, chị Thanh Mai, chủ hàng mang ra cho phóng viên xem khoảng 10 loại pin sạc dự phòng, dung lượng 2.400 - 12.000 miniampe (mAh), giá từ 250.000 đồng đến hơn 1 triệu. Có loại ghi trên bao bì 5.000mAp lại hướng dẫn dùng được cho máy tính, xuất xứ Trung Quốc.
Anh Nguyễn Văn Dũng, chủ một tiệm sửa chữa điện thoại trên đường Lê Đức Thọ, Gò Vấp thì giới thiệu hai loại pin sạc dự phòng, loại 150.000đ/cục lại có dung lượng lớn hơn cả loại pin sạc dự phòng giá 500.000đ/cục. Anh này giải thích: "Dung lượng ghi trên bao bì chỉ là "phù phép" cho sản phẩm, việc in lên đó bao nhiêu dung lượng mà chẳng được, ăn thua chất lượng sử dụng, hàng chính hãng hay là hàng chợ".
Cũng theo ghi nhận, pin sạc dự phòng còn được bán tràn lan tại một đoạn đường Lý Thường Kiệt, quận 11. Khách hàng chỉ bỏ ra từ 50.000 - 70.000đ là mua được cục sạc dự phòng dung lượng tới 5000mAp, mẫu mã khá đẹp cùng lời giới thiệu: "Sạc được tất cả các loại điện thoại vì có cổng cắm USB".
|
Loại pin sạc chỉ 6.000mAh được giới thiệu dùng được cả cho máy vi tính?! |
Rước họa cho thiết bị điện tử
Anh Trần Minh Thành, ngụ tại Cư xá 26, quận Gò Vấp, TPHCM cho chúng tôi xem chiếc iPhone 4 bị cháy bo mạch không thể phục hồi vì dùng pin sạc dự phòng và cho biết: "Cắm sạc dự phòng được khoảng 15 phút thì cục sạc nóng ran, dây mềm ra, thấy có mùi khét tôi vội rút nguồn. Tuy không gây nổ nhưng nguồn điện thoại không sáng nữa, mang đi sửa thì không có linh kiện thay và cũng không thể phục hồi lại điện thoại nên đành vứt bỏ".
PGS.TS Hoàng Đình Chiến, Khoa Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa TPHCM cho biết, hiểu đơn giản thì nguyên lý của pin sạc dự phòng đối với thiết bị điện tử hoạt động theo nguyên tắc bình thông nhau. Nhưng cần hiểu bản chất của sản phẩm dự phòng chỉ mang tính "chữa cháy" tức thời trong một khoảng thời gian ngắn, nên không thể có công suất tới hàng chục nghìn miniampe, tuyệt đối không dùng được cho máy tính, chỉ là độ phóng đại không chính xác của nơi sản xuất.
Khi sạc qua cổng USB, chất lượng thiết bị kém khiến cục pin nóng rất nhanh, có thể gây chập mạch, các phần tích điện bị nóng chảy, đường cách điện yếu, các linh kiện không được bảo hiểm nên không bền, không an toàn cho người sử dụng. Với loại sản phẩm giới thiệu hàng chính hãng thì cũng cần có kiểm định rõ các thông số trên sản phẩm được đưa ra.
|
Cục pin sạc dự phòng giá chỉ hơn 100.000đ, bao bì ghi tới 5.000mAh. |
Ông Lê Thái Phong, Trưởng phòng Kỹ thuật Smartphone, Bệnh viện Máy tính Care, TPHCM cho rằng, hiện thị trường sản phẩm pin sạc dự phòng trôi nổi, không rõ nguồn gốc rất nhiều. Pin loại này không phải là hàng bộ theo máy, các hãng điện thoại không sản xuất. Do đó, không có một đơn vị, trung tâm nào kiểm tra chất lượng xem sản phẩm có đủ dung lượng như trên bao bì hay không? Nguy cơ hay gặp phải khi sử dụng pin sạc dự phòng kém chất lượng là pin chưa đầy nhưng cục sạc đã nóng ran, hoặc cục sạc dự phòng nhanh hết pin.
Khi nguồn vào phải qua mạch sạc là bo mạch chính (mainboard), sau đó mới qua pin chính của thiết bị, nếu pin nóng gây hỏng mạch sạc có thể gây cháy nổ. Dòng điện thoại smartphone khi bị hư mainboard phải dò trong sơ đồ mạch của máy để tìm xem linh kiện nào bị cháy. Nhiều máy chữa không được vì không có sơ đồ mạch và không có linh kiện thay thế. Vì thế, có khi thiết bị điện tử hàng chục triệu đồng có thể bị hỏng bởi cục sạc vài trăm ngàn!
Hiện nay, dòng pin của các loại điện thoại smartphone đã có hệ thống được cho là bộ ổn áp điều hòa nguồn điện khi dung nạp vào máy. Do đó, nếu thường xuyên dùng loại pin sạc dự phòng kém chất lượng, không đủ công suất tải nguồn điện vào, sử dụng lâu ngày đều ảnh hưởng tới thiết bị điện tử và người sử dụng như chai pin chính, hư mạch sạc, chập cháy, nổ...
PGS.TS Hoàng Đình Chiến (trường Đại học Bách khoa TPHCM)