"Gặp nhà sản xuất smartphone Việt Nam đang chạy đua trở thành Apple mới" là một trong loạt bài tìm hiểu thị trường công nghệ toàn cầu Road Trip 2015 của Cnet, được đăng trên trang nhất của Cnet từ tối qua, 31/7. Trong lần làm việc này tại Việt Nam, tác giả Shara Tibken đã có chuyến tham quan một trong hai nhà máy của Bkav, nơi có gần 100 công nhân đang sản xuất chiếc điện thoại đầu tiên được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam.
Biên tập viên Cnet cho biết Bkav đã chi khoảng 20 triệu USD (hơn 400 tỷ đồng), với 200 kỹ sư và hơn 4 năm để phát triển chiếc smartphone cao cấp đầu tiên. Hãng này tự thiết kế tất cả mọi thứ từ bo mạch chủ tới phần mềm trên Bphone.Bkav đang thực hiện sứ mệnh "là một phần trong cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra tại Việt Nam", nơi các hãng nước ngoài chỉ tận dụng cơ hội nhân công giá rẻ để lắp ráp sản phẩm. "Đó là lý do tại sao Bkav khác biệt: Họ là doanh nghiệp trong nước có mục tiêu chế tạo smartphone cao cấp dành cho người trong nước. Dưới góc độ nào đó, Bkav đang làm theo cách tương tự như Xiaomi – hãng smartphone Trung Quốc đã xây dựng uy tín toàn cầu từ chính thị trường nội địa trước tiên".
|
Một góc trong nhà máy sản xuất điện thoại Bphone của Bkav. Ảnh: Cnet.
|
Điểm thu hút khách hàng của Bphone chính là nó được sản xuất tại Việt Nam.
"Chúng tôi muốn thế giới biết rằng Việt Nam có thể sản xuất những sản phẩm cao cấp tương tự Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc", ông Bạch Thành Lê, Phó Chủ tịch của Bkav, cho biết.
"Tại sao một số người nghĩ rằng Bphone không thực sự là một điện thoại Việt? Vì rất khó để tin rằng Việt Nam có thể thiết kế và sản xuất một smartphone hàng đầu thế giới", CEO Nguyễn Tử Quảng chia sẻ với biên tập viên Cnet.
Mặc dù vậy, theo Cnet, khó khăn của Bkav là không nhỏ khi chứng "cuồng" Apple, Samsung ở Việt Nam hiện hữu ở khắp mọi nơi.
Bkav đã bán được 11.822 chiếc Bphone trong đợt mở bán đầu tiên. Nhưng tạo ra doanh số cao không phải là ưu tiên chính, lãnh đạo Bkav cho biết. Việc quan trọng là phải tạo ra ấn tượng tốt cho người tiêu dùng. Bkav cung cấp cho khách hàng một chính sách hoàn trả thiết bị trong vòng hai tuần nhằm cho họ một khoảng thời gian trải nghiệm sản phẩm. Đây là một chính sách hiếm thấy tại Việt Nam.
"Bạn thấy đấy, như những gì Samsung và Apple đã làm, thị trường toàn cầu là mục tiêu của chúng tôi", ông Lê cho biết. Nhưng "nếu làm không tốt với thị trường trong nước, chúng tôi không thể đạt được những yêu cầu cơ bản để tiếp tục phát triển. Vì vậy, trong tương lai gần, chúng tôi phải thuyết phục người dân Việt Nam tin tưởng vào Bphone".
Cnet đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng về smartphone khi đã tiêu thụ hơn 24 triệu chiếc, với dân số hơn 94 triệu người. Thị trường smartphone tại Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh trong những năm sắp tới, đây sẽ là cơ hội tốt cho Bkav và những gì Bkav đang làm là trong cuộc "chạy đua" để trở thành Apple của Việt Nam.