Điện thoại BPhone có làm nên chuyện nhờ nhạc chuông?

Google News

Hiếm có điện thoại nào được bàn ra tán vào như điện thoại thông minh BPhone trong mấy ngày gần đây, đặc biệt là nhạc chuông. 

Chiếc smartphone của BKAV đã đạt được hiệu ứng truyền thông nhờ nhiều yếu tố "không thể tin nổi", cả ở mặt tích cực lẫn tiêu cực. "Nhạc chuông độc quyền" là một trong những yếu tố đó.
Nhạc chuông làm nên thương hiệu
Có lẽ BPhone là chiếc điện thoại đầu tiên được quảng bá là có "nhạc chuông độc quyền". Từ Nokia cho tới Apple, từ Sony Ericsson cho tới Samsung, chưa có một hãng nào quảng cáo về nhạc chuông của họ khi ra mắt điện thoại. Những gì các hãng quảng cáo luôn là về kiểu dáng, kích cỡ, hay thời lượng pin tối đa, tính năng chụp ảnh bằng camera trước,...
Dien thoai BPhone co lam nen chuyen nho nhac chuong?
 Nhạc chuông độc quyền của BPhone: “Áo cà sa không làm nên thầy tu”.
Tuy vậy, một điều không thể phủ nhận là đã có những bản nhạc chuông ngắn gọn, dễ nhớ, trở thành biểu tượng cho cả một thương hiệu điện thoại. Ví dụ điển hình nhất là bản nhạc chuông của hãng Nokia. Bắt nguồn từ một bản nhạc đầu thế kỷ XX có tên là "Grande Valse" và được sáng tác bởi nghệ sĩ guitar Francisco Tarrega, nhạc chuông Nokia chính thức được cài đặt vào điện thoại từ năm 1993. Trải qua nhiều thay đổi với nhiều dòng điện thoại, đến năm 1999, cái tên "Grande Valse" biến mất, bản nhạc được cắt gọn còn 3 giây và đổi tên thành "Nokia tune"; cái tên này được đăng ký với Cục Thương hiệu và Bằng sáng chế Mỹ một năm sau đó. Với âm thanh midi trầm bổng và kết thúc bằng một nốt cao, "Nokia tune" nhanh chóng được rất nhiều người ưa chuộng; cùng với sự tiện lợi về hình thức và chất lượng của Nokia thời bấy giờ, bản nhạc chuông nhanh chóng phổ biến toàn thế giới.
Theo thời gian, các "ông lớn" công nghệ quyết tâm đưa nhạc chuông của họ trở nên phổ biến như Nokia nhưng đều không thành công. Đến năm 2007, Apple tung ra iPhone, chiếc điện thoại thông minh mang tính cách mạng đối với toàn thế giới. Cùng với đó là 25 bản nhạc chuông được tích hợp vào trong máy. Chiếc điện thoại tạo nên một cơn sốt trên toàn thế giới, và cùng với đó là một loạt những âm thanh mới bắt tai hơn cho nhạc chuông điện thoại.
Là một người cẩn thận tới từng chi tiết, Steve Jobs đã mời tiến sĩ Gerhard Lengeling về để tạo nên những bản nhạc chuông cho iPhone đời đầu. Chất liệu chính để làm nên những âm thanh đó là đàn marimba, kalimba, xylophone,… - các nhạc cụ bộ gõ tạo ra âm thanh từ các thanh gỗ; một trong số những bản nhạc chuông thậm chí cũng có tên là “Marimba”. Với giai điệu ngắn gọn, bản nhạc chuông của iPhone cũng đã trở thành biểu tượng khi được đưa vào rất nhiều clip nhạc, bộ phim,… đưa thương hiệu iPhone lên cao và tạo nên thành công cho Apple.
Bên cạnh Nokia, Apple, các hãng điện thoại như Sony Ericsson, Samsung, LG,… cũng liên tục phát triển và tích hợp vào sản phẩm của mình những bản nhạc chuông độc đáo, “đóng đinh” người sử dụng trong từng cuộc gọi, tin nhắn đến hay mỗi sáng thức dậy.
Thương hiệu không tới từ nhạc chuông
Sáng ngày 26/5 vừa rồi, trong hơn một tiếng giới thiệu BPhone, BKAV đã đưa ra rất nhiều tính năng “không thể tin nổi”, và trong đó có những bản nhạc chuông độc quyền – kết quả của sự hợp tác giữa công ty BKAV và nhạc sĩ Huy Tuấn.
Trong ba bản nhạc chuông này, có một bản nhạc chuông được Nguyễn Tử Quảng khẳng định ngay trên sân khấu là “rất Việt Nam” và nhận được sự khen ngợi từ những khán giả ở phía dưới. Nhưng bản nhạc chuông ngay sau đó đã bị những người sành nhạc “soi” và phát hiện là có nhiều điểm giống với đoạn guitar mở đầu bài “Your Love Is A lie” của Simple Plan. Bản nhạc chuông này rất nhanh chóng trở thành một trong những lý do để nhiều người dìm hàng BPhone.
Nghi án “đạo nhạc” chỉ là một lý do nhỏ để tăng phần khó khăn cho BPhone đến tay nhiều khách hàng trên toàn quốc, từ đó việc coi "nhạc chuông độc quyền" là một nét nổi bật của chiếc điện thoại khiến cho luồng dư luận vốn đã thiếu thiện cảm với Bkav có lí do chê bai về BPhone. Thực sự việc khoe nhạc chuông chỉ là một tiện ích nhỏ chứ không nói lên được nhiều về BPhone, và cộng thêm yếu tố dư luận trong nước vốn khó tính và chưa có đủ thiện cảm đối với thương hiệu BKAV, viêc quảng bá "nhạc chuông độc quyền" có thể lại là bước đi mạo hiểm về truyền thông.
Chiếc điện thoại giờ đã đạt được hiệu ứng từ dư luận, đúng như những gì mà “cha đẻ” của nó mong muốn. Nhưng những bài học về việc quảng bá sản phẩm sẽ cần được nhìn nhận và rút kinh nghiệm nếu như trong thời gian tới, BKAV có còn cho ra mắt BPhone 1, 2 hay những sản phẩm công nghệ khác phục vụ người dân Việt.
Theo HỮU ĐỨC/Lao Động

Bình luận(0)