Ngày 13/10, tờ Daily Mail của Anh đăng tải bài viết: "Độc quyền: Scandal của Samsung đến từ nhà máy Việt Nam, nơi Galaxy Note 7 'nổ' pin và được lắp ráp bởi những công nhân lương 33 bảng mỗi tuần trước khi điện thoại bị khai tử".
Trong bài viết này, Daily Mail khẳng định Samsung SDI (một công ty con của Samsung) đang sản xuất và đóng gói pin cho Galaxy Note 7 tại nhà máy Samsung Bắc Ninh.
|
Loạt ảnh về bên ngoài nhà máy Samsung tại Bắc Ninh đăng tải trên Daily Mail. |
Daily Mail khẳng định có 50.000 công nhân tại nhà máy làm việc 12 tiếng mỗi ngày. Một số cho biết bị giảm 70% khối lượng công việc sau sự cố Note 7 và được yêu cầu không tiết lộ tình hình sản xuất hay kế hoạch nhà máy.
Ngoài ra, trang báo của Anh còn chụp hàng loạt ảnh bên ngoài nhà máy Samsung tại Bắc Ninh cho thấy xung quanh nơi lắp ráp pin cho Galaxy Note 7 có nhiều trâu bò đang gặm cỏ, hàng quán ven đường và dòng cống đầy rác ngay phía trước một cửa hàng điện thoại có treo biển Samsung.
Nói với Zing.vn, đại diện truyền thông của Samsung tại Việt Nam cho rằng công ty luôn đảm bảo tuân thủ pháp luật và các quy định của Việt Nam về môi trường lao động, sản xuất.
Thực tế Samsung đã tổ chức nhiều chuyến tham quan, thực địa bên trong nhà máy để các phóng viên có thể quan sát và hiểu những tiêu chuẩn cao của Samsung về môi trường lao động và đời sống công nhân.
Đại diện của Samsung cũng khẳng định sự cố Note 7 không ảnh hưởng lớn đến đời sống công nhân và xuất khẩu. Ngoài Galaxy Note 7, Samsung còn sản xuất rất nhiều dòng sản phẩm khác. Doanh thu xuất khẩu dự kiến của năm 2016 có điều chỉnh sau sự cố thu hồi, nhưng vẫn được dự báo tăng so với 2015.
Trả lời cho câu hỏi "Samsung có sản xuất pin cho Galaxy Note 7 tại nhà máy ở Bắc Ninh như Daily Mail đưa tin hay không", vị đại diện này cho biết Samsung Vina không có bình luận gì về các công ty con trong tập đoàn hoặc các đối tác, nhà cung ứng.
Trước những cảnh bị cho là "nhếch nhác" trên báo Anh, Samsung Việt Nam không bình luận gì về những vấn đề bên ngoài khuôn viên nhà máy.
Trái với những gì trang Daily Mail của Anh miêu tả về nhà máy Samsung Bắc Ninh, các hãng thông tấn lớn như Reuters, Bloomberg nói về nhà máy tại Thái Nguyên như một "phép màu", biến vùng đồng quê buồn tẻ thành khu vực mang dáng dấp đô thị. Nhiều việc làm, dịch vụ và khu dân cư mọc lên quanh nhà máy.
|
Công nhân nhà máy của Samsung tại Việt Nam trong giờ tan ca. Ảnh: SSEV. |
Reuters phỏng vấn 13 công nhân đang làm việc ở nhà máy đặt ở Phổ Yên, Thái Nguyên, tất cả đều lạc quan rằng mọi chuyện sẽ trôi qua. Họ tin rằng Samsung sẽ trả đủ tiền và đảm bảo phúc lợi cho mình bất chấp sự cố Note 7.
Mỗi tháng, công nhân ở đây nhận được 180 USD (khoảng 4 triệu đồng) và có thể lên 300 USD (khoảng 6,6 triệu đồng) nếu họ làm ngoài giờ và tính thêm các phụ cấp.
Nói với Zing.vn, Samsung cho biết hãng sẽ có sự sắp xếp, điều chỉnh, phân công lại công việc sau sự cố Note 7, nhưng không cắt giảm số người lao động ở các nhà máy tại Việt Nam.