Điểm mặt PK có bác sĩ TQ bị sờ gáy gần đây

Google News

(Kiến Thức) - Những phòng khám có sử dụng bác sĩ Trung Quốc này hầu hết đều bị cơ quan chức năng phạt, thậm chí đình chỉ hoạt động vì hàng loạt sai phạm trong khám chữa bệnh.
 

Mới đây xảy ra vụ thai phụ hôn mê sâu sau khi được bác sĩ Trung Quốc khám và điều trị tại Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội. Liên tiếp sau đó Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra, thu hồi giấy phép và yêu cầu tạm dừng hoạt động nhiều phòng khám có bác sĩ Trung Quốc khác.
Trong bài viết này Kiến Thức sẽ điểm lại những phòng khám bị cơ quan chức năng sờ gáy, đóng cửa hoặc thu hồi giấy phép vì nhiều sai phạm trong thời gian qua.
Phòng khám Đa khoa Thái Hà bị đình chỉ hoạt động vì nhiều sai phạm
Diem mat PK co bac si Trung Quoc bi so gay gan day
 Phòng khám Đa khoa Thái Hà. Ảnh: Ghép nhiều nguồn.
Phòng khám Đa khoa Thái Hà là một trong những phòng khám sử dụng bác sĩ Trung Quốc hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Mới đây do mắc phải nhiều sai phạm nghiêm trọng, Sở Y tế Hà Nội đã quyết định đình chỉ hoạt động và phạt Phòng khám Đa khoa Thái Hà 91 triệu đồng.
Cụ thể, phòng khám Đa khoa 11 Thái Hà đăng ký 12 bác sĩ để đảm bảo hoạt động cho 4 chuyên khoa cơ bản đối với 1 phòng khám đa khoa, nhưng ngoài 2 bác sĩ người Trung Quốc xin nghỉ phép thì phòng khám này thiếu 7 bác sĩ tại thời điểm kiểm tra.
Bác sĩ Trung Quốc Vương Sùng Anh làm việc tại đây đã hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép. Bác sĩ này đã thực hiện siêu âm sản phụ khoa trong khi chứng chỉ cấp phép là khám sản phụ khoa.
Về phía phòng khám cũng không đủ điều kiện nhân lực để hoạt động khám chữa bệnh. Phòng khám không lập sổ khám theo dõi của phòng khám theo quy định.
Cùng thời điểm với Phòng khám Đa khoa Thái Hà bị phạt thì Phòng khám Đa khoa nhân ái có bác sĩ Trung Quốc cũng bị đình chỉ.
Đình chỉ Phòng khám Đa khoa Nhân Ái
Theo đó và ngày 16/3 Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động phòng khám đa khoa Nhân Ái địa chỉ số 709, đường Giải Phóng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội do phát hiện hàng loạt sai phạm khi tiến hành kiểm tra đột xuất tại đây.
Thực hiện khám chữa bệnh ngoài danh mục, thuốc không đúng niêm yết và nhiều vi phạm khác là nguyên nhân Phòng khám Đa khoa Nhân Ái bị tạm đình chỉ hoạt động.
Đặc biệt, trong giấy phép đăng ký hoạt động, phòng khám có 3 bác sĩ quốc tịch Trung Quốc, trong đó hai người về nước nhưng chưa rút giấy phép. Bác sĩ Trung Quốc còn lại không có mặt tại phòng khám.
Thu hồi giấp phép Phòng khám Đa khoa 168 có bác sĩ Trung Quốc
Diem mat PK co bac si Trung Quoc bi so gay gan day-Hinh-2
 Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội. Ảnh: NLĐ
Sau khi xảy ra sự việc khiến thai phụ mang thai 20 tuần hôn mê sâu chết não và tử vong do bác sĩ Trung Quốc khám và chữa bệnh tại Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã quyết định thu hồi giấy phép hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh của phòng khám này.
Được biết, phòng khám đa khoa 168 Hà Nội được Sở Y tế Hà Nội cấp phép hoạt động số 716/SYT-GPHD ngày 07/02/2013, cấp lại lần thứ 2 ngày 11/01/2016 (do thay đổi người phụ trách chuyên môn kỹ thuật). Sau sự việc xảy thai phụ hôn mê sâu tại phòng khám xảy ra ngày 5/3/2017, đến nay, Công ty TNHH Duy Thịnh và phòng khám không liên lạc được với bác sỹ Trung Quốc Trịnh Túc Vinh, người trực tiếp khám, điều trị cho thai phụ này.
Những vụ việc xử lý những phòng khám có bác sĩ Trung Quốc ở trên đều xảy ra vào năm 2017, tuy nhiên trong năm 2016 cũng có nhiều phòng khám khác bị phạt nặng.
Cụ thể vào tháng 7/2016 phòng khám An Khang cũng bị phạt hơn 100 triệu đồng.
Phạt Phòng khám An Khang thuê bác sĩ Trung Quốc trái phép
Diem mat PK co bac si Trung Quoc bi so gay gan day-Hinh-3
 Phòng khám An Khang. Ảnh: Kiến Thức.
Theo đó phòng khám này hoạt động từ năm 2015, có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh với người phụ trách chuyên môn là bác sĩ Nguyễn Xuân Hợp. Phòng khám có thuê thêm bác sĩ Viên Cát Lượng (quốc tịch Trung Quốc) để khám chuyên khoa ngoại.
Tuy nhiên, trong quá trình hành nghề, bác sĩ Lượng đã kê cả đơn thuốc y học cổ truyền cho bệnh nhân, điều này vượt quá phạm vi chuyên môn.
Ngoài ra, phòng khám này còn thu tiền cao hơn giá đã niêm yết; không đảm bảo điều kiện nhân lực trong quá trình hoạt động; sổ khám chữa bệnh ghi chép không đầy đủ theo quy định; quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh (dịch vụ đặc biệt) khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung.
Nga Quỳnh (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)