Đợt dịch lần thứ 4 xuất hiện từ ngày 27/4 đến nay, đã nâng tổng số ca mắc lên 3710 người. Điểm đáng chú ý của đợt dịch lần này là dịch bệnh diễn biến phức tạp với sự xuất hiện nhiều ổ dịch đồng thời cùng lúc ở nhiều địa phương khác nhau khiến công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn và cần phải khẩn trương, hiệu quả.
Nhận thấy mối nguy hiểm và nhằm hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm giữa bệnh nhân, người cách ly tập trung với nhân viên y tế và người phục vụ trong bệnh viện dã chiến hay khu cách ly, các giảng viên Trường Đại học Sao Đỏ đã nghiên cứu, chế tạo thành công robot chuyên thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm.
|
Robot vận chuyển nhu yếu phẩm phòng chống dịch COVID-19 được nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sao Đỏ bàn giao cho Trung tâm y tế TP. Chí Linh. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Được biết, nhóm nghiên cứu do Phó Hiệu trưởng Trường đại học Sao Ðỏ, TS Ðỗ Văn Ðỉnh sau hơn 30 giờ làm việc miệt mài đã lên ý tưởng, chế tạo, vận hành, chạy thử thành công robot vận chuyển đầu tiên với giá thành khoảng gần 30 triệu đồng/robot.
Kết quả sau chế tạo cho thấy robot hoạt động rất hiệu quả, di chuyển linh hoạt, chỉ cần nâng cấp một vài chi tiết là hoàn thiện.
Để robot hoạt động hiệu quả, nhóm nghiên cứu đã trang bị 2 động cơ công suất lớn 250W, chạy nguồn điện một chiều 12V (có thể chạy 4 ngày liên tục mới phải nạp thêm).
Đặc biệt robot còn được sử dụng bộ điều khiển từ xa công nghiệp trong khoảng cách từ 150m-200m, robot có thể rẽ trái, rẽ phải và quay góc 360° tạo sự linh hoạt. Tốc độ di chuyển đã được nhóm tác giả nghiên cứu phù hợp với mọi địa hình.
Di chuyển trên hệ thống bánh xích, cao 1,5m, robot vận chuyển nhu yếu phẩm được thiết kế theo kết cấu có 3 tầng giá đựng, khung được chế tạo bằng thép, bánh xe mô phỏng hình dáng của xe tăng tạo sự vững chắc khi di chuyển và giảm thiểu độ sóc đảm bảo đưa các nhu yếu phẩm và hàng hóa không bị rơi, đổ vỡ.
Với mỗi lượt làm việc, robot có thể vận chuyển được trọng lượng lên tới hàng trăm kg nhu yếu phẩm như: quần áo, nước sát khuẩn và các vật dụng y tế phục vụ trong bệnh viện hoặc có thể vận chuyển trên 60 suất cơm cho các bệnh nhân.
Trên thân robot được trang bị đèn báo, bộ tín hiệu bằng âm thanh giúp các bệnh nhân nhận biết khi robot vận chuyển nhu yếu phẩm, đồ ăn khi đến nơi.
|
Robot hoạt động rất hiệu quả, di chuyển linh hoạt, có thể vận chuyển được trọng lượng lên tới hàng trăm kg nhu yếu phẩm. |
Tại những chốt kiểm dịch, robot có thể nhận nhu yếu phẩm và được điều khiển bằng tay di chuyển vào trong các khu vực cách ly của bệnh viện dã chiến.
Chia sẻ về động lực chế tạo ra robot, TS Đỗ Văn Đỉnh cho biết, kể từ đợt dịch thứ 3 bùng phát tại Chí Linh, Đại học Sao Đỏ cử 15 cán bộ, giảng viên tham gia hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu làm công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và phục vụ người trong Bệnh viện Dã chiến số 1, các khu cách ly tập trung.
Nhận thấy việc tiếp xúc thường xuyên với F1 có thể làm gia tăng khả năng lây nhiễm chéo, nhóm cán bộ, giảng viên này đã đề xuất lên Ban Giám hiệu nhà trường nghiên cứu, chế tạo một robot chuyên thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm.
Việc sử dụng robot sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc gần giữa người với người trong khu cách ly tập trung hoặc trong các bệnh viện dã chiến. Điều này sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2
Theo đại diện nhà trường, đây là thành công quan trọng, khẳng định trình độ nghiên cứu, sáng tạo, nhanh nhạy và kịp thời của nhà trường cùng chung tay với nhân dân và chính quyền TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh.
Sau khi chế tạo thành công, Trường đại học Sao Ðỏ bàn giao robot cho Bệnh viện dã chiến số 1 (Trung tâm Y tế Chí Linh), ngay lập tức nhận được phản hồi tích cực từ bệnh viện. Ban Giám hiệu trường tiếp tục chỉ đạo nhóm tác giả chế tạo thêm hai robot cải tiến hơn, có thể vận chuyển được trọng lượng 250kg nhu yếu phẩm
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị định 84/NQ-Cp ngày 29/5/2020 của Chính phủ