Tổng vốn đầu tư cho dự án Bphone của BKAV là bao nhiêu? Vốn đầu tư đến từ đâu? BKAV có gặp khó khăn gì trong việc huy động vốn khi không phải là công ty đại chúng, niêm yết hay không? BKAV xác định bao lâu thì thu hồi vốn?
Bkav đã chi hơn 20 triệu USD để sản xuất chiếc điện thoại này. Đội ngũ nhân sự tham gia lên đến hơn 200 kĩ sư thiết kế, lập trình phần mềm. Chi phí nào bao gồm cả việc đào tạo nhân sự, bởi nền giáo dục của Việt Nam còn hạn chế. Do đó, BKAV phải tự đào tạo đội ngũ kĩ sư từ khi họ còn đang ngồi trên ghế nhà trường theo chương trình riêng của BKAV.
Các nguồn vốn đều đến từ Bkav Pro (một sản phẩm phần mềm diệt virus của BKAV). Đây là nguồn doanh thu chính để đầu tư cho các dự án của BKAV. Hiện Bkav Pro đang có hàng triệu người dùng cá nhân, với giá bán là hơn 300.000 đồng/bản.
BKAV cũng không có những dự án nhận tài trợ, hay nguồn tiền từ chính phủ. BKAV hoàn toàn kinh doanh dựa trên các sản phẩm của mình.
Trước đây có rất nhiều nhà đầu tư tìm đến, trong đó có cả những quỹ đầu tư mạo hiểm như IDG… Nhưng BKAV đã từ chối, do muốn tự chủ trong việc ra quyết định, để tập trung sản xuất được sản phẩm như mình mong muốn.
Việc xác định thời điểm thu hồi vốn nằm trong tầm nhìn dài hạn của BKAV. Trong ngắn hạn, BKAV chưa đặt mục tiêu này mà vẫn tiếp tục đầu tư công nghệ.
|
Đại diện BKAV trả lời các câu hỏi của báo chí.
|
Tại sao BKAV lại mất tới 5 năm để cho ra đời chiếc điện thoại thông minh Bphone? Mất bao lâu để ra mắt phiên bản tiếp theo?
BKAV bắt đầu tham gia vào thị trường smartphone từ tháng 9/2010, có nghĩa là sản phẩm đầu tiên của BKAV mất 5 năm để phát triển. Để có được phiên bản thương mại như hiện nay, BKAV đã phải mất rất nhiều thời gian để xây dựng đội ngũ nhân sự, làm chủ công nghệ.
Sau khi BKAV đã làm chủ được nguồn lực, chỉ cần 6 tháng để phát triển sản phẩm. Khi chiếc Bphone đầu tiên ra mắt, BKAV đã có kế hoạch cho trước Bphone thứ 2, trang bị công nghệ cao cấp gấp nhiều lần.
Hy vọng thời điểm này năm sau, BKAV sẽ giới thiệu sản phẩm mới.
Công suất của nhà máy sản xuất Bphone hiện nay là bao nhiêu? BKAV có ý định mở rộng quy mô sản xuất?
Hiện tại, nếu nhà máy có thể vận hành được toàn bộ nhân lực, hết công suất thì mỗi ngày sẽ sản xuất được khoảng 800 chiếc điện thoại, một tháng là 24.000 sản phẩm.
Tuy nhiên, điện thoại Bphone vẫn còn là sản phẩm mới trên thị trường. Vì vậy, hiện giờ nhà máy vẫn chưa sản xuất hết công suất. Ngoài ra, nhà máy của BKAV còn sản xuất một số sản phẩm khác nữa.
Bkav có thể sẵn sàng đẩy mạnh sản lượng, nhưng còn phụ thuộc vào thị trường. Nếu đẩy mạnh sản lượng trong khi thị trường vẫn chưa được như kì vọng sẽ xảy ra tồn kho sản phẩm, rất nguy hiểm.
Về mặt quy trình, Bkav đã sẵn sàng, các khâu sản xuất đã được chuẩn hóa, vì vậy việc mở rộng tăng sản lượng Bphone không phải "vấn đề". Vấn đề là cần có sự ủng hộ của thị trường.
Nhà máy cơ khí của Bkav xây dựng trước đây chủ yếu sản xuất để kiểm tra nội bộ. Tuy nhiên, khi thương mại hóa, Bkav đã triển khai mở rộng nhà máy để tăng sản lượng lên mức là trên 20.000 sản phẩm/tháng.
Hiện BKAV đã được cấp 23.000 m2 đất tại Hòa Lạc và đang xây dựng nhà máy ở đây. Nếu thị trường có nhu cầu lớn hơn, BKAV sẽ tăng sản lượng, các quy trình sản xuất đã đạt chuẩn, chỉ đào tạo thêm nhân lực, nhập thêm máy móc. Thời gian này chỉ mất 3-4 tháng.
Tại sao BKAV gặp khó khăn trong việc giao hàng ở đợt bán đầu tiên với 12.000 máy?
Dù đã được thử nghiệm 5 năm, khi đưa ra sản xuất đại trà sẽ có nhiều trường hợp phát sinh, không lường trước được. Ở quy mô nhỏ sẽ khác. Lô đầu đưa ra đã có nhiều phát sinh. Ví dụ như kính chưa phải saphie, khi đưa vào sản xuất đại trà mới phát hiện, chất lượng ảnh bị sụp giảm, ánh sáng đi qua kính không phảỉ saphie làm suy giảm chất lượng hình ảnh. Lô hàng đó phải thay lại, BKAV đã xin lỗi khách hàng.
Phát hiện ra vấn đề, Bkav lập tức phải dừng sản xuất lô hàng, thu hồi sản phẩm, điều chỉnh kĩ thuật. Kính saphie lại không có sẵn tại Việt nam, vì vậy cần có thời gian đặt hàng. Chưa kể thủ tục thông quan của Việt Nam khá phức tạp, khiến chậm tiến độ. Có thời điểm, người của BKAV đã phải bay sang xách tay linh kiện từ nước ngoài về trước.
Sau lô hàng đầu tiên, sự phản hồi của thị trường với Bphone như thế nào theo góc độ của nhà sản xuất? Và với lô hàng thứ 2 như thế nào?
Phản hồi của khách hàng với lô hàng đầu tiên của BKAV rất bất ngờ. Nhìn về mặt bằng chung, thị trường Việt Nam khá khắt khe, với chính sản phẩm của người Việt. BKAV cho rằng đây là vấn đề khách quan, cần phải vượt qua.
Phản hồi của thị trường về 12.000 máy giao đợt đầu cũng rất vui mừng. Có những khách hàng chưa cầm trên tay sản phẩm nhưng vì thương hiệu BKAV họ đặt mua sản phẩm.
Đợt bán hàng lần 2 cũng thu được rất nhiều đơn đặt hàng, vượt qua kỳ vọng của BKAV. Như vậy là sau khi có những thông tin tốt, chưa tốt cũng có, khách hàng vẫn ủng hộ BKAV.
Sau sản phẩm Bphone, tương lai BKAV có đặt mục tiêu nào khác không?
Khi BKAV xác định sản xuất Bphone, công ty đặt mục tiêu trở thành một tập đoàn công nghệ toàn cầu. Một tập đoàn công nghệ toàn cầu thì phải có những sản phẩm tương xứng, trong đó điện thoại thông minh là một sản phẩm tinh xảo nhất, là đỉnh cao về công nghệ điện tử, phần mềm hệ điều hành.
Hiện tại BKAV có rất nhiều sản phẩm như phần mềm diệt vi rút, giải pháp cho doanh nghiệp, thương mại điện tử... Từ năm 2013 đến giờ, Bkav đã sản xuất trên dưới 60 loại các thiết bị điện tử khác nhau, trên dưới 80 thiết bị điện tử thông minh như máy sấy tay siêu tốc, đèn tự động, hệ thống nhà thông minh hoàn chỉnh,...
Đầu năm 2015, BKAV đã đem sản phẩm Bphone cùng với hệ thống thiết bị nhà thông minh giới thiệu ở triển lãm CES của Mỹ. Sau đó BKAV cũng đã giới thiệu 1 số sản phẩm điện tử có kết nối WIFI, sẵn sàng cho kỷ nguyên Internet of Thing. Như vậy, Bkav đã có 1 hệ thống các sản phẩm như bảng điều kiện, ổ cắm thông minh, điện thoại thông minh...
Hệ sinh thái BKAV cung cấp cho chiếc điện thoại rất đa dạng, ngay cả các ứng dụng nhỏ nhất. Bphone là chiếc điện thoại đầy đủ nhất trên thế giới. Ví dụ, chiếc điện thoại này có thể chống lại spam trong khi người dùng Việt thường xuyên bị tin nhắn spam. Nếu BKAV thành công với sản phẩm Bphone, thì việc sản xuất máy tính bảng hay laptop thì sẽ đơn giản hơn rất nhiều lần. Và tất cả các thiết bị điện tử ấy đều nằm trong lộ trình của BKAV.
Tỷ lệ nội địa hóa trong chiếc điện thoại Bphone là bao nhiêu?
Tỷ lệ nội địa hóa của Bkav là 70%, 30% nhập khẩu bên ngoài là những linh kiện như con chip, bộ nhớ, RAM màn hình. Các nhà sản xuất điện thoại lớn hàng đầu thế giới cũng đều nhập khẩu linh kiện từ các nhà sản xuất phụ trợ khác. Không ai có thể tự sản xuất hoàn chỉnh một chiếc điện thoại cả.
Hiện có hai cách tính tỷ lệ nội địa hóa. Cách thứ nhất: Công ty gia công tại Việt Nam, lấy giá trị xuất khẩu đi trừ giá trị nhập khẩu, ra giá trị nội địa hóa.
Cách thứ hai: Giá bán ra thị trường - nguyên vật liệu nhập khẩu = Tỷ lệ nội địa hóa.
Các công ty nước ngoài sản xuất tại Việt Nam, vẫn được tính sản xuất tại Việt Nam. Sản phẩm BKAV đáng tự hào như vậy, tuy nhiên lại bị cho rằng là sản phẩm Trung Quốc.
Khi tung ra Bphone, định hướng của BKAV là sẽ chiếm bao trong thị phần smartphone?
Trước tiên BKAV xác định ra những sản phẩm, dịch vụ phục vụ thị trường. Thời gian đầu, Bkav nhắm tới tổng thể phải tốt, từ đó mới chiếm lĩnh dần thị phần.
Mục tiêu tham vọng của BKAV là đưa ra thị trường Mỹ. Sau khi sản phẩm của Bkav giới thiệu tại CES, thế giới đã có cách nhìn nhận khác về sản phẩm do Việt Nam chế tạo.
Trong thời gian tới, BKAV sẽ phối hợp với Qualcomm để thông qua kênh phân phối của nhà mạng Mỹ, Ấn Độ, đem sản phẩm Bphone tới các thị trường này.