Team building hay du lịch công ty được xem là hoạt động gắn kết không thể thiếu của nhiều doanh nghiệp, giúp xây dựng văn hóa và góp phần củng cố tinh thần tập thể.
Theo thời gian, các chương trình team building dần được "thay áo” với những điểm đến hấp dẫn, chú trọng vào các trải nghiệm mới nhằm thu hút nhóm nhân sự trẻ tuổi.
Giá vé máy bay tăng cao khiến các doanh nghiệp chuyển hướng lựa chọn tổ chức team building ở các điểm đến quốc tế. Ảnh minh họa: Lê Minh/Pexels.
Trao đổi với Tri Thức - ZNews, một số công ty cung cấp dịch vụ du lịch, lữ hành và các đơn vị tổ chức team building cho biết khách hàng của họ đang có nhiều sự thay đổi trong cách lựa chọn hình thức tổ chức nghỉ dưỡng cho công ty.
Đáng chú ý, các điểm đến quốc tế đang là lựa chọn được nhiều doanh nghiệp quan tâm, cân nhắc.
Điểm đến quốc tế
Anh Huỳnh Công Mạnh (32 tuổi), giám đốc bán hàng tại công ty tổ chức sự kiện có chi nhánh ở TP.HCM và Hà Nội, cho biết kể từ sau dịch Covid-19, các điểm đến quốc tế dành được nhiều sự quan tâm của khách hàng khi đề cập đến vấn đề tổ chức team building.
Tuy nhiên, do những bất ổn kinh tế trong năm 2022-2023, nhiều doanh nghiệp không thể thực hiện kỳ nghỉ như kỳ vọng đặt ra.
Đến năm 2024, đơn vị của anh Công Mạnh nhận thấy xu hướng tổ chức team building nước ngoài đang có dấu hiệu quay trở lại.
Số lượng khách hàng đặt cọc tour quốc tế cao hơn 60% so với cao điểm năm ngoái. Trong khi đó, cũng theo thống kê của đơn vị này, lượng khách chọn đi Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng những nơi từng là điểm nóng tổ chức team building cũng chỉ còn đạt 50% so với cùng kỳ năm 2023.
"Các điểm đến mới được các doanh nghiệp quan tâm là Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc”, anh Mạnh nói thêm.
Theo anh Mạnh, giá vé máy bay nội địa tăng cao là một trong những lý do góp phần thúc đẩy sự bùng nổ của các điểm đến nước ngoài.
Trong đó, vé máy bay khứ hồi đến Malaysia dao động 2,2-2,8 triệu đồng/người, thấp hơn nhiều chặng bay khác trong nước. Vé máy bay khứ hồi đến Thái Lan khoảng 3-3,5 triệu đồng/người. Còn với các điểm đến Trung Quốc, các khách hàng của anh Mạnh có thể lựa chọn hình thức nhập cảnh bằng đường bộ, thông qua các cửa khẩu. Điều này giúp giảm đáng kể chi phí di chuyển khi số lượng người tham gia đông.
“Tổ chức team building trong nước hiện nay có khi còn đắt đỏ hơn việc tổ chức ở nước ngoài. Điều này đến từ việc người tham gia có yêu cầu cao hơn về địa điểm đến, nơi nghỉ dưỡng và các hoạt động vui chơi. Các hoạt động ngoài bãi biển trong thời điểm nắng nóng như hiện tại không được khuyến khích, đồng thời phản tác dụng mà team building mang lại", anh Mạnh khẳng định.
Theo anh Mạnh, với các điểm đến như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, các doanh nghiệp cần chi trả trung bình 6-8 triệu đồng/người. Gói dịch vụ công ty anh cung cấp đã bao gồm vận chuyển hành khách, khách sạn 3-4 sao, các bữa ăn trong ngày và một buổi tiệc gala thân mật.
“Nhiều doanh nghiệp liên hệ chúng tôi để khảo giá, sau đó họ cần lấy thêm ý kiến nhân viên về việc đóng thêm tiền cho chuyến đi. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, đa phần các nhân sự đều đồng ý. Họ chỉ cần đóng thêm 2-3 triệu đồng đã có một chuyến đi nước ngoài, đó là điều hoàn toàn đáng cân nhắc", anh nói thêm.
Du lịch bằng đường bộ
Theo ông Phạm Văn Bẩy, Phó Giám đốc công ty du lịch Vietravel chi nhánh Hà Nội, khách đoàn doanh nghiệp năm nay ưu tiên các tuyến điểm di chuyển bằng đường bộ.
Các công ty phía Bắc có xu hướng lựa chọn những điểm du lịch như Sầm Sơn (Thanh Hoá), Cát Bà (Hải Phòng), Hạ Long (Quảng Ninh), Cửa Lò (Nghệ An),...
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng tổ chức team building ở Đà Nẵng hay Huế và chọn hình thức di chuyển bằng tàu hoả. Các điểm du lịch biển vẫn là lựa chọn hấp dẫn đối với các công ty. Còn với những doanh nghiệp đông nhân sự, hình thức du lịch nghỉ dưỡng lại được ưa chuộng.
Đồng tình, Phú Đỗ (31 tuổi), quản lý công ty du lịch lữ hành có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), nhận định xu hướng team building năm nay gắn liền với những địa điểm di chuyển bằng đường bộ. Giá vé máy bay tăng cao là lý do chính.
Các doanh nghiệp tại Hà Nội thường chọn các điểm đến như Hạ Long, Quan Lạn, Cô Tô (Quảng Ninh) hay Cát Bà (Hải Phòng). Tương tự, các công ty có trụ sở tại TP.HCM lại ưu tiên các địa điểm gần như Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phan Thiết (Bình Thuận) hoặc Đà Lạt (Lâm Đồng).
Với những điểm du lịch này, chi phí di chuyển của mỗi nhân sự chỉ bằng khoảng 1/10 việc đi lại bằng máy bay trong thời điểm hiện tại.
“Khách hàng của tôi cho biết tình trạng kinh doanh năm nay không khả quan do sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Họ buộc phải cắt giảm ngân sách dành cho team building, không thể đưa nhân sự đi chơi xa trong thời điểm này”, Phú chia sẻ với Tri thức - ZNews.
Hơn nữa, những chuyến du lịch ngắn ngày cũng giảm thiểu số lượng ngày nghỉ của toàn bộ nhân sự công ty, tránh ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Một số đơn vị cho biết nhiều nhân viên thường xuyên xin nghỉ thêm sau những hành trình dài.
Đối với những doanh nghiệp mong muốn tổ chức team building tại nước ngoài, Phú Đỗ khuyên khách hàng miền Bắc đưa người lao động đi Trung Quốc. Các tour Châu Hồng Hà hay Vân Nam được du khách Việt đặc biệt ưa chuộng do dễ dàng di chuyển bằng đường bộ, tiết kiệm chi phí đi lại.
Theo Phú Đỗ, ngân sách trung bình của các công ty dành cho team building năm nay là khoảng 3-5 triệu đồng/người.
Những khó khăn
Tưởng rằng xu hướng team building gần sẽ giảm áp lực cho đơn vị tổ chức, song doanh nghiệp du lịch của Phú Đỗ lại gặp thách thức khác. Cụ thể, vì không thể đi xa, nhân sự đòi hỏi cao về địa điểm lưu trú.
Đơn vị của Phú phải làm việc kỹ với bộ phận hành chính nhân sự các công ty nhằm chọn ra nơi ở lý tưởng cho người lao động. Resort cao cấp, khách sạn 4 sao trở lên là yêu cầu của đại bộ phận nhân sự.
“Không thể đi xa khám phá vùng đất mới, họ coi đây là kỳ nghỉ dưỡng, vì vậy đặc biệt quan tâm đến chất lượng nơi nghỉ ngơi, chỗ ăn uống”, quản lý công ty du lịch lữ hành chia sẻ.
Tuy nhiên, việc đặt phòng khách sạn cao cấp cho số lượng lớn người lao động cần được thực hiện sớm do các đơn vị lưu trú này thường xuyên hết phòng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tìm đến công ty Phú Đỗ muộn, chỉ liên hệ sát ngày du lịch, gây khó khăn cho công ty của anh.
Bên cạnh chất lượng của địa điểm lưu trú, chương trình vui chơi cũng được nhân sự quan tâm hơn. Các điểm du lịch gần vốn quen thuộc, đòi hỏi agenda (lịch trình) thú vị để hấp dẫn người lao động tham gia.
Công ty của Phú Đỗ thậm chí phải thực hiện khảo sát đối với người lao động của một số công ty nhằm đem đến kế hoạch vui chơi, nghỉ dưỡng phù hợp nhất.
Nhiều khách hàng chưa có kinh nghiệm khi đi du lịch nước ngoài cũng gây khó khăn cho các công ty tổ chức. Ảnh minh họa: Markus Winkler/Pexels.
Trong khi đó, đại diện Vietravel công nhận các doanh nghiệp đang lựa chọn tổ chức du lịch nước ngoài nhiều hơn, do vé máy quốc tế đang ngang ngửa, thậm chí rẻ hơn quốc nội.
"Những vấn đề như visa, ngoại ngữ, quy đổi tiền tệ là trở ngại đối với nhiều đơn vị khiến họ chần chừ", ông Bẩy nói thêm.
Ngoài ra, anh Công Mạnh cho biết việc tổ chức team building với số lượng lớn ở các địa điểm ở nước ngoài cũng có nhiều rủi ro, khó khăn về việc vận hành, quản lý. Điều này đòi hỏi các công ty cần có đội ngũ hậu cần nhiều kinh nghiệm, đảm bảo công tác điều hành và tổ chức được trọn vẹn.
Theo anh Mạnh, các chương trình du lịch team building cũng cần được xây dựng khác so với các tour du lịch truyền thống, nhằm đảm bảo được tính gắn kết của những người tham gia, đó là tiêu chí hàng đầu của chuyến đi.
“Phát sinh các sự cố ở nước ngoài là điều không ai muốn. Chúng tôi tổ chức giới hạn cho những công ty dưới 100 nhân sự để dễ quản lý, sắp xếp phương tiện đi lại và nơi nghỉ dưỡng. Ngoài ra, việc một số người chưa có kinh nghiệm du lịch nước ngoài cũng khiến việc vận hành khó khăn hơn. Chúng tôi phải rà soát rất kỹ từ hộ chiếu, bảo hiểm...", anh nói.