Một năm sóng gió của mạng xã hội và các gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Google. Nhiều dự đoán cho rằng, năm 2019 có thể đánh dấu mốc sự lụi tàn dần của mạng xã hội lớn nhất thế giới như Facebook và bắt đầu từ Đông Nam Á. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng không ít ý kiến cho rằng, các mạng xã hội sẽ vẫn "sống khỏe" do quy mô của nó là quá lớn để bị "diệt vong".
|
Facebook liệu đã bắt đầu thời kỳ suy tàn tại Đông Nam Á? (Ảnh: The Verge). |
Theo South China Morning Post, tại Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á với dân số 265 triệu người, Facebook đang phải đối mặt với sự suy giảm ngoài dự kiến.
Vấn đề thực sự được cho là do Facebook quá nhàm chán. South China Morning Post cũng nêu ví dụ cho dự đoán này là những gã khổng lồ của thập kỉ trước như MySpace, Bebo hay Friendster đã tàn lụi trong "nghĩa địa kỹ thuật số". Và đặt câu hỏi liệu đây có phải là thời điểm khởi đầu cho cái chết của Facebook?
Thế nhưng, South China Morning Post cũng cho biết, giới trẻ của Indonesia thay vì dùng Facebook họ chuyển sang Instagram, WhatsApp (sản phẩm khác của Facebook) và Twitter...
Vậy có thể hiểu, trên nền tảng dữ liệu mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook thu thập được, họ tiếp tục lôi kéo khách hàng sử dụng các sản phẩm khác của mình. Hay nói cách khác Facebook vẫn thu thập thông tin người dùng, sử dụng cho mục đích kinh doanh và đương nhiên họ vẫn "sống khỏe" dù có thể không đứng dưới tên Facebook...
Facebook và Google hiện vẫn tiếp tục dẫn đầu trên lĩnh vực quảng cáo trực tuyến tại Đông Nam Á, trong đó Indonesia là thị trường lớn nhất. Việt Nam và Myanmar đang phát triển nhưng vẫn chưa có tên trên bản đồ.
Năm 2018 là một năm khó khăn cho các mạng xã hội. Các vụ bê bối xuất hiện khắp nơi, từ việc khai thác và chia sẻ dữ liệu không đáng tin cậy trên Facebook đến việc xóa hàng loạt tài khoản bot trên Twitter. Điều này chỉ ra cho người dùng thấy một bối cảnh truyền thông xã hội mang tính tập thể và giả tạo hơn khả năng chân thực đáng tin.
Các mạng xã hội cũng phải đối mặt với các quy định chặt chẽ hơn từ các nhà lập pháp. Mở đầu là Quy định bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh châu Âu (GDPR) có hiệu lực vào ngày 25/5/2018, hiện là một loạt các quốc gia và khu vực trên thế giới đang cân nhắc các quy định nhằm quản lý chặt chẽ hơn việc thu thập và sử dụng thông tin người dùng của các hãng công nghệ.
Mạng xã hội không chỉ đối mặt với sự suy giảm lòng tin của người dùng mà còn cả sự thất vọng, chán nản của nhân viên ngay trong công ty mình. Vụ biểu tình tập thể trên quy toàn thế giới của nhân viên Google hồi đầu tháng 11 vừa qua là minh chứng rõ ràng.
Những nhân viên của Google chia sẻ, khi gia nhập Google họ nghĩ rằng công ty đại diện cho lý tưởng và nhiều thứ hơn là doanh thu quảng cáo, thế nhưng sự thật là "mọi công ty đều làm tất cả vì lợi nhuận".
Giống như mọi vấn đề khác đều có tính hai mặt. Mạng xã hội mang lại nhiều tiện ích cho con người nhưng cũng là liều "thuốc độc" cho cuộc sống cá nhân của mỗi người, với loạt tác động tiêu cực như trầm cảm, lo lắng, ảo tưởng không thực tế, khó ngủ, hội chứng sợ bị bỏ rơi hay vấn nạn bắt nạt qua mạng xã hội...
Việc sử dụng mạng xã hội là xu hướng không thể cưỡng lại, cho nên để sử dụng đúng cách, người dùng cần có kiến thức, kỹ năng, nhất là đối với thế hệ kỹ thuật số (hay còn gọi là thế hệ Z). Đồng thời, cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ trẻ em.
Sắp tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành Bộ quy tắc ứng xử cho nhà cung cấp dịch vụ và sử dụng mạng xã hội, hướng tới môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam.
Theo đó, việc sử dụng mạng lành mạnh phải tôn trọng các giá trị đạo đức, giá trị văn hoá, giá trị tinh thần, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; suy xét cẩn trọng đối với các tương tác trên mạng xã hội; không đăng tải những thông tin xấu, độc…/.