Những người chạy theo trào lưu này mô tả quá trình chín của buồng chuối xanh trong tiếng Trung Quốc là "ting zhi jiao lu, nghe tương tự như “ngưng lo lắng” trong tiếng Anh.
Xu hướng này trở nên phổ biến trên Xiaohongshu, một ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc.
Những buồng chuối "chữa lành" thường được mua khi còn xanh và vẫn còn cuống, để có thể cắm trong các bình nước chờ chín với mong muốn xua tan căng thẳng, mệt mỏi.
|
Những buồng chuối "chữa lành" thường được mua khi còn xanh để cắm nước chờ chín. Ảnh: Xiaohongshu |
Sau khoảng một tuần thì có thể ăn được. Quá trình chờ chuối chín được coi là một thú vui giúp giải tỏa căng thẳng trong công việc.
“Từ màu xanh tươi tốt đến màu vàng vàng, mọi khoảnh khắc đều tràn ngập hy vọng và bất ngờ vô tận. Hãy để mọi lo lắng và rắc rối tiêu tan", một nữ nhân viên chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc chia sẻ những quả chuối chín cũng giúp cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp ở nơi làm việc.
“Những quả chuối chín trên bàn sẽ giúp mọi cuộc chuyện trò trở nên tự nhiên hơn”, một người dùng bình luận.
Một số người còn viết tên đồng nghiệp của mình lên vỏ chuối để tránh sự tranh giành.
Chỉ tính riêng nền tảng thương mại điện tử Taobao đã có hàng trăm cửa hàng bán chuối, trong đó cửa hàng bán chạy nhất gần đây đã bán hơn 20.000 nải chuối.
Một số người cho rằng trào lưu cắm chuối này bắt đầu như một chiêu trò tiếp thị của những người nông dân trồng chuối nhằm đối phó tình trạng doanh số bán hàng sụt giảm.
“Năm nay hình như chuối bán không chạy? Tôi đã thấy loại chuối này được quảng cáo nhiều lần và mua trên mạng đắt hơn mua ngoài chợ”, một người trên Xiaohongshu cho biết.
Ngoài trồng chuối, một số nhân viên văn phòng trẻ còn trồng dứa trong bình.
“Nơi làm việc của tôi giống như một khu rừng nhiệt đới,” một nhân viên văn phòng, khoảng 30 tuổi, dự định cắm thêm loại trái cây trên bàn làm việc, cho biết.
“Việc tùy chỉnh nơi làm việc theo sở thích cá nhân cho phép người trẻ tạo cảm giác thân thuộc và an toàn trong không gian nhỏ bé của riêng mình, giúp họ cảm thấy hạnh phúc hơn khi làm việc,” nhà tâm lý học Yu Guangrui nói với thời báo Thanh niên Thượng Hải.
Với thời gian làm việc trung bình một tuần vượt quá 49 giờ ở Trung Quốc, những người lao động trẻ thường tìm cách giảm bớt căng thẳng.
Tháng trước, xu hướng “hiệu ứng công viên 20 phút” cũng lan truyền trên Xiaohongshu, khi các nhân viên văn phòng phát hiện ra rằng ngay cả một chuyến đi dạo ngắn ngủi đến công viên trong thành phố cũng có thể nâng cao sức khỏe và tăng cảm giác hạnh phúc của họ.
Năm ngoái, giới trẻ Trung Quốc coi việc ôm cây như một cách giảm căng thẳng.
Liệu pháp chữa lành kỳ lạ này đã lan rộng trên khắp Trung Quốc sau khi xuất hiện lần đầu ở thành phố ven biển miền trung Thượng Hải.
Theo Shanghai TV, những người ủng hộ trào lưu ôm cây nói rằng họ chỉ cần chọn một cái cây họ thích trong công viên hoặc đường phố để tổ chức các buổi ôm tập thể, có thể kéo dài từ vài phút đến hàng giờ.
Một số người cho biết họ thích ôm cây vì điều này giúp giảm lo âu, căng thẳng. "Rõ ràng là tôi ôm cây, nhưng tôi cảm giác như cái cây đang ôm lại tôi," một người chia sẻ.