Trải lòng của một bác sĩ về vấn nạn “phong bì” gây sốt mạng

Google News

Một bác sĩ đã viết ra những trải lòng về nghề nghiệp cũng như vấn nạn phong bì nhức nhối bao lâu nay trong ngành y tế ở Việt Nam.

Câu chuyện được bắt đầu khi bác sĩ N.M.H trong lúc dừng đèn đỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội đã vô tình nghe được cuộc đối thoại của hai cô gái về việc đưa phong bì cho bác sĩ khi người nhà nằm viện. Nó có thể là một chuyện bình thường với bao người khác nhưng với tư cách một bác sĩ, đó lại là vấn đề đáng suy ngẫm.
Câu chuyện vấn nạn phong bì này đã ngay lập tức nhận được sự chú ý của cộng đồng mạng. Chưa đầy một ngày sau khi những dòng tâm sự được đăng lên, hơn 1.700 người đã chia sẻ bài viết và gần 500 ý kiến bình luận được đưa ra.
Bác sĩ N.M.H công tác tại một bệnh viện ở Hà Nội và đã có 10 năm kinh nghiệm trong nghề. (Ảnh: FBNV) 
Vị bác sĩ này khẳng định rằng, cả xã hội cần tiền và tất nhiên không thể loại trừ nghề y: "Điều đầu tiên tôi phải khẳng định. Đúng! Chúng tôi làm việc tất nhiên vì tiền. Sẽ chẳng có người bán hàng nào vì tôi là bác sĩ mà không lấy tiền bỉm tiền sữa của con tôi. Cũng chẳng có một siêu thị nào sử dụng thẻ hành nghề bác sĩ của tôi thay cho việc trả tiền bằng thẻ ngân hàng".
"Mọi thứ trong cuộc sống của tôi, cũng giống như các bạn, đều được thanh toán bằng tiền. Thế nên tiền đối với tôi thực sự quan trọng. Chỉ khác nhau một điều là các bạn kiếm tiền từ việc kinh doanh mỹ phẩm, quần áo, đồ ăn… còn tôi đang sử dụng chất xám của mình để kinh doanh, và bạn biết đấy bất cứ ai kinh doanh cũng đều mong thu về lợi nhuận".
Bác sĩ N.M.H băn khoăn không biết có phải mọi người đang mất dần niềm tin vào đội ngũ nhân viên y tế hiện nay: "Nói như vậy, không có nghĩa tôi đồng tình với việc kiếm tiền bằng mọi cách, kiếm tiền một cách bất nhân trên chính đồng loại của mình...
Chuyện về những bác sĩ vì đồng tiền mà chèn ép người nhà bệnh nhân, chuyện về những em bé chết sau tiêm vacxin, thiếu nữ gãy xương phải cưa đôi chân của mình, chuyện về những hành vi ứng xử thiếu nhân văn trong bệnh viện nơi mà những con người cần nhất là sự sẻ chia và tình thương. Phải chăng chính những câu chuyện đó làm bạn mất niềm tin vào chúng tôi?".
Vậy do đâu nảy sinh ra vấn nạn đưa phong bì cho bác sĩ, phải chăng nhiều người đang nhầm lần giữa việc cảm ơn và hối lộ? Lâu nay, xã hội chúng ta vẫn luôn có những cuộc tranh luận rằng bác sĩ thực sự đưa yêu sách phong bì với bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân đang làm "hư" bác sĩ.
"Hàng ngày ở bệnh viện tôi chứng kiến bao nhiêu cảnh sinh ly tử biệt, chúng tôi hiểu mạng sống và sức khỏe trân quý thế nào, cho nên tôi và những đồng nghiệp bên cạnh tôi luôn nỗ lực mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe mọi người. Có lẽ nhiều bạn sẽ nghĩ cứ vào bệnh viện là bệnh nhân phải đút tiền. Vậy thì các bạn cũng nhầm".
"Tôi đã làm việc ở đây hơn 10 năm. Thứ tôi ám ảnh nhất không phải máu không phải vết thương của người đang nằm trên cáng, mà là những giọt nước mắt của người nhà bệnh nhân, khóc vì thương người thân, khóc vì bất lực sẽ lấy đâu ra tiền làm phẫu thuật".
"Tôi có tính cẩn thận cho nên trước mỗi ca mổ tôi luôn gặp người nhà bệnh nhân để thông báo rõ ràng về tình trạng của bệnh nhân. Nhưng khi nhận được điện thoại họ lại luôn tìm cách trốn tránh vì nghĩ rằng bác sĩ gọi vào để bắt đưa tiền. Tôi đã từng phải giải thích hàng ngàn lần với người nhà bệnh nhân rằng họ sẽ không cần đưa cho tôi một đồng tiền nào mà tôi vẫn đảm bảo làm hết sức cứu chữa cho người thân của họ".
"Và tôi biết rất nhiều bác sĩ trong bệnh viện của tôi cũng tận tình như thế. Nhưng tư tưởng đó của người dân hình thành do đâu là họ đang nhầm lẫn giữa cảm ơn và hối lộ. Họ nghe người này người kia nói phải đưa tiền rồi quy chụp cái việc đó do bác sĩ đưa ra".
Theo bác sĩ N.M.H, công an, bác sĩ là nghề "làm dâu trăm họ, làm tốt thì không sao chả ai nhớ tới vì mọi người cho rằng đấy là trách nhiệm của chúng tôi, làm sai sót một chút thì “tiếng thơm” gắn với muôn đời". Tuy nhiên nghề nào cũng có người tốt, kẻ xấu.
Y tế là một lĩnh vực làm việc đầy áp lực, từ lúc ngồi trên ghế nhà trường, đến hàng trăm giờ thực hành trước khi được tốt nghiệp. Một ngày làm việc của bác sĩ có thể kéo dài hơn 8 tiếng, nhiều hôm phải trực đêm, đang ngủ cũng phải lao đến bệnh viện vì cấp cứu. Công việc vất vả như vậy không phải ai cũng có thể thấu hiểu và chia sẻ được.
"Tôi viết ra những dòng này không phải để biện bạch cho bản thân không phải để giải thích với các bạn. Mà tôi viết ra chỉ để các bạn hiểu rõ hơn về chúng tôi, hãy đồng cảm chia sẻ và bớt khắt khe với chúng tôi hơn. Sự tin tưởng của các bạn chính là động lực để chúng tôi phấn đấu mỗi ngày". Đó là một lời tâm sự nhỏ nhoi và cũng là lời kết cho bức "tâm thư" của vị bác sĩ trải qua 10 năm làm việc trong nghề.
Mời quý độc giả xem video Bác sỹ vừa hút thuốc vừa khám cho bệnh nhân (nguồn Youtube):
Theo VnTinnhanh

Bình luận(0)