Quá tải đơn hàng, tủ lạnh luôn trong tình trạng "đói" đồ
Kể từ ngày 23/8, TP.HCM đã áp dụng mô hình “đi chợ hộ” bằng nhiều hình thức như đặt hàng qua số điện thoại của tổ hỗ trợ, siêu thị hay thông qua các ứng dụng trực tuyến... Theo thống kê của Sở Công Thương, không còn đơn hàng tồn đọng trong ngày 2/9 nhờ sự năng nổ của các “shipper” địa phương.
Tuy nhiên, nhiều khu vực, hộ gia đình lại gặp một số vấn đề về chất lượng thực phẩm. Bạn B.N sống trong khu vực "vùng xanh" cho biết, tổ trưởng khu phố là người sẽ "gom" đơn đi chợ hộ theo từng combo.
Ngày đầu tiên có rất nhiều người đăng ký đặt mua vì cảm thấy khá tiện lợi. Thế nhưng có lẽ do quá tải, thời gian xử lý đơn hàng và vận chuyển lâu nên người dân phản ánh chất lượng thực phẩm theo combo không được như mong đợi: Thịt có mùi, rau củ bị dập khá nhiều. "Thật sự mình cũng không muốn kêu ca mùa dịch, nhưng với chất lượng như vậy gia đình cũng không dám đặt." - B.N bộc bạch.
Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ sống một mình lo sốt vó vì đồ dự trữ sắp cạn, rau củ quả cũng không còn. Bạn Nguyễn Hoàng Mai (Quận 8) cho biết: “Khu vực chỗ mình không thấy nghe thông báo hay hướng dẫn gì, gọi đến số của địa phương thì luôn báo bận. May là mình đã nhận một thùng đồ ăn dự trữ của họ hàng gửi đến trước khi bước vào giai đoạn thắt chặt giãn cách”.
Mặt khác, khi TP.HCM cho phép các shipper được hoạt động trở lại ở quận, huyện "vùng đỏ" là thành phố Thủ Đức, quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, vấn đề giao hàng cũng được giải quyết nhanh gọn hơn khi có thể linh hoạt giữa các hình thức, không bắt buộc phải thông qua đội ngũ “đi chợ hộ” của phường, xã.
Bạn Trần Phương Quỳnh (ĐH Ngoại Thương TP.HCM) cảm thấy may mắn khi mình được cư trú tại phường 7, quận Bình Thạnh: “Ở chỗ mình thì người dân được hỗ trợ rất nhiều, các khâu đặt hàng cũng được tổ chức bài bản. Khi nào cần mua gì thì mình sẽ truy cập ứng dụng hoặc vào các nhóm trên Zalo”. Mặc dù không ở cùng gia đình nhưng Phương Quỳnh không hề lo lắng khi đồ ăn, rau củ luôn "sẵn sàng" trước cửa sau 2 - 3 ngày đặt hàng.
Gen Z tình nguyện đi chợ hộ, chia sẻ bí kíp no bụng mùa dịch
Do nhu cầu đặt hàng tăng cao nên việc xử lý đơn hàng cũng có nhiều sai sót như bị thiếu hàng, đồ ăn không được tươi ngon, rau củ quả khi đến nơi đã không còn dùng được,…
Trước những phản ánh xung quanh vấn đề đặt hàng, bạn Quỳnh Anh (ĐH Hoa Sen TP.HCM), hiện đang là một tình nguyện viên trong đội ngũ đi chợ hộ cho biết: “Nhiều lúc số đơn hàng quá nhiều mà lực lượng đi chợ lại ít nên mỗi ngày tụi mình chỉ nhận 100 đơn thôi để tránh bị sai sót. Có những lúc bị giao thiếu thì là do hôm đó siêu thị không nhập hàng nên tụi mình cũng “bất lực”, đành phải hoàn trả lại tiền hoặc đổi thành món khác”.
Cũng là một “shipper” tình nguyện, bạn Đinh Ngọc Thư (ĐH Huflit TP.HCM) chia sẻ: “Ở khu vực của mình, dù đơn nhiều nhưng tụi mình vẫn cố gắng để tránh trường hợp hủy đơn của người dân trừ những trường hợp đặt quá nhiều lần. Đối với những đơn “rớt”, còn sót lại thì tụi mình sẽ giải quyết hết trong ngày Chủ Nhật luôn”.
Bạn Lý Ngọc Lan Phương (ĐH Văn Lang TP.HCM) cũng gặp phải tình huống éo le khi thời gian nhận hàng “đi chợ hộ” lên đến 2 tuần. Lan Phương chia sẻ: “Mình đã dự trù đến trường hợp đó nên mình không đặt quá nhiều. Trong thời gian chờ đợi thì mình đã liên hệ thêm những đơn vị kinh doanh khác trên group cư dân ở khu vực. Mình cũng thường xuyên cập nhật thông tin trên các trang web của quận 3 để tìm kiếm những “mối” đặt hàng khác”.
Bên cạnh hội nhóm trao đổi giữa người dân và đội hỗ trợ, vẫn có rất nhiều khu vực, địa phương linh hoạt xây dựng những trang mạng xã hội, ứng dụng để cập nhật thông tin. Đồng thời nhiều hình thức mới như đặt hàng qua app, combo siêu thị… cũng được triển khai để các teen dễ dàng đặt hàng.
Bạn Lý Lệ Quân cũng đưa ra một bí quyết đó chính là: Nên đặt hàng khi lượng đồ ăn chỉ còn đủ dùng cho 1 tuần. Phòng khi thời gian giao hàng quá lâu, các teen cũng nên đặt dự trữ mỳ tôm, đồ đóng hộp bên cạnh những thực phẩm tươi sống như thịt cá, rau củ quả. Lệ Quân cho biết: “Mình thường lên mạng để xem các công thức nấu ăn phiên bản tiết kiệm. Tận dụng những nguyên liệu có sẵn ở nhà như bột mì, cơm nguội để chế biến thành những món ăn hấp dẫn”.