Từ phân tích của Thạch Kim Tuấn
Cử tạ Việt Nam giành 3 suất dự Olympic Tokyo 2020. Đó là các đô cử Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền và Hoàng Thị Duyên. “Ngày đi thi giải vô địch châu Á về, ở trong khu cách ly, 3 anh chị em nói chuyện với nhau, ước rằng cả 3 đều được tham dự Thế vận hội. Lúc hay tin cả 3 chúng tôi đều được tham dự, tất cả đều vui lắm. Vậy rồi đáng tiếc Việt Nam bị tước đi một suất. Vương Thị Huyền phải ở nhà. Đó là một điều tiếc nuối của chúng tôi. Nhưng cũng vì thế mà tôi dặn lòng phải cố gắng cả phần của Huyền nữa”, đô cử Thạch Kim Tuấn chia sẻ.
|
Thạch Kim Tuấn đủ khả năng tranh chấp huy chương ở Olympic Tokyo 2020. |
Vào ngày 25/7 tới, Thạch Kim Tuấn sẽ bước vào thi đấu với nội dung 61kg dành cho nam. Trước ngày lên đường, anh mang đến sự lạc quan cho những người yêu quý thể thao nước nhà. “Trước mắt tôi thấy mình muốn có huy chương thì bắt buộc phải thắng được vận động viên người Nhật Bản. Giải vừa rồi thành tích của họ tổng cử cũng chỉ khoảng hơn 280kg (cử giật hơn 120kg, cử đẩy 160kg). Tôi nghĩ nếu mình cứ đạt được thành tích cá nhân tốt nhất là có thể giành được huy chương.
Ở Olympic này, tôi đánh giá 2 đối thủ nặng ký là Eko Irawan (Indonesia) và Li Fabin (Trung Quốc). Đó là 2 lực sĩ hàng đầu thế giới vào lúc này. Với cá nhân tôi, tôi nghĩ cứ cố gắng vượt qua chính mình, để trước mắt đạt được thành tích tốt nhất cho bản thân đã chứ không đặt nặng về những tấm huy chương. Mình đã cố gắng vượt qua nhiều khó khăn, và nếu giành được huy chương đem về cho Tổ quốc Việt Nam thì mình rất vui mừng. Nhưng bây giờ mình cứ thoải mái và cố gắng hết sức thôi, không suy nghĩ nhiều”.
Thạch Kim Tuấn cố gắng kiềm chế lại để sự kỳ vọng không trở thành gánh nặng trên những lần cử giật, cử đẩy vốn đã trên cả trăm ký mà anh gồng mình gánh lên. Những người yêu quý anh cũng không muốn Thạch Kim Tuấn vì quá áp lực mà không thể thực hiện thành tích vốn dĩ có thể làm được để mang về thêm một tấm huy chương cho Đoàn Thể thao Việt Nam nước nhà ở Olympic Tokyo 2020.
Nhưng tất cả tự ngầm hiểu với nhau rằng, với năng lực của Thạch Kim Tuấn, tấm huy chương thứ 3 của cử tạ Việt Nam ở Thế vận hội, sau huy chương Bạc của Hoàng Anh Tuấn tại Bắc Kinh 2008 và Trần Lê Quốc Toàn ở London 2012 là nằm trong tầm tay.
“Xương bên trong bị móp hết luôn rồi!”
Tất nhiên, tỷ lệ nghịch cho những vinh quang và danh hiệu là những nỗi đau mà Thạch Kim Tuấn hay nhiều vận động viên cử tạ khác phải trải qua. Suốt hơn 16 năm theo nghiệp gồng mình đẩy tạ, đô cử này đã phải hy sinh việc học, sức khoẻ và không biết bao nhiêu lần phải nén đau do chấn thương.
“Mấy cục xương này ở bên trong bị móp hết luôn rồi, bởi mình phải gánh tạ nặng nhiều. Đến hơn 200kg đè xuống nên xương móp hết cả”, Thạch Kim Tuấn chia sẻ. “Với cử tạ, có nhiều vận động viên gặp khó khăn lắm. Mọi người có nguy cơ bị những chấn thương rất nặng, nhất là về lưng: trượt đốt sống, thoát vị đĩa đệm rồi thoái hóa, tổn thương dây chằng.
Nhiều người nói rằng khi nghỉ thi đấu thì cảm giác mình bị già hơn những người đồng trang lứa. Sau này mình đi đứng cũng khó khăn lắm. Tuy nhiên mới 27 tuổi, nên mình cũng không suy nghĩ tới điều đó nhiều. Tôi muốn cứ cống hiến đã, bởi khi đạt được tấm huy chương, đem vinh quang về cho Tổ quốc Việt Nam luôn là một niềm tự hào rất lớn. Trước mắt mình cứ cố gắng và nỗ lực thôi, còn những thứ sau này nó ảnh hưởng chỉ là phụ, tới lúc đó rồi tính. Đó là suy nghĩ của tôi”.
Anh tâm nguyện rằng: “Với tôi hay vận động viên nói chung, khi mình đau rồi thì mình cố chịu khổ, chịu đau để tập luyện thôi chứ bỏ không được. Tâm lý, tinh thần mình ham muốn giành được những tấm huy chương, giành thành tích cao để đem vinh quang về cho Tổ quốc. Lúc nào cũng cố gắng hết mình để có được kết quả tốt nhất.
Thực sự khi đứng lên bục lãnh nhận giải, mình không chỉ vui mừng mà còn suy nghĩ rằng đã phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều, mình chịu đựng được những con đau đó để đem về những tấm huy chương cho Tổ quốc Việt Nam.
Với cá nhân tôi, nếu có bị chấn thương phải nghỉ thì cũng chỉ điều trị trong vòng nửa tháng, một tháng thôi chứ không được nghỉ nhiều. Nhiều khi nó cũng không hết hẳn, chưa khỏi đau nhưng mà vẫn cố gắng tập luyện duy trì thôi. Nếu có đau thì mình uống thuốc giảm đau. Thực ra vì ngày xưa gia đình khó khăn nên tôi mới đi theo môn cử tạ. Đa số vận động viên cử tạ đều có hoàn cảnh khó khăn cả. Nhiều người gia cảnh không khó khăn, vào tập chút xíu là muốn nghỉ rồi, không tập được nữa.
Còn với những người như chúng tôi, lúc nào cũng nỗ lực phấn đấu. Kiếm được đồng tiền về phụ giúp gia đình thì mừng lắm. Vì thế mà đam mê, lao vào tập. Dần dần càng theo càng mê hơn nữa khi mà đem được những tấm huy chương về cho Tổ quốc”.
Hạnh phúc vì đã mua được nhà cho chị
Thạch Kim Tuấn trải qua tuổi thơ thiếu thốn tình yêu thương của mẹ. Chị gái anh vừa đóng vai người chị, vừa đóng vai người mẹ quan tâm, lo lắng đến anh. Cũng vì vậy mà anh tâm nguyện rằng sau này phải cố gắng hết sức, làm thật nhiều tiền để báo đáp công ơn từ chị.
Thạch Kim Tuấn chia sẻ điều mà anh mãn nguyện nhất rằng: “Bản thân tôi luôn cố gắng lo cho gia đình của mình. Mình cứ cố gắng tập luyện rồi đạt được thành tích, giành được tiền thưởng lại về đưa cho chị để dành dụm, sau này mua nhà cho mấy anh chị em ở chung. Năm 2014, tôi cũng đã mua được nhà cho chị gái ở quận 12 với giá 700 triệu. Đồng thời tôi cũng mua được cả nhà riêng cho mình nữa.
Với gia đình nhỏ của tôi, vợ tôi cũng luôn ủng hộ chồng tập luyện. Nhiều khi thấy chồng than khi bị chấn thương thì cũng cố gắng động viên, lo cho chồng rất nhiều để vượt qua những cơn đau đó và nỗ lực hơn nữa”.