Thời gian gần đây, dư luận xã hội đang đặc biệt chú ý về đề văn nghị luận của thầy giáo, Tiến sĩ văn học Phạm Hữu Cường. Thầy Cường hiện đang là giáo viên dạy văn ở một trung tâm. Đề bài văn được thầy đăng tải trên Facebook cá nhân, sau đó đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các bạn trẻ.
Đề bài ghi: "Trong bài hát "Đường đến ngày vinh quang", cố nhạc sỹ Trần Lập đã viết: "Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai". Anh/chị hãy viết một bài văn khoảng 600 từ, trình bày suy nghĩ của mình về quan niệm đó".
|
Tiến sĩ, thầy giáo Phạm Hữu Cường. |
Sau khi biết được đề bài của thầy Cường, sư thầy Thích Nhuận Nguyện có viết: "Vừa rồi, đọc được đề văn nghị luận xã hội do thầy ra về một câu trong bài hát “Đường đến ngày vinh quang” của cố Nhạc sỹ Trần Lập: “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”, em cũng mạo muội xin dùng hiểu biết cạn cợt của mình, làm thử đề trên đứng dưới góc nhìn của người xuất gia".
Báo Người Đưa Tin xin đăng toàn bộ bài văn nghị luận của nhà sư Thích Nhuận Nguyện để gửi tới bạn đọc:
"Chúng ta đang sống trong những ngày tháng Ba- Tháng Thanh niên. Nơi nơi, các bạn trẻ nô nức kỷ niệm ngày trọng đại của Đoàn bằng các hoạt động thiết thực. Trong lòng mỗi người trẻ đều hân hoan, rạo rực khí thế hào hùng của ông cha.
Kỷ niệm ngày thành lập Đoàn, chúng ta cần nhắc nhở mình tu rèn đạo đức, học tập trau dồi kiến thức để ngày mai bước lên vị thế chủ nhân của đất nước, làm chủ cuộc đời. Quan trọng nhất, mỗi người cần nêu cao lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, làm sống dậy trong mình lý tưởng sống, tình yêu đời và ý chí vươn lên.
Chính vì lẽ đó, câu hát “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai” trong ca khúc “Đường đến ngày vinh quang” của cố Nhạc sỹ Trần Lập như một lời nhắc nhở, một lời động viên chúng ta để tiếp bước ngọn lửa vinh quang của dân tộc, sống có mục tiêu, lý tưởng, hun đúc ý chí, nghị lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách đạt đến bến bờ hạnh phúc, yên vui và thành công trong cuộc sống.
Trong cuộc sống, ai cũng có những ước mơ, hoài bão, lý tưởng, những dự định, kế hoạch cho mình. Tuy nhiên, con đường đi từ điểm xuất phát để thực hiện những điều tốt đẹp đó đâu phải dễ dàng.
Nhà Nho Nguyễn Bá Học đã từng viết: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông, mà khó vì lòng người ngại núi, e sông” hay có một ai đó đã nói: Ví như đường đời bằng phẳng cả - Anh hùng nào có khác chi ai.
Trong đời thường, trong học tập, trong công việc, tình cảm…, ai ai cũng gặp khó khăn, gian nan, thử thách, thậm chí thụt lùi, vấp ngã. Năm xưa, các vị anh ùng Việt Nam như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, các nhà bác học, nhà phát minh nổi tiếng như Niu – tơn, Ê – đi – xơn hay họa sỹ thiên tài Pi – cát xô từng va vấp không ít thất bại, khó khăn.
Ông chủ hãng gà rán KFC cũng từng thất bại trong cuộc đời cho đến năm 80 tuổi trước khi đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh gà rán.
Hay xa hơn, ở nơi đất nước Ấn Độ, Thái tử Tất - Đạt – Đa năm nào cũng từng mất năm năm tầm sư học đạo, sáu năm tu khổ hạnh, bốn mươi chín ngày đêm thiền định dưới cội Bồ - đề, chiến thắng giặc phiền não trước khi giác ngộ chân lý cuộc đời, thành Phật độ khắp chúng sinh, để lại kho tàng giáo lý khổng lồ như ngày hôm nay.
Tất cả để nói lên rằng, con đường từ ước mơ đến thành công, hiện thực không phải dễ dàng, toàn “hoa hồng” mà là một con đường gồ ghề, nhiều đá sỏi, chông gai. Có đôi khi trên con đường ấy ta vấp ngã, nản lòng, thối lui, “thấm đau vì những mũi gai”, thậm chí có những giọt nước mắt lăn trên má.
Có những khó khăn do nội tại, tự thân mỗi người: điều kiện sinh hoạt, học tập, sức khỏe, năng lực của bản thân, sự ích kỷ, nhỏ nhoi và cái tôi của mỗi người…, có những khó khăn do hoàn cảnh xã hội: kinh tế đất nước, sự tranh đua, giành dật, thói ghen ghét, đố kỵ của người đời… Tất cả như sẵn sàng giăng ra trước mắt ta, chờ ta sa lưới và vùi lấp ta trong bùn đen.
Nhưng có một điều rằng: “Từ bùn sen nở”, hoa hồng tuy có gai nhưng có mùi thơm quyến rũ. Điều quan trọng là chúng ta nhận ra và đủ nghị lực để vượt qua những thử thách, chông gai.
Tuy gai hoa hồng làm ta đau, làm ta chảy máu nhưng mùi hoa hồng xông cơ thể thì thơm ngát. Bùn tuy tanh, nhưng với hạt giống có sẵn, hoa sen vẫn nở, trong sạch, tinh khiết “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Vì lẽ đó, đối đầu với khó khăn, thử thách, trưởng thành trong thử thách, khó khăn là con đường đưa chúng ta đến với thành công, vinh quang. Bác Hồ Chí Minh đã từng chiêm nghiệm ra chân lý đó khi bị Tưởng Giới Thạch giam giữ:
“Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công”
(Bài thơ “Giã gạo”, trích trong tập “Nhật ký trong tù”)
Tuy hôm nay chúng ta được sống trong cảnh thanh bình nhưng những lời Hồ Chủ tịch để lại cho hậu thế, đặc biệt là thế hệ trẻ chúng ta tinh thần, ý chí kiên cường, bất khuất, nghị lực, lý tưởng sống, “chất thép của người cách mạng” không bao giờ mất giá trị.
Chúng ta không quên gửi lời cảm ơn chân thành đến cố nhạc sỹ, ca sỹ Trần Lập, dù chỉ xuất hiện hơn 40 năm trên cuộc đời nhưng khí phách anh hùng, chất rock, nghị lực vươn lên của anh luôn là điểm tựa cho mỗi người trẻ noi theo, học tập.
Lời nhắc nhở “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai" được rút ra từ chính tuổi thơ gian khó và sự trải nghiệm của thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường là lời động viên cho các bạn trẻ, lớp lớp thanh niên Việt Nam hãy vững bước, dám ước mơ, dám làm để đạt được những ước mơ mà mình mong ước.
Câu tục ngữ “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” mà tiền nhân để lại cho muôn đời sau luôn đúng. Mỗi thanh niên, mỗi người trẻ hãy xác định cho mình những ước mơ, lý tưởng sống cao đẹp và đặt quyết tâm thực hiện cho được những điều đó.
Có thể trên đường đời chúng ta vấp ngã, đối mặt với chông gai thì xin hãy đứng dậy, tự nhắc nhở mình cần phải vượt qua nó, vì rằng: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy” (Nguyễn Khải, Mùa lạc).
Mời quý độc giả xem video: