Múa cột, yoga bay lên "ngôi"
Múa cột, múa vòng bắt đầu xuất hiện ở Mỹ vào năm 1920, thời gian đó nhiều người nghĩ bộ môn này chỉ dành cho vũ nữ thoát y tại quán bar, vũ trường. Đến những năm 2000, những loại hình này mới dần được biết đến rộng rãi và trở thành môn thể thao nghệ thuật tăng cường sức khỏe, giảm thiểu stress, tăng độ dẻo dai...
Còn môn yoga bay là sự kết hợp của những tư thế yoga truyền thống với các bài tập Pilates, có "tuổi đời" ngắn hơn so với múa cột.
Gần đây, dạo một vòng trên các mạng xã hội như TikTok, Facebook, Instagram không khó tìm ra hình ảnh, video của những phụ nữ theo tập các môn thể thao độc đáo này.
Múa cột hay yoga bay thu hút nhiều sự quan tâm của nữ giới thành thị, đặc biệt là các cô gái trẻ. Không ít ý kiến trên mạng cho rằng múa cột, yoga bay rất đáng để thử.
Tài khoản Hoa Thiên Lý bình luận: "Từ trước giờ mình luôn nghĩ múa cột là thứ gì đó quá ăn chơi. Nhưng hôm nay xem clip này mình suy nghĩ hoàn toàn khác. Đẹp và nhẹ nhàng, quyến rũ".
Tài khoản Xuân Nguyễn nhận xét: "Trước giờ không có thiện cảm với múa cột nhưng xem xong video múa cột mình u mê với vẻ đẹp hình thể".
Tuy vậy, bên cạnh những ý kiến nhìn nhận tích cực, múa cột cũng gặp phải không ít đánh giá trái chiều.
Tài khoản Thu Huyền Nguyễn bình luận: "Nhiều bạn trẻ hiện nay đi học múa cột, yoga bay chỉ để đăng ảnh lên mạng xã hội, được khen quyến rũ, không quan tâm đến lợi ích thật đối với sức khỏe hay tinh thần khi tập. Những người chạy theo trào lưu mục đích đơn giản nhằm "sống ảo". Khi trào lưu chìm xuống sẽ chạy qua cái khác để "sống ảo" tiếp".
Tài khoản Chan nhận xét: "Loại hình thể dục mới du nhập này cũng giống như gym hay yoga, người tập thì ít mà người đứng chụp ảnh thì nhiều. Hôm trước mình có đứng đợi một em gái ở phòng tập, em đứng chụp ảnh "tự sướng" tầm nửa tiếng, trong khi đó phòng tập rất đông, ai cũng hăng say tập luyện nên mình cảm thấy khá khó chịu".
Hay tài khoản Vũ Thị Hà thừa nhận: "Mình đi học yoga cũng có tâm lý muốn "sống ảo" vậy mà. Mình sẽ copy mấy bài đăng hay rồi chụp nhiều ảnh và chỉ lấy vài kiểu được nhất, giống tư thế yoga nhất, đăng Facebook rồi về đọc bình luận thôi".
Bên cạnh đó cũng không ít ý kiến cho rằng những bình luận chê người theo học bộ môn này chụp hình, đăng ảnh lên mạng xã hội không có kiến thức chính xác về thể loại mới du nhập này nên có nhiều lầm tưởng.
Tài khoản Hoàng Thảo Nhung bình luận: "Nếu nói tập chỉ để "sống ảo" sẽ mất đi tinh thần và mục đích chính đáng của những người học múa cột chân chính như chúng tôi.
Như tôi học nửa năm, chỉ đăng đúng một clip và việc đăng clip để xem mình tiến bộ như thế nào so với lúc mới tập, so với buổi tập trước sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm, biết mình sai chỗ nào. Học mấy môn thể thao trên không cần rất nhiều công sức và sự bền bỉ. Đi tập hoặc nhìn những người đi tập khi trải qua đau đớn, bầm tím sẽ có cái nhìn khách quan hơn".
Tập luyện vì sức khỏe thật sự hay chỉ "làm màu, sống ảo"?
Chị Phan Thị Hồng Nhung, người đã theo đuổi bộ môn yoga bay được 2 năm và hiện nay đã trở thành huấn luyện viên chia sẻ: "Chi phí cho một tháng học yoga bay sẽ rơi vào tầm 1,5-1,8 triệu đồng tùy từng lớp và cấp độ".
Nếu so sánh với các môn thể thao rèn luyện sức khỏe khác như gym, yoga thường, học yoga bay sẽ có mức giá nhỉnh hơn so với các môn truyền thống.
Bù lại, huấn luyện viên của lớp yoga bay sẽ theo sát học viên hơn vì vậy công việc của tôi khi dạy những lớp yoga trên không thường vất vả hơn so với lớp truyền thống.
Ví dụ, lớp học có 10 học viên, giáo viên cần quan sát chặt chẽ từng người để tránh việc xảy ra tai nạn. Thêm nữa, huấn luyện viên phải nâng đỡ học viên mới vì họ chưa có khả năng tự móc dây.
Chị Nhung thật thà chia sẻ rằng rất nhiều lần chị phải chật vật để đỡ học viên có cân nặng đáng kể, sau đó đi móc từng sợi dây lên cột xà trên trần, chỉnh độ dài dây tập phải theo đúng chiều dài cơ thể học viên mới đảm bảo an toàn. Huấn luyện viên phải bắc thang chỉnh từng dây của 10 người học để phù hợp với từng cá nhân.
Nữ huấn luyện viên cho biết, một lớp học hiện tại sẽ dao động từ 10-15 học viên do cần hạn chế số lượng nhằm đảm bảo chất lượng và thời gian chỉnh sửa định tuyến, tư thế.
Mặc dù xem những video yoga bay nhẹ nhàng là vậy nhưng đằng sau đó người tập cần trải qua quá trình tập luyện đều đặn, thể lực tốt mới có thể đu mình trên dây.
Chia sẻ về lợi ích khi tập bộ môn mới này, chị Nhung thẳng thắn: "Tập đều đặn và lâu dài thì cơ thể sẽ siết mỡ, tăng cơ và rèn được sức bền. Thêm một sự thật hài hước khác rằng, tập về sẽ mệt nên có xu hướng nhẹ nhàng với người thân trong gia đình, tình cảm trong nhà sẽ ấm êm".
Về việc có rất nhiều ý kiến cho rằng tập yoga bay chỉ vì mục đích "sống ảo", "làm màu" trên mạng xã hội, chị Nhung nhận định: "Để lên được những tư thế đẹp, mượt mà trong suốt một bài nhạc hoặc một tiết tấu không phải dễ dàng hoặc ngày một, ngày hai làm được.
Một buổi tập thường kéo dài một tiếng, nửa tiếng đầu học viên cần khởi động, làm nóng cơ thể, sau đó là tập thể lực như các tư thế chống đẩy, gập bụng, xoạc chân rất gian nan và cần quyết tâm cao.
Khi học viên hoàn thành xuất sắc được một phần bài tập, lên một tư thế đẹp hoàn chỉnh sẽ thường chụp hình hay đăng video lên mạng mục đích là để chính mình biết mình đã làm tốt hơn ngày hôm qua.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều người sở hữu điện thoại thông minh và sử dụng mạng xã hội. Họ đăng ảnh để chia sẻ về đam mê tập luyện, nâng cao sức khỏe tinh thần. Vì vậy, không thể nói tập chỉ để "sống ảo" vì học viên đã bỏ công sức thật sự mới có những bức ảnh đó.
Những trường hợp lấy ảnh trên mạng, video của người khác đăng và nhận đó là của mình mới nên nói đó là "sống ảo", "làm màu".
Sau thời gian giảng dạy bộ môn mới, chị Hồng Nhung nhận định, sau khi tập, học viên không chỉ thấy được mục đích giảm cân, trước đây mặc đồ cỡ L, sau 2 tháng ăn kiêng và tập luyện thì đã có thể mặc đồ cỡ M. Bên cạnh đó còn vô vàn những lợi ích liên quan đến sức khỏe về tinh thần như đi tập có thêm nhiều bạn, mỗi bữa tập vui cười chuyện trò nên nhiều học viên đóng vé tháng đã chuyển sang vé năm.