Người mẹ nấu ăn tặng người nghèo ở Hà Nội ngày giãn cách

Google News

Gần như kiệt sức sau mỗi ngày vừa làm việc ở nhà, vừa nấu hàng trăm suất ăn thiện nguyện cho người khó khăn, chị Phương vẫn thấy vui khi công sức mình bỏ ra có ý nghĩa.

“Phương ơi, hôm nay 80 suất đó nhé, có nấu nổi không?”.

Đang luôn tay làm món chả lá lốt, chị Nguyễn Hoàng Phương (sinh năm 1982, Hà Nội), chủ nhiệm CLB từ thiện 1982 toàn quốc, mỉm cười đáp lời người bạn: “Mình không cố thì cũng không thể cắt suất của mọi người được. Họ xin mà không cho, áy náy lắm”.

Từ chiều 7/8, chị Phương bắt đầu hoạt động nấu ăn miễn phí cho người gặp khó khăn ở Hà Nội trong đợt giãn cách. Mỗi ngày, chị nấu 80-100 suất ăn, có hôm lên tới 150, ngay trong căn bếp của gia đình.

“Mỗi phần ăn tuy nhỏ nhưng là tâm huyết mà mình muốn gửi đến tận tay người cần. Rất mong được góp chút công sức để giúp những hoàn cảnh vượt qua thời điểm khó khăn này”, chị nói với Zing.

Nguoi me nau an tang nguoi ngheo o Ha Noi ngay gian cach

Chị Phương tự tay chuẩn bị 80-150 suất ăn miễn phí cho người nghèo mỗi ngày.

Lời cảm ơn là động lực

Hoạt động thiện nguyện 10 năm nay, khi dịch Covid-19 bùng phát, chị Phương biết mình không thể đứng ngoài công tác hỗ trợ chống dịch.

Ở những đợt bùng dịch trước, chị tham gia và tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Lần này, người mẹ hai con kêu gọi quyên góp để nấu hơn 15.000 phần ăn miễn phí ở TP.HCM trong một tuần và tiếp tế nhiều loại nhu yếu phẩm.

Từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, chị Phương phải làm việc ở nhà và không thể ra ngoài. Nhìn nhiều người đi hỗ trợ các hoàn cảnh mắc kẹt ở thủ đô, chị không đành ngồi yên.

Hôm 5/8, chị Phương bày tỏ nguyện vọng nấu cơm miễn phí và nhận được sự ủng hộ về cả vật chất lẫn tinh thần từ nhiều người. Có mạnh thường quân chuyển cho chị 200.000 đồng, 500.000 đồng hay 2 triệu đồng. Một số thì gửi tặng cân gạo, cân thịt, mớ rau.

Chiều 7/8, nhờ sự giúp đỡ của 2 người bạn và nhà hàng dưới chân tòa chung cư cho mượn bếp, chị chuẩn bị được 80 suất bánh cuốn chả, 50 cốc nước chanh đá.

Các phần ăn được chuyển đến một số bệnh nhân Bệnh viện Phổi Hà Nội, thợ xây ở khu trọ, shipper mất việc, dân phòng ở các chốt kiểm dịch quanh Bệnh viện Nhi Trung ương. Đồ uống được tặng cho những người làm nhiệm vụ ở các chốt trên đường đến Bệnh viện Phổi.

Nguoi me nau an tang nguoi ngheo o Ha Noi ngay gian cach-Hinh-2

Nguoi me nau an tang nguoi ngheo o Ha Noi ngay gian cach-Hinh-3

Chị Phương được bạn bè, các mạnh thường quân hỗ trợ về cả vật chất lẫn tinh thần.

“Hôm đầu tiên mình vừa làm việc công ty, vừa chuẩn bị số lượng lớn đồ ăn nên khá đuối sức. Thế nhưng, khi nhận được lời động viên, tin nhắn cảm ơn từ mọi người, mình lại có động lực để tiếp tục”, chị nói.

Thường khi nấu vào buổi sáng, chị Phương phải sơ chế nguyên liệu từ đêm hôm trước để tiết kiệm thời gian. Còn nếu nấu ca chiều, chị lại tất bật vào bếp sau bữa trưa của gia đình.

Ngày thứ hai của hoạt động, chị nói mình vượt qua giới hạn bản thân khi chuẩn bị 80 suất cơm trong vòng 3 tiếng.

“Hôm đó, xảy ra sự cố khiến mình áy náy mãi. Đó là lần đầu mình và người bạn phụ giúp nấu loại gạo mới bằng nồi cơm to mượn của nhà hàng. Đến gần giờ ship cơm trưa, mình tá hỏa khi thấy cơm chưa chín. Sau đó, mình cố liên hệ nhờ mọi người ở điểm nhận cơm giúp khắc phục. Buồn vì nồi cơm không như ý nhưng khi người nhận nói thức ăn vừa miệng, rằng ‘15 ngày giãn cách chưa bao giờ ăn suất cơm ngon đến thế’, mình cảm thấy đỡ áy náy”, chị Phương kể.

Sáng 9/8, chị làm gần 150 suất bánh cuốn cho người nhà bệnh nhi ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và sinh viên tình nguyện hỗ trợ ở điểm tiêm vaccine Pháo Đài Láng. Hai hôm nay, chị Phương nấu cơm và đổi món liên tục.

Nguoi me nau an tang nguoi ngheo o Ha Noi ngay gian cach-Hinh-4

Nguoi me nau an tang nguoi ngheo o Ha Noi ngay gian cach-Hinh-5

Chị Phương sử dụng bếp của gia đình để nấu cơm thiện nguyện.

Chỉ dừng lại khi không còn khả năng

Những ngày qua, chị Phương nói mình may mắn khi được nhiều người hỗ trợ nhiệt tình, từ cậu em chuyên giúp mua thực phẩm, đội shipper tình nguyện đi phân phát đồ ăn, người anh chở gạo, rau, củ đến tặng hay các mạnh thường quân đóng góp.

“Vì đang giãn cách, chung cư mình ở không cho người ngoài vào dù nhiều bạn liên hệ với nhã ý tới giúp. Mỗi ngày chỉ có 2 người làm, mình muốn nhưng không thể nấu được nhiều hơn. Bếp nhà mình cũng không nhanh bằng bếp ga công nghiệp. Tất cả khó khăn đó mình phải cố gắng khắc phục”, chị nói.

Bên cạnh việc nấu cơm, cuối ngày, chị Phương lại thu thập thông tin của những người cần hỗ trợ chuyển qua các đội thiện nguyện khác để nhờ họ giúp. Vài hôm trước, một người mẹ đơn thân được chị nhờ bạn tới tận nơi hỗ trợ, đã gọi cảm ơn vì có đủ lương thực cho nhiều ngày tới.

Nguoi me nau an tang nguoi ngheo o Ha Noi ngay gian cach-Hinh-6

Nguoi me nau an tang nguoi ngheo o Ha Noi ngay gian cach-Hinh-7

Nguoi me nau an tang nguoi ngheo o Ha Noi ngay gian cach-Hinh-8

Nguoi me nau an tang nguoi ngheo o Ha Noi ngay gian cach-Hinh-9

Chị Phương giữ vị trí chủ nhiệm của CLB thiện nguyện 1982 4 năm nay. Đây là cộng đồng chuyên kêu gọi giúp đỡ thành viên khó khăn ở khắp cả nước, cũng như tham gia nhiều hoạt động như cứu trợ lũ lụt miền Trung.

“Với phương châm cách ly nhưng không cách lòng, mình sẽ cố gắng nấu suất ăn miễn phí đến khi phải đi làm và trong điều kiện kinh tế cho phép. Vì ban đầu, mình chỉ định nấu 50 suất, nhưng sau 2 hôm đã lên tới con số 150. Khi nhiều người đóng góp, mình cũng phải tính toán, cân đối để duy trì hoạt động. Ngoài khả năng tài chính, mình nghĩ bản thân sẽ chỉ dừng lại khi sức khỏe không cho phép”, chị nói.

Chị Phương mong ngày càng có thêm nhiều bếp ăn 0 đồng, nhóm nấu ăn thiện nguyện để có thể chung tay giúp những hoàn cảnh khó khăn ở Hà Nội vượt qua mùa dịch.

Nguoi me nau an tang nguoi ngheo o Ha Noi ngay gian cach-Hinh-10

Nguoi me nau an tang nguoi ngheo o Ha Noi ngay gian cach-Hinh-11

Chị Phương được bạn bè hỗ trợ chuẩn bị suất ăn miễn phí. Chị dự định duy trì hoạt động cho tới khi không còn khả năng về tài chính, sức khỏe.

Theo Thiên Nhi/ Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)