Mạng xã hội là công cụ hay cạm bẫy với Gen Z?

Google News

Gen Z vốn là thế hệ trẻ năng động, khôn khéo, được sinh ra trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trên các mạng xã hội.

Gen Z là các bạn trẻ sinh ra trong khoảng từ năm 1997 đến 2012. Họ lớn lên trong thế giới với sự đổi mới mạnh mẽ về công nghệ - nơi thông tin có thể truy cập một cách dễ dàng trên mạng xã hội và môi trường ảo trở thành một cộng đồng quan trọng. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề đáng bàn xung quanh việc Gen Z sử dụng mạng xã hội.
Gen Z sử dụng mạng xã hội như thế nào?
Trong vài năm gần đây, sự phát triển vượt bậc của các mạng xã hội đã kéo theo số lượng người dùng đáng kể, nhất là các bạn trẻ Gen Z, họ dẫn đầu nhiều xu thế mới. Gen Z coi mạng xã hội chính là công cụ cần thiết, lớn mạnh để có thể phát triển và thể hiện bản thân mình.
Một trong những bạn trẻ Gen Z là Thùy Linh - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, công việc chính của Linh là học tập liên quan tới lĩnh vực báo chí và kinh doanh nhỏ. Linh cho biết: "Đã từ rất lâu, mình ấp ủ giấc mơ có thể mở shop quần áo. Nhưng trong những năm gần đây, văn hóa mua hàng của người tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều so với trước. Điều này giúp mình thay đổi tư duy, nhận thức về việc bán hàng".
Mang xa hoi la cong cu hay cam bay voi Gen Z?
Thùy Linh dùng mạng xã hội để bán hàng online, trang trải học phí (Ảnh: NVCC).
Cụ thể, cô bạn cho biết thêm: "Mạng xã hội Facebook, Instagram và Tik Tok chính là 3 kênh quảng cáo, bán hàng giúp mình khai thác triệt để những khách hàng tiềm năng. Cũng nhờ vậy, mình có thể tự chi trả các chi phí hàng tháng khi vẫn còn đi học".
Với Linh, kinh doanh online trên các nền tảng mạng xã hội là cách làm hiệu quả giúp Linh có thể tự chủ về tài chính ngay từ những năm tháng còn học THPT.
Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng toàn cầu cũng đồng thời kéo theo sự đa dạng của cách thức học tập. Điều này góp phần tạo nên xu hướng học tập, giáo dục và phong cách sống mới của kỷ nguyên 4.0 cho Gen Z.
Mang xa hoi la cong cu hay cam bay voi Gen Z?-Hinh-2
Vũ Quốc Trung - cựu học sinh chuyên Toán trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi (Tỉnh Hải Dương) - đạt kết quả IELTS 7.5 (Ảnh: NVCC).
Trung không ngần ngại chia sẻ: "Tìm học trung tâm luyện thi IELTS đúng là rất quan trọng. Nhưng với mình, cách học IELTS hiệu quả nhất là tự học thật chăm chỉ. Trong suốt mùa dịch, mình đã dốc sức để ôn IELTS bằng cách tham gia thật nhiều hội nhóm trên Facebook, Instagram, các trang học tiếng Anh trực tuyến và chọn lọc tài liệu uy tín và cùng luyện nói với bạn bè nữa đó".
Theo Quốc Trung, việc học qua mạng xã hội, Internet giúp nâng cao tinh thần tự học, đây là cách học thú vị nhất với cậu bạn; tuy nhiên, cần phải tìm hiểu thật kĩ càng những thông tin trên mạng vì hiện có không ít những hội nhóm lừa đảo, giáo trình lệch lạc gây ảnh hưởng tới quá trình học tập.
Cạm bẫy và hệ quả không lường trước
Bên cạnh những hiệu quả tích cực, Gen Z cũng đang gặp phải vấn đề là lạm dụng mạng xã hội quá nhiều.
Chia sẻ cùng Dân trí, Nguyễn Công Minh - sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội nói: "Theo em, việc thế hệ trẻ ngày nay bắt kịp xu hướng mạng xã hội, đổi mới tiến bộ là điều tốt. Thế nhưng, nhiều bạn trẻ đang sử dụng nó một cách bừa bãi, phô trương quá đà".
Mang xa hoi la cong cu hay cam bay voi Gen Z?-Hinh-3
Nguyễn Công Minh cảnh báo những hiện tượng lừa đảo trên mạng xã hội (Ảnh: NVCC).
Minh cho rằng môi trường mạng xã hội giống như "môi trường sống online", có thể là nơi tuyệt vời để giải trí, học hỏi, nhưng cũng chính là cạm bẫy khiến nhiều người sa đọa.
"Một người bạn thân thiết của em đã từng trải qua sự việc không đáng có, đó là bị lừa đảo qua mạng kẻ xấu đã giả danh người thân, lấy cắp thông tin của bạn rồi sau đó chiếm đoạt một khoản tiền không hề nhỏ", Công Minh nói.
Với cậu bạn này, sự trải nghiệm, sẻ chia thật sự sẽ giúp kết nối giữa người với người hơn là qua màn hình nhỏ. Xuất phát từ điểm mạnh của bản thân, Minh luôn chủ động tham gia tích cực các câu lạc bộ, chơi thể thao để tạo ra cho mình tinh thần sống lành mạnh, thực tế. Cậu bạn hướng tới việc không sử dụng mạng xã hội quá nhiều, gây ảnh hưởng tới cuộc sống cá nhân.
Nghiêm trọng hơn nữa, với sự tiện dụng của mạng xã hội, nhiều bạn trẻ Gen Z không ngần ngại buông những lời lẽ xúc phạm, phán xét, thậm chí xảy ra nhiều cú va chạm, cyber-bully (hiện tượng bắt nạt trên mạng xã hội).
Là một người trẻ Gen Z sớm có sự nghiệp riêng trong lĩnh vực giáo dục, chị Phương Linh chia sẻ: "Gen Z đang tạo ra nhiều làn sóng trên mạng xã hội và không ngừng lan tỏa tới cộng đồng. Tuy nhiên, các bạn dường như không lường trước được hậu quả của việc lạm dụng nó".
Chị chia sẻ thêm: "Social media là một nơi giúp cho chúng ta có thể thỏa sức sáng tạo, thể hiện mình. Nhưng cũng vì vậy mà nhiều bạn sử dụng nó một cách vô trách nhiệm, xem thường lời nói và hành động của chính mình. Khi còn đi học, Linh từng bị nhiều người xem thường, body shaming chỉ vì ngoại hình của mình không giống với quy chuẩn cái đẹp mà họ đặt ra"
Phải chú ý tới lời lẽ mạng xã hội rất nhiều bởi lẽ nó sẽ gây ảnh hưởng, thậm chí cả hiểm nguy cho nhiều người xung quanh. "Những lời lẽ, biệt danh mà những bạn bè đặt ra cho mình trên mạng xã hội làm mình tổn thương và xấu hổ, tiêu cực hóa vấn đề ngoại hình. Có đôi lúc, mình muốn đăng tấm hình kỷ niệm nhưng lại ám ảnh những bình luận ác ý của mọi người".
Theo chị Linh, phải luôn khéo léo và chú trọng trong việc kết nối giữa thầy và trò, giúp thúc đẩy kĩ năng thực tế cho các bạn trẻ Gen Z.
Nhìn chung, Gen Z quả thật là những con người của thời đại công nghệ mới. Các bạn coi việc sử dụng mạng xã hội là xu thế tất yếu để hội nhập toàn cầu, song bên cạnh đó cũng là con dao hai lưỡi nếu như các bạn trẻ không biết cách sử dụng và khai thác đúng cách.
Theo Quỳnh Anh/Dân trí

>> xem thêm

Bình luận(0)