Livestream chết dần ở Trung Quốc

Google News

Mô hình bán hàng qua livestream ở đất nước tỷ dân đang trải qua những thay đổi chóng mặt và bị kiểm soát chặt chẽ với sự biến mất của các KOL cùng nhiều lệnh cấm.

Influencer phải có bằng cấp liên quan để nói về một số chủ đề như luật, tài chính, y học, giáo dục.

Cấm xuất bản nội dung làm giảm uy tín hoặc bóp méo vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hệ thống xã hội chủ nghĩa hoặc cải cách và mở cửa của đất nước.

Cấm sử dụng công nghệ deepfake để bôi nhọ hình ảnh của các nhà lãnh đạo và cố tình thổi phồng những vấn đề nhạy cảm, thu hút sự chú ý của công chúng.

Cấm phô bày lối sống xa hoa, ví như khoe tiền và hàng hiệu.

Đó là một số điều nằm trong 31 hành vi bị cấm trong các buổi livestream vừa được Trung Quốc ban hành hôm 22/6.

Quy định mới được đưa ra trong bối cảnh ngành thương mại điện tử phát trực tiếp (bán hàng qua livestream) đang trải qua những thay đổi chóng mặt và bị kiểm soát chặt chẽ, theo SCMP.

Livestream chet dan o Trung Quoc

Trung Quốc vừa ban hành quy định mới về phát trực tiếp, yêu cầu người có ảnh hưởng phải có bằng cấp phù hợp để nói về một số chủ đề nhất định. Ảnh: Xinhua.

Streamer biến mất

Một số streamer trên Taobao Live, nền tảng phát trực tiếp của Alibaba Group Holding, không còn hoạt động vì nhiều lý do khác nhau. Điều này khiến các thương hiệu phải tranh nhau tìm kiếm cách mới để tiếp thị sản phẩm của họ.

“Ông hoàng son môi” Lý Giai Kỳ, người từng bán được 15.000 thỏi son chỉ trong 5 phút, đột ngột kết thúc buổi phát trực tiếp hôm 3/6. Nguyên nhân là trong livestream của anh xuất hiện cây kem hình chiếc xe tăng - hình ảnh luôn bị kiểm duyệt gắt gao ở Trung Quốc vì nhạy cảm chính trị.

Cuối năm ngoái, Vi Á (tên thật Huang Wei) bị phạt kỷ lục 1,3 tỷ nhân dân tệ (210 triệu USD) vì tội trốn thuế và không còn xuất hiện kể từ đó.

Điều này xảy ra sau khi Zhu Chenhui và Lin Shanshan, hai influencer hàng đầu thời điểm đó, bị phạt hàng chục triệu nhân dân tệ vào tháng 11 cùng năm vì tội trốn thuế. Các tài khoản mạng xã hội và cửa hàng thương mại điện tử của họ cũng biến mất sau đó.

Livestream chet dan o Trung Quoc-Hinh-2

Lý Giai Kỳ có được biệt danh “ông hoàng son môi” sau khi phá kỷ lục Guinness “bôi thử nhiều loại son môi nhất trong 30 giây”. Năm 2020, người này thực hiện 389 chương trình phát sóng trong 365 ngày, thường làm việc từ giữa trưa đến 4h sáng. Ảnh: SCMP.

Hướng dẫn mới ban hành nhấn mạnh rằng những người phát trực tiếp nên kê khai thu nhập trung thực và đóng thuế theo quy định của pháp luật.

Influencer hay KOL cũng không được phép vi phạm pháp luật hoặc có hành vi “vô đạo đức”, bao gồm công khai bày tỏ ý kiến cá nhân, tổ chức buổi biểu diễn, tạo tài khoản mới hoặc chuyển sang nền tảng khác.

Đầu tháng 5, Trung Quốc từng siết chặt hoạt động livestream khi cấm người dùng trẻ tuổi gửi quà tặng ảo trên các nền tảng phát trực tiếp, theo Bloomberg.

Thông báo được đưa ra sau khi chính quyền trung ương ẩn ý việc sẽ kết thúc cuộc đàn áp kéo dài một năm đối với thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, nơi đã tạo ra những gã khổng lồ công nghệ như Alibaba hay Tencent.

Trước khi có hướng dẫn này, bất chấp các quy định nhằm hạn chế chi tiêu trực tuyến của người dùng chưa thành niên, nhiều người trẻ có thể gửi quà tặng ảo hoặc tiền ký hiệu cho streamer. Chính phủ cũng yêu cầu các nền tảng ngừng cung cấp nguồn cấp dữ liệu livestream cho trẻ vị thành niên sau 22h.

“Các nền tảng phải hiểu sâu sắc tầm quan trọng cũng như tính cấp thiết của việc điều chỉnh môi trường phát trực tiếp và bảo vệ người dùng vị thành niên”, thông báo cho biết.

Bị siết chặt

Trong bối cảnh phát trực tiếp, đặc biệt là livestream bán hàng, bùng nổ, các cơ quan quản lý Trung Quốc đang tiêu chuẩn hóa và siết chặt hành vi thu lợi nhuận từ đây nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của ngành công nghiệp Internet, theo Global Times.

Theo thông báo được ban hành hồi tháng 3, hành vi trốn thuế và các sai phạm khác sẽ bị điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ được công khai.

Các quy định mới nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng và trật tự. Nhiều nhà phân tích cho rằng livestream không nên trở thành mảng xám của nền kinh tế trực tuyến.

Theo đó, Trung Quốc tăng cường quản lý đăng ký và phân loại các tài khoản livestream. Các nền tảng phát trực tiếp và streamer không được quảng cáo sai lệch hoặc gây hiểu lầm về nhà sản xuất và vận hành hàng hóa cũng như hiệu suất, chức năng, chất lượng, nguồn gốc, bằng cấp, trạng thái bán hàng, thông tin giao dịch, đánh giá của người dùng và các số liệu thống kê khác của sản phẩm.

Livestream chet dan o Trung Quoc-Hinh-3

Nhân viên của một cửa hàng trực tuyến điều hành buổi phát trực tiếp tại nhà máy sản xuất men ở Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua.

Zhang Xiaorong, Giám đốc Viện Nghiên cứu Công nghệ Tiên tiến có trụ sở tại Bắc Kinh, nói rằng livestream, vốn là một phần nhỏ của Internet, thường có bầu không khí giả tạo và cường điệu, ảnh hưởng đến trật tự xã hội trong thời gian dài.

“Thông báo tập trung vào việc trốn thuế thu nhập. Nó làm rõ trách nhiệm quản lý của các nền tảng livestream và chuẩn hóa lộ trình phát triển thương mại của ngành phát trực tiếp”, ông cho biết.

Liu Dingding, nhà phân tích công nghệ độc lập ở Bắc Kinh, nói thông báo kể trên là quy định chi tiết hơn về ngành công nghiệp phát trực tiếp của Trung Quốc.

Hình phạt khắc nghiệt dành cho Vi Á vào năm ngoái đã thúc đẩy cuộc cải tổ toàn bộ ngành công nghiệp phát trực tiếp, chuyển sang điều chỉnh phương thức kinh doanh, khai tử mô hình kiếm tiền vô tổ chức và chấp nhận cạnh tranh công bằng hơn.

Nhà phân tích cho biết sự cải tiến rõ ràng trong năm qua là các video có nội dung khiêu dâm, cờ bạc, gian lận và lừa đảo không còn tồn tại trên thị trường phát trực tiếp.

Livestream chet dan o Trung Quoc-Hinh-4

Ngôi sao livestream Vi Á biến mất sau khi bị phạt 1,3 tỷ nhân dân tệ vì trốn thuế. Ảnh: CNN.

Hiệp hội Nghệ thuật Biểu diễn Trung Quốc định giá ngành công nghiệp livestream của nước này tương đương 30 tỷ USD vào năm 2020. Số lượng người dùng phát trực tiếp ở Trung Quốc đạt 617 triệu vào năm 2020, tăng lên 703 triệu người vào năm ngoái.

Theo Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc (CNNIC), đến năm 2020, số lượng người dùng bán hàng qua livestream là 388 triệu và tăng lên 464 triệu vào năm 2021.

Liu dự đoán các cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc có thể ban hành nhiều quy định hơn để định hướng cho sự tăng trưởng của lĩnh vực này.

Một streamer ẩn danh nói rằng bắt đầu từ năm 2021, các nền tảng hàng đầu có quy định chặt chẽ hơn nhiều trong việc điều chỉnh hành vi của người phát trực tiếp và cấm quảng cáo hàng giả.

“Chúng tôi cũng không được phép nói ‘những từ cường điệu và khiêu khích’ nhằm câu kéo khách hàng mua sản phẩm”, người này nói.


Theo Thiên Nhi/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)