Có người phải treo bảng “coi chừng chó dữ”, giăng dây điện cảnh báo nguy hiểm để... miễn tiếp những nhóm dân phượt tự tiện, thiếu ý thức.
“Phượt”, vốn là từ được dân du lịch bụi ưa dùng, để chỉ những chuyến đi xa, trải nghiệm đời sống “bụi bờ” của người trẻ.
|
Các bạn trẻ, các cặp đôi vào vườn ở Nhật Tân (Hà Nội) chụp ảnh với mức phí 50.000 đồng/người - Ảnh: T.T.D. |
“Phượt” gợi một chút cảm giác phong sương rong ruổi, nên đã từng là một cái mốt của giới trẻ đô thị thích dấn thân, trở về với thiên nhiên, trải nghiệm đời sống phong phú, thoát ra ngoài những khuôn khổ chật chội thường nhật.
Sự phóng khoáng, cởi mở, kết nối với những không gian văn hóa, tự nhiên thật đa dạng, muôn màu luôn là ý hướng tốt đẹp, chẳng ai chê trách cả.
Nhưng một khi việc đi “phượt” không mở rộng nhãn quan để làm giàu cho đời sống tinh thần nội tại, giúp ta hiểu biết, chia sẻ với đời sống tha nhân nhiều hơn, mà chỉ thuần túy là tạo hình ảnh phô trương và chứng tỏ bản lĩnh cá nhân một cách hời hợt thì dễ rơi vào ồn ào, ích kỷ, thậm chí là nguy hiểm.
Người viết từng chứng kiến cái cảnh cả một nhóm chừng hai mươi, ba mươi bạn trẻ ăn mặc bụi bặm, đầu quấn khăn rằn, ngực đeo máy ảnh lỉnh kỉnh lao vào khu vườn và tha hồ giày xéo khi chủ vườn đi vắng.
Cảnh láo nháo vội vàng, cảnh í a í ới chạy ngược chạy xuôi hỗn loạn diễn ra, những bức ảnh đẹp được đưa lên mạng ngay tức thì, kéo được rất nhiều lượt ưa thích lẫn những bình luận ngưỡng mộ của bạn bè. Và như thế là đủ.
Bỏ lại sau lưng khu vườn xơ xác và ánh mắt buồn bực, bất lực của những chủ vườn. Sự vô cảm đang được ngụy trang bằng một tinh thần “biết yêu cái đẹp”.
Cần hiểu rằng, những khu vườn sau một mùa chăm sóc, người nông dân phải đối diện với cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa lặp đi lặp lại, tâm trí đã chất đầy âu lo, nhưng nay lại phải mang thêm một thứ âu lo đến từ những người thoáng qua chốc lát.
Việc họ trở nên giận dữ, thiếu cởi mở và đôi khi nghiệt ngã, và đôi khi họ buộc phải thực dụng hơn là có lý do.
Trong những chuyến đi Tây Bắc gần đây, tôi nhận ra sự phát sinh một loại dịch vụ thú vị: cho thuê vườn chụp ảnh, hay bán vé vào vườn tham quan.
Từ Mai Châu, Đồng Văn cho đến Bắc Hà, Sa Pa, đâu đâu cũng thấy những khu vườn “đón phượt” như thế. Khi người nông dân không cưỡng lại được những cơn “lên đồng” của dân phượt, khi họ đã thấm đòn từ những chuyến viếng thăm không mong đợi, chỉ còn một cách: chăm sóc thật tốt mảnh vườn của mình không phải để thu hoạch theo cách truyền thống mà mở ra một thứ dịch vụ, vớt vát thu nhập.
Ở những khu vườn này, hoa tam giác mạch, hoa cải, cà rốt cho đến hoa mận, hoa đào được chăm sóc chỉ để cho các nhóm phượt tha hồ “đổ bộ”, giẫm đạp rồi trả tiền ra về. Sau mỗi đợt đón khách, những nhà nông làm du lịch lại dưỡng cây, chờ những nhóm phượt khác đến. Cứ như thế...
Nhà vườn không còn bị động, không còn mất ăn mất ngủ nhưng vẫn có tiền, những dân phượt có chút ý thức không phải áy náy gì khi ngoái lại nhìn khu vườn tan tác mà mình tạo ra. Nhưng cũng phải nói rằng, đây chỉ là một sự xoay chuyển miễn cưỡng.
Rõ ràng là những vùng nông nghiệp truyền thống không thể đồng loạt “chuyển đổi mô hình” chỉ vì một hình thức du lịch đầy cảm tính, tự phát và run rủi thế này được.
Thế nên, đa số nhà nông tạo ra những vườn hoa lại cứ phải mất ăn mất ngủ ngồi canh vườn.
Một người làm du lịch lữ hành lâu năm đã chia sẻ với người viết về cảm giác “sợ phượt”. Anh ta nói rằng: “Chính những người trẻ đi phượt thiếu gắn kết và chia sẻ với người dân bản địa đã làm cho người dân ít cởi mở, thậm chí thực dụng một cách đáng sợ đối với giới làm du lịch chuyên nghiệp.
Có những nhóm phượt không chỉ tàn phá những nhà vườn đâu, mà còn tổ chức cắm trại, đốt lửa, xả rác trong rừng rồi cuốn gói ra đi, không hề nghĩ ngợi!”.
Những bức ảnh đẹp, trau chuốt từ những chuyến phượt đường dài được chia sẻ trên mạng có ý nghĩa gì khi chúng được tạo ra từ sự cưỡi ngựa xem hoa, thiếu sự thấu hiểu và đồng cảm thực sự với đời sống.
>>> Mời quý độc giả xem video trào lưu đánh vào không khí (nguồn Youtube):