"Hãy để chụp ảnh kỷ yếu là niềm vui, đừng trở thành ác mộng"

Google News

Chụp ảnh kỷ yếu giúp lưu giữ những kỷ niệm đẹp về một thời cắp sách đến trường nhưng đừng biến nó thành ác mộng, gánh nặng đối với sinh viên.

Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện hai câu chuyện đáng suy nghĩ về việc chụp ảnh kỷ yếu. Một bạn sinh viên của một trường đại học tại Hà Nội than thở rằng ngay từ đầu đã từ chối chụp ảnh kỷ yếu nhưng vẫn bị bắt đóng 800 nghìn đồng vì làm lỡ kế hoạch của lớp. Theo bạn sinh viên này chia sẻ, hoàn cảnh gia đình bạn rất khó khăn, bố mẹ đang nợ một khoản tiền lớn để chạy chữa cho anh trai bị ung thư. Bạn phải đi làm thêm để đóng tiền học phí và trang trải cuộc sống nhưng vẫn thiếu trước hụt sau, ban đang nợ tiền nhà, nợ tiền cô giáo dạy tiếng anh.
Câu chuyện thứ 2 kể về một tấm bản kê khai chi phí chuẩn bị cho chụp kỷ yếu của một nữ sinh. Hình ảnh bản kê khai đăng tải kèm dòng trạng thái: "Tiền chụp kỷ yếu gần bằng chụp ảnh cưới". Danh sách kê khai liệt kê chi tiết các khoản chi từ nhỏ tới lớn. Từ việc làm tóc, nối mi, mua quần độn mông, thuê áo dài, trang điểm cho đến việc đóng tiền chụp ảnh chung với lớp, tổng cộng là 3,2 triệu đồng để có bộ ảnh kỷ yếu kết thúc đời sinh viên.
"Hay de chup anh ky yeu la niem vui, dung tro thanh ac mong"
Đừng biến ảnh kỷ yếu thành trào lưu sống ảo (Ảnh minh họa) 
Xung quanh hai câu chuyện này là những luồng dư luận trái chiều. Người ủng hộ vì chụp ảnh kỷ yếu chỉ một lần trong đời, để lưu giữ khoảnh khắc đẹp thời sinh viên để sau này nhớ. Nhưng có những người phản đối bởi họ cho rằng chụp ảnh kỷ yếu là gánh nặng với sinh viên với những kỷ niệm giả tạo.
Trao đổi với phóng viên, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất chia sẻ: “Chụp ảnh kỷ yếu để mỗi người có tâm tư, tình cảm gửi vào đó. Sau này khi gặp những khó khăn bất trắc trong cuộc sống, lật giở những bức ảnh kỷ yếu khiến mình như được trở lại thời tuổi trẻ, tuổi hồn nhiên, vui vẻ, vị tha, những hình ảnh tốt đẹp trong quá khứ tái hiện trong tâm trí giúp mình vượt qua được nỗi buồn hiện tại. Đó là ý nghĩa rất nhân văn của việc chụp ảnh kỷ yếu”.
"Hay de chup anh ky yeu la niem vui, dung tro thanh ac mong"-Hinh-2
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất. 
Ông Nguyễn An Chất khẳng định mục đích của việc chụp ảnh kỷ yếu là tốt, nhưng vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào để quá trình đi đến cái đích ấy cũng trở nên tốt đẹp.
“Không nên đưa chụp ảnh kỷ yếu thành quy định bắt buộc. Vì nó sẽ đem lại phản ứng ngược. Cái gì cũng vậy thôi, bắt buộc thì đi đôi với miễn cưỡng, mà miễn cưỡng thì người ta chẳng trao gửi kỷ niệm gì vào những bức ảnh kỷ yếu ấy cả. Họ chỉ gồng mình lên, diễn cười nói vui vẻ, khoác vai bá cổ cho xong thôi.
Chắc hẳn nam sinh viên trong câu chuyện bị ép đóng 800 nghìn đồng cũng rất muốn chụp kỷ yếu nhưng do hoàn cảnh khó khăn không thể làm khác được. Đối với các bạn cùng lớp, có thể 800 nghìn đồng chỉ bằng tiền mua một chiếc váy, một cái áo hay một bữa ăn nhưng với bạn nam này nó quá lớn. Bố mẹ nai lưng kéo cày trả nợ, anh trai bị ung thư, được đi học với bạn ấy đã là quý lắm.
Trong trường hợp này, tập thể cần phải hết sức cảm thông không nên ép buộc hay kỳ thị, phân biệt, nói người ta tiếc tiền, không hòa đồng, thiếu ý thức tập thể. Chĩa mùi dùi về phía bạn ấy, đẩy bạn ấy đến bước đường cùng sẽ dễ dẫn đến những kết quả khôn lường. Thậm chí tôi đã từng nghe câu chuyện một em học sinh ở Trung học cơ sở ăn cắp tiền của bố mẹ để nộp tiền tham gia hoạt động tập thể vì sợ bị phân biệt đối xử, không ai chơi cùng. Giá mà các bạn tạo điều kiện để bạn ấy tham gia chụp ảnh thì bức ảnh tập thể sẽ đẹp và ý nghĩa hơn rất nhiều”.
Còn về việc nữ sinh bỏ 3,2 triệu đồng cho một bộ ảnh kỷ yếu, theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất là quá tốn kém, lãng phí và không cần thiết đặc biệt là với những bạn sinh viên chưa có thu nhập ổn định, vẫn còn phải phụ thuộc vào gia đình.
“Tâm lý của các bạn trẻ là thích nổi trội, khác biệt. Tôi không phản đối rằng các bạn muốn mình thật đẹp trong bộ ảnh kỷ yếu để sau này nhìn lại cảm thấy tự hào. Tuy nhiên cũng không nên quá diêm dúa, lãng phí, quá ăn chơi, đua đòi, thể hiện rằng không ai có mà mình có. Tôi đã nghe nhiều trường hợp mặc áo trong suốt để chụp kỷ yếu, hở hang quá mức hay đầu tóc ba bốn màu”.
Chuyên gia tâm lý này khẳng định một lần nữa ý nghĩa tốt đẹp ẩn chứa trong những tấm ảnh kỷ yếu và nhắn nhủ với các bạn trẻ hãy để chụp ảnh kỷ yếu là niềm vui, hạnh phúc, mong chờ chứ đừng là ác mộng.
Theo Mạnh Long/ANTT

>> xem thêm

Bình luận(0)