Thúy An (24 tuổi, TP.HCM) thường đến quán cà phê làm việc. Tuy nhiên, cô nhiều lần mệt mỏi khi bắt gặp quán đông đúc, mở nhạc lớn hoặc nhiệt độ điều hòa quá lạnh.
Cô cũng thử mang laptop đến bar hoặc pub chạy deadline rồi nhanh chóng nhận thấy địa điểm này không phù hợp bởi chi phí đắt đỏ.
"Đối với tôi, bar, pub chỉ phù hợp để thư giãn, vui chơi cùng bạn bè. Giờ đây, tôi mong muốn tìm kiếm một địa điểm làm việc khác trong thành phố nhưng chưa có ý tưởng", An chia sẻ cùng Zing.
Thiếu không gian làm việc
Theo nghiên cứu từ nền tảng nhân sự Grove HR và Công ty dữ liệu YouGov, 40% người lao động Việt Nam mong muốn kết hợp làm việc tại văn phòng và từ xa (mô hình hybrid) vào năm 2022, chỉ 21% muốn làm tại văn phòng toàn thời gian và 16% muốn tiếp tục làm việc tại nhà.
|
Thúy An cảm thấy mình không có nhiều sự lựa chọn không gian làm việc ngoài văn phòng.
|
Ngoài văn phòng và nhà ở, nhân sự trẻ thường lựa chọn quán cà phê để làm việc. Một số người ghé đến bar, pub hoặc kết hợp công việc và du lịch (workcation).
Trong khi đó, một số địa điểm làm việc khác như thư viện hoặc co-working space (không gian làm việc chung) dù xuất hiện từ lâu, nhưng dường như vẫn chưa thực sự hấp dẫn đối với "công dân laptop" làm việc độc lập vì không tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân.
Thông thường, một cá nhân thuê co-working space cần chi ra 120.000-170.000 đồng/ngày làm việc. Bên cạnh chỗ ngồi, họ được cung cấp các dịch vụ khác như Wi-Fi, máy lạnh, đồ ăn, thức uống và số lần tự do ra vào không giới hạn.
"Những thư viện tôi biết thường yên tĩnh và nghiêm túc, chủ yếu phục vụ nhu cầu đọc sách và nghiên cứu, không phù hợp với những công việc cần sự sáng tạo. Trong khi đó, các co-working space lại phù hợp với các nhóm lớn, làm teamwork, không nhắm đến đối tượng khách hàng đi một mình", cô nói.
Tương tự Thúy An, Đăng Khôi (23 tuổi, TP.HCM) cũng cho rằng những địa điểm làm việc tập trung như co-working space hoặc thư viện không thực sự phù hợp với đặc thù công việc đòi hỏi sự sáng tạo, bàn luận sôi nổi của mình.
"Công việc đòi hỏi tôi phải thường xuyên nảy ra những ý tưởng mới. Cá nhân tôi cảm thấy phải thay đổi hoặc làm mới không gian làm việc liên tục", anh bày tỏ.
Ngoài ra, chi phí cho mỗi ngày cũng khiến nhân viên này đắn đo. Đối với anh, nếu chi ra số tiền 150.000-170.000 đồng/ngày, quán cà phê vẫn là sự lựa chọn tốt hơn.
"Nơi này chẳng khác gì văn phòng thông thường của công ty tôi, nơi đó ai cũng chăm chú làm việc, không chia sẻ gì. Tôi thà lên văn phòng còn hơn", anh cho hay.
|
Co-working space đã xuất hiện ở nhiều thành phố lớn, tuy nhiên vẫn chưa thực sự thu hút freelancer hay các cá nhân đến làm việc.
|
Liên quan đến nhóm khách hàng cá nhân là "công dân laptop", chia sẻ với Zing, chị Trần Thị Quỳnh Tiên (đại diện của Comspace Co-working, TP.HCM) cho biết: "Hầu hết khách hàng đến với chúng tôi là các công ty hoặc nhóm nhân viên công sở muốn tìm chỗ họp yên tĩnh. Freelancer hay dân văn phòng thuê đơn lẻ cũng có, song số lượng không quá nhiều".
Chị Tiên cũng chia sẻ đối với khách hàng cá nhân, giá thuê chỗ ngồi tại bên chị rơi vào 150.000 đồng/ngày. Đây là gói cơ bản bao gồm vị trí ngồi và các tiện ích, dịch vụ khác.
Nếu các cá nhân mong muốn làm việc lâu dài, họ có thể mua gói tháng với chi phí rẻ hơn.
"Với quan điểm nhà cung cấp dịch vụ, tôi nhận thấy co-working space có tỷ lệ lấp đầy khá cao, luôn ở mức 80-90%. Tôi không đánh giá rằng chi phí làm việc ở đây quá cao. Nói chính xác hơn, mức giá này sẽ phù hợp với ngân sách chi trả của công ty, nhưng với cá nhân thì cần xem xét", chị nói.
Không đến văn phòng, người trẻ nước ngoài làm ở đâu?
Khác với Việt Nam, ở một số quốc gia khác, mô hình thư viện công cộng và cho thuê nơi làm việc tương đối phổ biến, được người trẻ ưa chuộng.
Số liệu từ Gensler cho thấy 62% nhân sự Millennials và Gen Z tại Mỹ yêu thích sử dụng co-working space để làm việc. Trong khi đó ở Anh, đây là sự lựa chọn phổ biến thứ 2 (sau nhà ở) đối với nhân sự không đến văn phòng.
Theo Economics Times, số lượng dân công sở yêu thích không gian làm việc chung tăng cao hậu Covid-19, khi họ đã chán ngán cảnh làm việc ở nhà một mình.
Ngoài ra, những thư viện công cộng cũng được ưa chuộng không kém. Theo khảo sát, tại Mỹ, hơn 1/3 thư viện công đều cung cấp không gian làm việc với những phòng làm việc lớn, phòng họp và hệ thống cơ sở dữ liệu kinh doanh, nghiên cứu đa dạng.
Uyên Lê (23 tuổi, du học sinh Australia) cho biết ngoài một số quán cà phê quen thuộc, cô dành nhiều thời gian đến các thư viện công để học tập và làm việc.
|
Với Uyên, thư viện công cộng là nơi lý tưởng để làm việc.
|
"Ở thành phố Melbourne nơi tôi đang sinh sống, có rất nhiều thư viện công đẹp, rộng rãi và miễn phí. Những địa điểm này đều có quầy cà phê tích hợp nên rất tiện lợi và lý tưởng cho những ai đến đây học, làm việc", Uyên chia sẻ.
Uyên cho biết thêm cô và bạn bè mình hiếm khi làm việc tại quán cà phê.
Mô hình quán cà phê dành riêng để làm việc chỉ thường tập trung ở trung tâm thành phố, điều này gây bất tiện bởi cô ở ngoài ngoại ô.
Trong khi đó, các quán cà phê gần nhà thường không bố trí nhiều bàn ghế hay ổ điện để ngồi lại, mọi người chỉ thường ghé mua nước mang đi.
Tương tự, Gia Bảo (24 tuổi, du học sinh Mỹ) cũng thường đến thư viện công khi cần ngồi làm việc trong thời gian dài.
Anh cho biết không phải quán cà phê nào ở Mỹ cũng bố trí không gian làm việc với nhiều bàn ghế và ổ cắm điện như tại Việt Nam. Một số quán còn hạn chế Wi-Fi và thời gian ngồi lại.
"Ngoài thư viện, chúng tôi còn thường ghé đến những phòng làm việc tập trung được xây dựng trong mỗi tòa cao ốc. Mô hình này tương tự co-working space nhưng nhỏ hơn, được trang bị bàn ghế, tủ lạnh, bếp, tivi… Một số nơi có cả phòng kính cách âm riêng, phục vụ những ai cần yên tĩnh để làm việc", anh kể lại.
|
Tại nước ngoài, người trẻ có nhiều sự lựa chọn về nơi làm việc ngoài văn phòng, nhà ở, quán cà phê.
|
Còn theo lời kể của Phương Anh (23 tuổi, du học sinh Hàn Quốc), nhân sự trẻ tuổi tại đất nước củ sâm rất ưa chuộng làm việc tại quán cà phê. Tuy nhiên, nếu cần không gian nghiêm túc hơn, co-working space là sự lựa chọn phổ biến.
"Địa phương tôi sống cách xa trung tâm thành phố, nhưng vẫn có khá nhiều địa điểm làm việc phù hợp từng mục đích. Tôi thường phân chia rạch ròi nơi để chạy deadline và nơi vừa làm, vừa chơi. Những ngày cần tập trung cao độ, tôi thường tới co-working space để thấy mọi người cũng làm việc như mình, tăng tinh thần hơn hẳn", cô tâm sự.
Tại Hàn Quốc, nhiều mô hình làm việc phát triển mạnh mẽ khiến Phương Anh không khỏi bất ngờ. Cô cùng bạn mình cũng từng lui đến những study room (phòng học cá nhân) - nơi được thiết kế dành riêng cho học tập và làm việc.
Study room được học sinh, sinh viên và nhân sự trẻ tuổi ưa chuộng bởi cung cấp phòng họp riêng tư với giá cả đa dạng, một số nơi còn miễn phí cả cà phê và đồ ăn.
"Khi về Việt Nam, tôi chỉ thường ra quán cà phê làm việc. Thành phố rất rộng, nhưng tôi chưa thấy bạn bè, người quen nào của mình tới co-working space hay thư viện để chạy deadline cả", cô cho biết.