Mới đây, thế giới bóng đá trải qua sự kiện vô cùng đâu buồn khi ít nhất 12 người thiệt mạng và hàng chục người khác đã bị thương trong vụ giẫm đạp tại El Salvador.
Vụ việc này xảy ra ở trận đấu tâm điểm giữa hai CLB Alianza và FAS tại sân Monumental ở Cuscatlan, cách thủ đô El Salvador khoảng 41 km. Hàng ngàn CĐV rất muốn vào sân xem trận đấu nên đã xô đẩy ở lối vào. Trong khi đó, BTC lại không lường trước được vụ việc nên mở cửa hạn chế các lối đi, khiến thảm họa xảy ra.
|
Nhiều người nằm bất động trên sân bóng |
Theo truyền thông địa phương, ít nhất 12 người đã thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương và không ít trong số đó được đưa đến bệnh viện đang trong tình trạng nguy kịch.
Trận đấu diễn ra được 14 phút trước khi tạm dừng. Thay vì các pha bóng, nhà đài truyền hình ảnh trực tiếp về hậu quả của vụ giẫm đạp. Hàng chục người nằm la liệt trên sân được điều trị y tế. Những fan khác bị nhẹ hơn thì đi xem xét tình hình. Và họ phát hiện thấy nhiều người nằm im không cử động.
Thảm kịch giẫm đạp trên sân vận động Kanjuruhan - Indonesia
Thảm họa trên sân vận động Kanjuruhan là một vụ giẫm đạp chết người xảy trong một trận đấu bóng đá ở giải bóng đá vô địch quốc gia Indonesia tại vào ngày 1/10/2022.
|
Bạo loạn trong một trận đấu tại giải vô địch quốc gia Indonesia khiến hơn 125 người thiệt mạng. Ảnh: AFP/TTXVN |
Sau trận thua của đội chủ nhà Arema FC trước Persebaya Surabaya, những CĐV Arema đã tràn vào sân và bạo loạn, tấn công cảnh sát, ban huấn luyện và các cầu thủ. Để đối phó, các đơn vị cảnh sát chống bạo động đã triển khai hơi cay, gây ra một vụ giẫm đạp lên người trong sân vận động cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng của hơi cay. Một tai nạn ở lối ra sân vận động, dẫn đến việc NHM bị ngạt thở.
Con số thương vong được báo cáo thay đổi từ 180 đến 323 người. Vào ngày 4/10/2022, tên của 131 nạn nhân đã được công bố.
Thảm họa Estadio Nacional
Ngày 24/5/1964, 2 đội tuyển bóng đá Peru và Argentina gặp nhau trong trận vòng loại cuối cùng để tranh vé đi dự Thế vận hội Olympic Tokyo, Nhật Bản. Trận đấu được tổ chức ở sân vận động quốc gia Estadio Nacional, Lima, Peru, thu hút 53.000 khán giả (5% dân số thủ đô Lima ở thời điểm đó).
|
Người hâm mộ giẫm đạp lên nhau tìm đường thoát thân trong khói hơi cay ở sân Estadio Nacional, Peru. |
Thảm họa bắt đầu khi một NHM tên là Bomba lao ra sân, đấm thẳng vào mặt trọng tài, rồi một NHM khác cũng… ăn theo! Ngay lập tức, cả hai kẻ quá khích bị cảnh sát đánh tới tấp bằng dùi cui. Vụ việc được đẩy lên đến cực điểm khi cảnh sát xua chó nghiệp vụ vào, cắn xé cả hai. Jose Salas, một khán giả có mặt tại trận đấu nói với Đài Phát thanh Quốc gia Peru rằng: “Đó chính là chất xúc tác của thảm họa. Cảnh sát đánh anh ta như thể anh ta là kẻ thù và điều này đã khiến mọi người nổi cơn giận dữ. Cả tôi cũng vậy”.
Lập tức, đám đông trên các khán đài tràn xuống sân. Họ dùng nhiều loại đồ vật như chai nước, cán dù, mũ cứng…, tấn công cảnh sát cùng các quan chức trong Liên đoàn Bóng đá Argentina. Phản ứng lại, cảnh sát bắn hơi cay vào những chỗ tập trung người quá khích, kể cả bắn lên khán đài nhằm ngăn chặn họ tràn xuống khiến hàng chục nghìn khán giả chen lấn, giẫm đạp lên nhau, chạy khỏi sân vận động qua 4 đường hầm dẫn đến cổng ra vào. Nhưng khi tới nơi, mới hay nó đã bị khóa chặt.
Khi trật tự lập lại, có 328 người chết vì ngạt thở và vì xuất huyết nội tạng do bị giẫm đạp. Tuy nhiên, theo nhiều nhân chứng, con số tử vong còn cao hơn nữa bởi lẽ cảnh sát đã cố tình che giấu cái chết của những người bị giết bằng súng. Thẩm phán Benjamin Castaneda, phụ trách cuộc điều tra yêu cầu bộ trưởng Bộ Nội vụ Peru phải nhận trách nhiệm trước sự tàn bạo của cảnh sát bởi lẽ chỉ với 2 kẻ quá khích ban đầu, nhưng cảnh sát đã sử dụng cả dùi cui lẫn chó nghiệp vụ, châm ngòi cho bạo loạn
Thảm họa Accra
ngày 9/5/2001, một biến cố gần giống như ở Peru lại xảy ra. Hai đội bóng hàng đầu của Ghana, châu Phi, là Accra Hearts và Asante Kotoko thi đấu tại sân vận động Accra Sports. Trận đấu nhanh chóng biến thành thảm họa thể thao kinh hoàng nhất trong lịch sử bóng đá châu Phi.
|
3 trong số 127 người chết ở sân Accra Sports, Ghana. |
Do biết trước tính chất cuồng nhiệt của các CĐV hai đội, an ninh đã được thắt chặt và mọi sự cố cũng đã được dự đoán. Thế nhưng lúc trận đấu kết thúc với chiến thắng 2-1 nghiêng về đội Accra Hearts, những NHM đội Kotoko giận dữ bẻ gãy những chiếc ghế nhựa ra khỏi khung sắt rồi ném vào sân. Một số khác ủng hộ bằng cách đồng thanh la ó, đốt pháo sáng khiến không khí hết sức hỗn loạn. Giống như ở Peru, phản ứng của cảnh sát là bắn đạn hơi cay và đạn cao su vào đám đông - nhưng không chỉ bắn những kẻ quá khích mà bắn vào tất cả mọi người trên khán đài.
Đến khi trật tự được lập lại, đội thu dọn hiện trường đếm được 127 tử thi, trong đó có Abdul Mohammed! Và cũng như ở Peru, họ chết vì ngạt thở, vì chảy máu nội tạng.
Thảm họa Hillsborough
Ngày 15/4/1989 sẽ mãi mãi được những NHM môn thể thao sân cỏ Anh Quốc nhớ đến vì đó là ngày chết người nhiều nhất trong lịch sử bóng đá châu Âu, đồng thời cũng là ngày mà cảnh sát bị đổ lỗi nhiều nhất vì thiếu kinh nghiệm xử lý thảm họa.
|
Những bông hoa tưởng niệm 96 nạn nhân xấu số ở sân Hillsborough, Anh Quốc. |
Hôm ấy, trận bán kết tranh cúp Liên đoàn bóng đá Anh diễn ra giữa đội Liverpool và đội Nottingham Forest, thu hút gần 60.000 khán giả. Do nhận thức được tính “holigan” của một số NHM nên một sân vận động trung lập là sân Hillsborough được chọn làm nơi thi đấu. Tại sân này, CĐV của hai đội bị tách riêng ra, trong đó số CĐV của đội Liverpool nhiều hơn CĐV đội Nottingham Forest nên đã dẫn đến tình trạng quá tải ở lối vào vì chỉ có 7 cửa quay (là loại cửa đi vào thì được nhưng không ra được vì nó mở một chiều).
Ngay lập tức, gần 3.000 NHM đổ vào cổng thoát hiểm - gấp đôi khả năng an toàn. Họ chen lấn nhau, ai cũng cố giành để lên được sân vì trận đấu đã bắt đầu từ ít phút trước. Đến trước hàng rào, thay vì chờ cảnh sát mở ra, nhiều người trèo lên khiến nó đổ sụp. Và do đường dẫn đến cửa hầm khá dốc so với mặt sân nên khi hàng rào sắt bị đổ, dòng người đang leo lên ngã về phía sau, kéo theo hiệu ứng dây chuyền. Hàng chục người bị đè chết trước mặt cảnh sát, các khán giả và các quan chức Liên đoàn bóng đá Anh Quốc ngồi trên khán đài.
Đến phút thứ sáu tính từ lúc thảm họa xảy ra, sự hỗn loạn lên đến đỉnh điểm khiến trọng tài phải cho trận đấu dừng lại, đồng thời 7 cửa quay được lệnh tháo các chốt hãm để những người trong đường hầm có thể thoát ra. Khi trật tự đã vãn hồi, 96 người chết vì ngạt thở, 766 người khác bị thương trong đó hơn 1/3 bị thương rất nặng. Thiếu cáng, cảnh sát và các CĐV phải tháo những tấm biển quảng cáo để khiêng nạn nhân ra ngoài.