Mới đây, mạng xã hội dậy sóng trước chia sẻ của một cá nhân về CV (hồ sơ xin việc) sau 35 tuổi. Theo đó, người này nhận định: "Sau 35 tuổi, thậm chí sau 30 tuổi mà phải đi rải CV cho người ta xem xét có thể xem là một thất bại. Lời nói này có thể nặng, không có một chút cảm thông nhưng nếu ai không thấy vậy thì thời cuộc cũng đã vậy rồi".
Anh này đưa ra lập luận rằng lao động sau 35 tuổi phải được nhóm "săn đầu người" tìm đến, cần có những thành tựu nhất định hay chí ít phải có kỹ năng quản lý.
Tìm việc tuổi 30 để có thu nhập tốt hơn
Về vấn đề này, anh Nguyễn Xuân Thành, CEO của một đơn vị diễn họa bất động sản (tạo ra hình ảnh 3D của một bất động sản, tòa nhà hoặc nơi ở) cho biết, anh tôn trọng góc nhìn cá nhân của người phát ngôn. Tuy nhiên, một ý kiến không thể là đại diện cho số đông.
Với cá nhân mình, anh Thành thừa nhận, 35 tuổi đi nộp CV tìm việc sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng không phải không thể. Từ góc độ công ty của mình, anh cho biết, những người giỏi nhất đều ở độ tuổi trên 30 trở đi.
Nhớ lại 5 năm trước, khi 30 tuổi, anh Thành cũng quyết định chuyển từ công việc trong đơn vị nhà nước sang đầu quân cho doanh nghiệp tư nhân.
Người lao động lớn tuổi tìm việc làm (Ảnh minh họa: Khánh Hồng).
Khi đó, gia đình anh đón con đầu lòng. Áp lực kinh tế đè nặng lên vai người cha, buộc lòng anh phải thay đổi công việc để có thu nhập cao hơn, mang lại cuộc sống tốt hơn cho gia đình.
Nhớ lại, anh Nguyễn Xuân Thành cho biết, thời điểm đó đã mang nộp một CV "rách nát" và thiếu kinh nghiệm so với tuổi tác bởi trước đó, anh chủ yếu làm ở trường đại học và viện hàn lâm. Anh đã may mắn anh trúng tuyển với CV "rách" đó và bắt đầu công việc của một sinh viên mới ra trường.
Thời gian trôi qua, anh được trọng dụng và lên vị trí quản lý. Hiện tại, anh nắm trong tay vài công ty và có ý định tiếp tục thử thách bản thân, thay đổi khi bước sang tuổi 40 tuổi. Đổi việc ở tuổi đó, anh tin mình sẽ vẫn làm được.
"Vậy nên nhân sự cùng độ tuổi (35) như tôi lúc này không cần quá phải đắn đo khi làm một CV và bắt đầu khởi đầu mới. Tương lai do mỗi người làm chủ, miễn là có trách nhiệm và cầu tiến", anh Thành nhấn mạnh.
Tìm công việc tốt hơn là nhu cầu chính đáng
Có 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự (HR) của một công ty công nghệ tại Hà Nội, bà Ngọc Khánh nhận định, người ngoài 30 tuổi hay 35 tuổi vẫn đi tìm việc làm là chuyện bình thường trong thị trường lao động.
Do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, người lao động có thể nghỉ việc và tìm công việc mới phù hợp hơn. Không ít lao động ngoài 30 tuổi "nhảy" việc liên tục vì công việc hiện tại không đáp ứng mong mỏi.
"Người lao động tìm công việc mới với hi vọng môi trường tốt, khả năng thăng tiến hay mức lương khả quan hơn là chuyện tốt, chứ không phải thất bại", bà Khánh nhấn mạnh.
Tìm việc làm ở bất kì lứa tuổi nào là nhu cầu chính đáng của người lao động (Ảnh minh họa: Pixel).
Nữ HR phân tích, doanh nghiệp nào thì cũng thường xuyên có thao tác lọc hồ sơ khi tuyển nhân sự cấp quản lý. Các công ty nhỏ sẽ ít tìm đến đội ngũ "săn đầu người" ở vị trí chủ chốt.
"Vậy nếu nhân sự không chủ động đi tìm việc, làm sao doanh nghiệp và người lao động có thể gặp nhau", bà này đặt câu hỏi.
Với kinh nghiệm tích lũy, bà Ngọc Khánh nêu "công thức", người lao động có 2 năm đầu là nhân viên, 5 năm tiếp theo ở vị trí có thâm niên và 5 năm tiếp nữa lên vị trí quản lý. Đây là lộ trình tương đối thuận lợi, thành công của một nhân sự.
Ở những vị trí nhân sự cấp cao, chuyện các đơn vị "săn đầu người" biết được cũng không dễ vì đó là vấn đề nội bộ, bảo mật của doanh nghiệp.
Thông thường trên thị trường, ở những doanh nghiệp có trắc trở, biến động thì nhân sự cấp cao cũng phải tính toán thay đổi, phải "đi rải CV" tìm việc mới. Chính vì vậy, theo chuyên gia tuyển dụng, không nên áp đặt "quy chuẩn" tuổi tác nào thì buộc phải đạt được thành quả nào.