Phụ nữ là phải rửa bát đĩa?
Thời gian gần đây, một video clip đăng tải trên Tiktok nêu quan điểm về việc con gái hay phụ nữ phải làm việc nhà, rửa bát còn đàn ông thì ngồi chơi, được phục vụ đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
|
TikTokẻ nêu quan điểm về việc con gái hay phụ nữ phải làm việc nhà, rửa bát. Ảnh: Tổng hợp |
Theo đó, TikToker này phản đối việc những người phụ nữ lớn tuổi yêu cầu cô nấu cơm, rửa bát để phục vụ đàn ông trong nhà "ngồi chơi xơi nước". Lí do vì cô cho rằng, họ có đủ hai tay và hoàn toàn có thể tự thực hiện. Kèm theo đó là dòng trạng thái: “Người lành lặn phải biết tự phục vụ bản thân chứ?”.
Câu chuyện này lập tức trở thành chủ đề gây tranh cãi cho tới nay, phần lớn người dùng mạng xã hội đều tỏ thái độ không đồng tình với suy nghĩ và thái độ mà cô gái này khi nói về người thân lớn tuổi trong gia đình. Phát ngôn của cô nàng tự gắn mác “Gen Z” khiến cư dân mạng xôn xao. Nhiều người cho rằng cô nàng M.L.T có quan điểm sai lệch về chuyện nấu nướng, rửa bát và nếu cho rằng đây là hành động đòi hỏi nữ quyền thì chưa đúng lắm.
Câu chuyện được đưa ra rằng, chỉ có việc rửa bát và làm việc nhà không đáng để "phàn nàn" và đây chỉ là lí do được đưa ra cho sự lười biếng.
Bên cạnh những ý kiến phản đối, cũng có không ít những quan điểm đồng tình. Họ cho rằng, thời đại này, phụ nữ cũng đi làm như đàn ông, thậm chí có những phụ nữ tài năng giỏi kiếm tiền hơn đàn ông. Cả hai cùng đi làm, tại sao phụ nữ vẫn cứ phải chịu làm những công việc nhà đã được mặc định. Đây là tư tưởng phong kiến, trọng nam khinh nữ không còn phù hợp với thời đại này.
Trước làn sóng của cư dân mạng, TikToker này đã phải làm clip đính chính. Cô chia sẻ bản thân đã phải nghe quá nhiều ý kiến con gái khi cưới chồng phải biết làm này làm kia, phải phục vụ chồng… điều này khiến cô không đồng tình. Hơn nữa, đây là một content cô đã lấy từ clip nước ngoài. Cô hy vọng mọi người sớm bỏ quan điểm chồng ngồi chơi vợ phục vụ đi, để cùng nhau đỡ đần chứ không phải đang tỵ nạnh chuyện rửa bát hay cư xử không đúng mực với người lớn tuổi.
Từ chiếc bát đến nữ quyền hiện đại
Tiến sĩ Nguyễn Lê Hoài Anh (Khoa công tác xã hội - ĐHSP Hà Nội) chia sẻ: “Bản chất của nữ quyền là bình đẳng giới. Theo đó, nữ quyền có các quyền như nam giới: quyền toàn vẹn và tự chủ thân thể; quyền bỏ phiếu (bầu cử); quyền nắm giữ chức vụ công, làm việc; quyền nhận mức lương bình đẳng, hoặc công bằng; quyền nắm giữ tài sản riêng; quyền được giáo dục, phục vụ trong quân ngũ; quyền ký kết hợp đồng pháp lý, quyền trong hôn nhân…”
Tuy nhiên trong xã hội hiện đại ngày nay, nhiều người đã cường hoá 2 từ “nữ quyền” này đi quá xa so với bản chất thật sự của nó như là, theo đó hình mẫu nữ quyền hiện nay là quyền tự do trở thành một người phụ nữ độc lập không cần đàn ông;quyền từ chối các công việc đã được ghim sâu cho phụ nữ như rửa bát, quét nhà, … Cách hiểu sai lệch về nữ quyền này đã làm cho nhiều người phụ nữ ngày nay nghĩ rằng mình phải trở nên mạnh mẽ, cứng rắn, độc lập thì mới có thể có được cuộc sống hạnh phúc.
Khi phong trào nữ quyền hiện đại này được lan tỏa đến nước ta, hầu hết những phụ nữ tiếp cận với nó đều không hề bày tỏ bất cứ sự hoài nghi nào, ngược lại người phụ nữ còn thể hiện sự hứng thú, muốn hội nhập, muốn mở rộng tầm nhìn và thay đổi bản thân để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Nhiều người cho rằng, đó mới là cách sống “Tây” và cho rằng đó không phải việc của mình và đàn ông cũng phải là người làm. Thực chất, quan điển này không hề sai, gia đình là một thể thống nhất và cả hai phái đều phải có trách nhiệm giúp đỡ nhau, san sẻ công việc. Tuy nhiên, điều đáng nói là “nữ quyền hiện đại” ngày càng bị hiểu một cách sai lệch và dần hình thành tư tưởng “từ chối làm tất cả mọi công việc nhà” trong bộ phận không nhỏ các phụ nữ hiện nay, đặc biệt là thế hệ GenZ – thế hệ dễ tiếp thu những xu hướng, tư tưởng mới.
Trả lời cho vấn đề này, anh Trần Linh Sơn - Giám đốc Trung tâm tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình (trực thuộc Trung ương Hội LHTN Việt Nam) chia sẻ, nữ quyền hiện đại bản chất không hề sai, chỉ có người tiếp nhận có xu hướng hiểu sai lệch. Ví dụ, nữ quyền vốn là đòi hỏi quyền bình đẳng cho nữ giới về công việc, cơ hội thăng tiến, quyền tự do thân thể, tự do hôn nhân, quyền được ứng cử, quyền được học tập và trở thành phiên bản tốt của mình…
|
Anh Trần Linh Sơn - Giám đốc Trung tâm tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình (trực thuộc Trung ương Hội LHTN Việt Nam) chia sẻ về nữ quyền. |
“Đối với thế hệ Gen Z, ngoài việc tiếp nhận dễ dàng xu hướng này từ sự phát triển của xã hội nói chung thì cũng là sự tiếp nối đương nhiên với các thế hệ đi trước để lại thông qua truyền thông thông tin và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, điều băn khoăn đó là cách tiếp cận vấn đề và xử lý trong từng hoàn cảnh và bước tiến của xã hội đối với từng thế hệ sẽ cần có thời gian thích ứng, phù hợp để phát triển bản thân. Nữ quyền chính là nhân quyền, đó là cảm thấy sự thiệt thòi, mà đấu tranh để phụ nữ có nhân quyền. Vì vậy nếu muốn có nhân quyền thì đòi hỏi phải có học tập, có tu dưỡng và rèn luyện từ các thế hệ đi trước để tiệm cận bằng hoặc hơn những gì được tích luỹ” – Anh Sơn chia sẻ thêm.
Phong trào này đã và đang nhận được sự ủng hộ rất lớn trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ có vai trò sắp xếp, tổ chức cuộc sống vật chất trong gia đình; là “trụ cột” thứ hai trong gia đình, cùng chồng chia sẻ trách nhiệm kinh tế, tổ chức tốt cuộc sống vật chất cho gia đình. Họ thực hiện vai trò “trụ cột” ở việc: trực tiếp lao động sản xuất tạo thu nhập và quản lý các nguồn lực của gia đình. Vai trò của người phụ nữ vì thế được đánh giá ngang bằng với nam giới.