Điểm sáng trong góc tối bóng đá Việt Nam
Ở thế hệ của Công Vinh, những Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh… đều dính chàm nhưng Vinh là một điều khác biệt. Vinh biết tránh xa bia rượu, cờ bạc, hay chuyện tiêu cực.
Tôi còn nhớ trong một lần nói chuyện với Công Vinh về bóng đá Việt Nam. Vinh tâm sự là khi anh làm bóng đá sẽ không bao giờ có chuyện nhường điểm, hay cho điểm. Đó là điều tối kỵ nhất, cầu thủ và đội bóng phải biết trân trọng tình cảm của người hâm mộ. Thế nên, CLB TP.HCM đặt mục tiêu phải thắng trên khán đài.
|
Cách làm bóng đá của Công Vinh rất khác so với các CLB còn lại tại Việt Nam. |
Suy nghĩ của Công Vinh được định hình từ thuở còn cầu thủ. Vinh biết làm điều gì cho bản thân và sự nghiệp, từ chuyện giữ gìn hình ảnh đến cách giao tiếp, hay khát vọng cống hiến trên sân cỏ.
Đơn giản, Công Vinh xuất thân từ hoàn cảnh nghèo khó, từ một gia cảnh mà người mẹ từng muốn bỏ thuốc độc và để các con ăn một bữa no rồi cùng chết. Nhưng Vinh không cảm chịu số phận. Vinh phấn đấu để vượt lên tất cả.
Bóng đá chính là chiếc phao làm thay đổi cuộc đời của Công Vinh và gia đình. Vinh kiếm được tiền mua nhà cho mẹ, lo cho cuộc sống của chị…
|
Bóng đá cho Vinh cả niềm vui và nước mắt. |
Tựu trung, bóng đá cho Công Vinh rất nhiều, thay đổi cả số phận của Vinh và gia đình. Vì vậy, Vinh trân trọng từng phút giây trên sân để cố gắng thể hiện thật tốt. Khát vọng và nỗ lực hơn người là một yếu tố quan trọng để Vinh thành công.
Thế nên, giữa gam màu tối của bóng đá Việt Nam thì Lê Công Vinh xứng đáng là điểm sáng lớn để tất cả nhìn vào giá trị của trái bóng, có thể thay đổi số phận nhiều con người.
Đến tự truyện tranh cãi
Tự truyện Phút 89 của Công Vinh đang tạo ra những tranh cãi lớn. Xuyên suốt tự truyện có thể thấy điểm khuyết lớn nhất là Vinh quên mất điều gì cũng có hai mặt: Tốt và xấu.
Chúng ta không thể nói là những điều trong tự truyện của Vinh là sai, không đúng. Tôi biết bóng đá Việt Nam còn có những góc khuất khác chứ không chỉ như Vinh nêu. Cuốn tự truyện chỉ lột tả được một phần của bóng đá Việt Nam.
Tuy nhiên, tự truyện của Vinh thiếu mặt tốt của các đồng đội. Điều ấy khiến cho những cái xấu mà anh nêu trở thành cái nhìn một phía, dù là sự thật cũng có thể gây tranh cãi lớn, vì không mấy ai chấp nhận bản thân mình bị đánh giá xấu, có những người phải cố gắng cho đi cơ mà!
Đặc biệt, chúng ta đang lãng phí những điều hay trong tự truyện của Vinh khi tập trung quá nhiều vào những tranh cãi, tạo ra lùm xùm không đáng có. Phải chăng chúng ta đón nhận một cách nhẹ nhàng thì tôi nghĩ tự truyện của Vinh có những bài học giá trị lớn về cuộc sống chứ không phải riêng bóng đá.
Đó là cách Công Vinh và Thủy Tiên đối diện áp lực dư luận, họ vượt qua và tìm được tình yêu cuộc đời. Dù nghịch cảnh ra sao thì họ cũng không buông tay nhau.
Đó là chuyện Công Vinh thay đổi cuộc đời bằng ý chí và khát vọng, vì chỉ có tài năng mà không có những nỗ lực tột cùng hay sự chuyên nghiệp thì không thể giúp Vinh thành công.
Tôi còn cảm phục cách Công Vinh ứng phó với việc phải ngồi dự bị. Vinh buồn nhưng không nản, Vinh ra sân tập luyện nhiều hơn, cố gắng hơn và nắm bắt cơ hội khi được HLV trao. Đó là những điều mà các cầu thủ trẻ cần học ở Vinh, thay vì chấp nhận dự bị, không đủ khát vọng vươn lên.
Bóng đá hay cuộc sống thì mỗi chúng ta đều không thể vẹn toàn. Ai cũng có những mặt xấu, điều không đúng nhưng quan trọng là chúng ta đón nhận sự việc bằng cách nào. Giống như tự truyện của Vinh, nếu thích nhìn nó theo nghĩa không tích cực sẽ xấu xí, nhưng nhìn theo hướng tốt đẹp sẽ là cuốn sách ý nghĩa.