Chuyển giới để được yêu
“Chị biết đấy, người chuyển giới giống như nàng tiên cá, yêu người tha thiết mà người không đáp lại. Dù có đánh đổi cả mái tóc, giọng nói để có đôi chân lên bờ thì cũng chẳng thổ lộ được với người ta, cuối cùng tan như bọt biển”, đó là chia sẻ tự đáy lòng của Tây Hà (24 tuổi, tên con trai là Đỗ Tiến). Cô nàng đang được mệnh danh là “hoa khôi chuyển giới đất Tây Ninh”.
|
Tây Hà khi còn là cậu trai mạnh mẽ tuổi mới lớn. |
Những người sống đời "thân sâu hồn bướm" thường nói, họ chuyển giới vì muốn trọn vẹn làm con gái, muốn để tóc dài, mặc đẹp, riêng Tây Hà, chuyển giới là để được yêu.
Cả tuổi 18 gặm nhấm thứ tình cảm đơn phương, nhớ nhung quay quắt mà không dám nói khiến Tây Hà không bao giờ muốn nếm lại mùi vị ấy một lần nữa. Cô nghĩ, nếu mình là con gái, mọi chuyện sẽ khác nên động lực lớn nhất để cô chuyển giới là vì tình yêu.
Hà biết mình là nữ từ khi còn nhỏ xíu, bất cứ thứ gì liên quan đến con gái cô đều thích. Nhưng cô là đứa trẻ vô tư, chưa bao giờ thấy khó khăn bởi sự khác biệt của mình. Thậm chí, khi bị mọi người ngờ vực, Hà vẫn xem ấy là chuyện thường.
|
Và giờ đây, Tây Hà đã trở thành cô gái xinh đẹp. |
Nhưng khi lớn lên, dáng vẻ nữ tính, giọng nói ẻo lả của Tây Hà lại là trở ngại trong cuộc sống. Rồi cô tập đá bóng, bơi lội, chơi cầu lông, bóng chuyền... để rèn luyện mình đúng nghĩa như một chàng trai mới lớn.
Tây Hà xây dựng thành công vỏ bọc cho mình, không còn ai gọi cô là “bóng”, cho đến khi cô gặp người con trai ấy, vỏ bọc nam tính của cô vỡ vụn.
“Năm ấy tròn 18 tuổi, mình vào TP.HCM học thì gặp anh, một người vui tính, yêu thể thao, hào phóng và đầy năng lượng đúng kiểu trai mới lớn. Nhưng đời nào mình dám thổ lộ, chỉ len lén nhìn thôi”, Hà tâm sự.
Kỳ công giấu mình 18 năm trời mà ngay lúc ấy, khao khát được trở thành con gái của Tây Hà trỗi dậy. Người đầu tiên Hà thổ lộ giới tính thật là mẹ. Cô bị chửi là “thằng khùng” và bị ép bỏ ngay ý nghĩ làm con gái. Khi Hà chia sẻ nhiều hơn thì mẹ cô lại khóc, nói ông trời giỏi trêu ngươi.
Rồi đến ba Hà biết chuyện, không ít lần cãi nhau với cô đến “sập nóc nhà”. Đến mãi sau này, khi chấp nhận được sự thật, ông mới vỗ vai cô và nói: “Cho dù mày làm gì thì vẫn là thằng Tiến của bố”.
19 tuổi, Hà đem tất cả số tiền dành dụm được cộng với lương làm thêm mua hoóc môn về tiêm, bắt đầu hành trình chuyển giới. Hai năm sau, khi gương mặt có nhiều nét nữ tính hơn, cô mới dám nuôi tóc dài, mặc đồ con gái và công khai giới tính với tất cả mọi người.
“Lần đầu, mình mặc đồ nữ về quê, ba khó chịu lắm, thái độ ra mặt. Mẹ mình không nói gì nhưng mình biết bà rất xấu hổ, ngại gặp hàng xóm vì sợ họ cười”, Hà nói.
Hà mặc kệ tất cả, vẫn ấp ủ trong lòng mơ ước một ngày hóa thành thiên nga, dù chẳng biết đến bao giờ mới đủ tiền sang Thái. May mắn thay, năm 2016, cô được một thẩm mỹ viện đề xuất tài trợ tiền phẫu thuật chuyển giới.
Không còn tin vào tình yêu nhưng không hối hận
Tây Hà từ chối kể về những đau đớn thể xác phải chịu trong cả quá trình chuyển giới. Cô chỉ nói một câu ngắn gọn: “Đau chứ, rất đau nhưng giống như ngủ một giấc dậy là mình đã thành người khác, sống một cuộc sống mới, tươi đẹp hơn nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thứ hơn”.
Hà hạnh phúc muôn phần vì được làm một cô gái trọn vẹn nhưng cuộc sống lại không tràn ngập màu hồng như nhiều người lầm tưởng. Hà vẫn có những hoang mang, liệu sau này có hối hận không? Mình có dại dột quá không? Cuộc sống sau này thế nào, làm gì để sống?
Và điều khiến cô sợ hãi nhất là áp lực từ định kiến xã hội. Làm thế nào để tồn tại khi người chuyển giới xin đi làm ở 10 chỗ thì bị từ chối cả 10?
“Tôi đi phỏng vấn xin việc, được đáp lại thế này: “Ở đây là môi trường chuyên nghiệp, chị nhận em vô làm thì khó cho chị vì khách hàng họ không thích”, mặc dù họ luôn nói: “Chị ủng hộ tụi em, không hề kì thị” nhưng đó là sự phân biệt đấy”, Hà cay đắng nói.
|
Từ quyết tâm chuyển giới để được yêu, Tây Hà đã không còn tin vào tình yêu. |
Thế nên, với cô gái Tây Ninh, chuyển giới không đơn giản chỉ là phẫu thuật thành con gái mà là hành trình đấu tranh với rất nhiều thứ. Cho đến khi, họ đủ tiền lo cho bản thân và được những người xung quanh thừa nhận thì mới hoàn thành việc chuyển giới.
Hơn một năm làm con gái, đôi lúc Tây Hà thấy mệt mỏi vì bị áp cho nhiều tiêu chuẩn như: con gái da phải trắng, tóc phải đen dài, phải mặc thứ này thứ nọ mới đúng gu… Rồi cô bị so sánh với người này, người nọ, phải đối mặt với cái nhìn kỳ thị của nhiều người.
Ngay cả tình yêu - động lực lớn nhất để quyết định chuyển giới ngày ấy, Hà cũng không tin vào nó nữa. Cô thấy người ta tìm đến mình chỉ để thỏa mãn và lợi dụng chứ không xuất phát từ tình yêu chân thành.
“Có ai muốn lấy một người không sinh được con, đẹp nhân tạo, không có tiền, không có tương lai? Họ thà quen một cô gái xấu xí còn hơn quen người chuyển giới nên mình không còn tha thiết với tình yêu nữa”, Hà nói.
Nhưng Tây Hà chưa bao giờ hối hận bởi quyết định làm con gái. Chỉ là, thay vì tình yêu, việc được sống thật với chính mình chính là khát vọng, là động lực để cô sống tốt hơn từng ngày.