Sau khi tốt nghiệp ĐH Hà Nội, thành thạo 2 ngôn ngữ tiếng Anh và Tây Ban Nha, Lan Anh được nhận vào làm trợ lý lãnh sự tại Đại sứ quán Chile, ở Việt Nam.
“Thời gian làm việc tại đại sứ quán, tôi học được rất nhiều kiến thức bổ ích. Thời điểm đó, với một cô gái mới ra trường, đây là môi trường làm việc dễ chịu, thân thiện và chuyên nghiệp. Thế nhưng, vốn là người yêu thử thách, mạo hiểm, tôi dần nhận ra công việc này chưa phù hợp với tính cách của mình".
Cuối năm 2014, Lan Anh quyết định chuyển hướng sang nghề tiếp viên để thỏa mãn niềm đam mê xê dịch.
Sau khi xin nghỉ việc tại đại sứ quán, Lan Anh một mình bay vào TP.HCM. Tại đây, cô đăng ký dự kỳ thi tuyển chọn tiếp viên của hãng hàng không quốc tế Emirates tổ chức tại Việt Nam.
|
Sau khi tốt nghiệp, Lan Anh vào làm việc tại Đại sứ quán Chile.
|
Ở lần thi tuyển đầu tiên, Lan Anh vượt qua 500 hồ sơ để vào vòng chung kết. Chỉ có 13 người trụ lại tại vòng thi này. Trùng hợp là vị lãnh đạo phỏng vấn tuyển dụng Lan Anh là người Tây Ban Nha, khi đó, cô tin chắc rằng mình sẽ đỗ. Thế nhưng, cô vẫn bị đánh trượt, do người phỏng vấn nhận thấy Lan Anh chưa có “tinh thần phục vụ” của một tiếp viên hàng không quốc tế.
6 tháng sau, cô thi tuyển lần thứ hai vào hãng và đã thành công. “Lúc người đại diện của hãng gọi điện thông báo trúng tuyển, tôi hạnh phúc đến nỗi nhảy bật lên", Lan Anh hài hước nói.
Hành trình chinh phục ước mơ
Đầu năm 2015, Lan Anh tạm biệt gia đình, một mình sang Dubai. Làm việc tại một trong những hãng hàng không đắt giá nhất trên thế giới, Lan Anh tiết lộ cô gặp không ít khó khăn, áp lực.
“Ngày đầu mới chuyển sang Dubai sinh sống, tôi phải thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nóng gắt, mùa hè nhiệt độ lên đến 50-55 độ C. Ngoài ra, tôi còn phải học văn hóa Hồi giáo bản địa, tìm hiểu những điều kiêng kỵ trong trang phục, ăn uống".
Để trở thành tiếp viên hàng không thực thụ, cô gái Việt phải trải qua khóa đào tạo trong 10 tuần về cách phục vụ và kỹ năng an toàn trên máy bay.
|
Năm 2015, Lan Anh vào làm việc cho hãng hàng không quốc tế ở Dubai.
|
Tuy không vỡ mộng nhưng mọi thứ cũng không giống như cô tưởng tượng. “Hai tháng rưỡi đào tạo, tôi cảm giác dài như ba năm học đại học”, Lan Anh cho biết.
"Thời điểm đó, mỗi ngày, tôi phải dậy từ 5h đến 19h mới về tới khách sạn. Sau đó, tôi lại lao vào ôn tập vì cách 3-4 ngày lại có một bài thi kiến thức về máy bay, an toàn bay, phục vụ hành khách, cấp cứu khẩn cấp. Do không chịu được áp lực, nhiều người phải bỏ cuộc ngay từ những chặng đường đầu tiên".
Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, lần đầu tiên, cô gái người Việt được bước lên chiếc máy bay Boeing với sức chứa hơn 400 hành khách.
“Trong chuyến bay ấy, khi bay qua biển Đen, cơ trưởng đã gọi tôi vào buồng lái. Lần đầu tiên, tôi được tận mắt nhìn thấy biển Đen bao la, đẹp đẽ như thế”, Lan Anh nhớ lại.
Cô đã gọi đây là công việc “có view phòng làm việc đẹp nhất thế giới”.
Bên cạnh đó, do là hãng hàng không 5 sao, Emirates còn có nhiều nhiều quy định ngặt nghèo. Cụ thể về giờ giấc, hãng không cho phép nhân viên đi muộn dù chỉ 10 giây.
Thế nhưng, kỷ luật và sự chuyên nghiệp, giúp Lan Anh tích lũy được nhiều kinh nghiệm bổ ích. Sau 3 năm làm việc tại đây, cô trang bị cho mình kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử với các đồng nghiệp đến từ hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới.
Tới thời điểm hiện tại, Lan Anh có cơ hội đặt chân tới hơn 70 quốc gia, tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau. Cô gái Hà thành có nhiều bạn bè ở khắp nơi trên thế giới. Đồng thời, cô thấy bản thân trưởng thành, tuổi trẻ không bị vô nghĩa.
Năm 2017, do một biến cố, Lan Anh quyết định rời xa bầu trời. Không lâu sau đó, cô tìm thấy công việc mới, tiếp tục thử thách bản thân ở một vị trí khác.
|
Hiện tại, Lan Anh là chuyên gia đào tạo cho các bạn trẻ có đam mê trở thành tiếp viên hàng không. |
Lan Anh lựa chọn trở thành chuyên gia hướng dẫn và đào tạo thi tuyển tiếp viên hàng không. Tính đến nay, cô đã giúp cho hơn 1.500 bạn trẻ làm tiếp viên, nhân viên mặt đất cho 14 hãng hàng không trong nước và quốc tế.
Lan Anh chia sẻ mọi kiến thức, kỹ năng cho các bạn trẻ để trở thành tiếp viên hàng không chuyên nghiệp.
"Khi bắt đầu đào tạo một lứa học viên mới, tôi có cảm giác như đang gieo hạt cho một vụ mùa. Mỗi khi đứng trước họ, tôi nhớ lại bản thân đã có một thời khao khát trở thành tiếp viên hàng không. Hiện tại, tôi hài lòng với công việc và sự lựa chọn của mình".